Ngày 22/2, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết: các ảnh chụp từ vệ tinh hôm 24/1 cho thấy Trung Quốc đang gấp rút xây dựng các trạm radar trên đá Châu Viên (Cuarteron Reef) đã được họ bồi đắp thành đảo nhân tạo có diện tích 211.500m2. Ở phía Bắc có 2 trạm radar, còn phía Nam đang lắp đặt anten của loại radar cao tần (HF Radar) dùng để phát hiện máy bay tàng hình. Ngoài ra, trung tâm này cũng phát hiện Trung Quốc đã xây dựng các đài radar trên các đảo nhân tạo khác như Gạc Ma, Huy Gơ, Gaven.
Quân sự hóa Biển Đông
Trước đó, vào tháng 6/2015, chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Tiêu chuẩn kỹ thuật đóng tàu thuyền dân sự quán triệt yêu cầu quốc phòng” quy định các tàu thuyền dân sự đóng mới phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để có thể nhanh chóng chuyển thành lực lượng quân sự trên biển khi cần.
Việc Bắc Kinh xây dựng hệ thống sân bay trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, triển khai hệ thống tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu và xây dựng các trạm radar cho thấy họ đã tạo ra được thế bố trí binh lực mới nhờ những công trình xây dựng bất hợp pháp này. Mục tiêu của cách làm này là “tạo ra sự thực đã rồi”. Động thái này rõ ràng đi ngược lại với cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 9 năm ngoái tại Mỹ rằng, Bắc Kinh không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông.
Những hành động nêu trên của Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông, vi phạm Điều 4 và 5 Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với các nước ASEAN tháng 11/2002, trong đó nêu rõ “Các bên có liên quan cam kết giải quyết những tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa vũ lực, thông qua tham khảo ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS); các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định…”.
Các luận điệu lừa bịp, đảo lộn trắng đen
Trước những phản ứng mạnh mẽ và sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận quốc tế, Trung Quốc đã đưa ra những luận điệu biện bạch, kể cả việc đảo lộn trắng đen, đánh bùn sang ao để bào chữa cho hành động của họ. Tựu trung, lý luận của Trung Quốc biện bạch cho các hành động bố trí radar, tên lửa, máy bay chiến đấu trên các đảo mà họ chiếm đóng trái phép bao gồm: Thứ nhất, cố tình tách Hoàng Sa ra khỏi vấn đề tranh chấp trong khu vực khi cho rằng Hoàng Sa khác với Trường Sa, không có tranh chấp với các nước; việc Trung Quốc bố trí lực lượng quân sự ở đây là phòng ngự, không phải quân sự hóa; các nước đã “cố tình trộn lẫn” vấn đề Hoàng Sa với Trường Sa. Thứ hai, né tránh khái niệm “quân sự hóa”, cho rằng việc bố trí này là Trung Quốc thực hiện quyền tự vệ chứ không phải quân sự hóa. Thứ ba, nhấn mạnh “ý đồ khác với khả năng”: Trung Quốc bố trí tên lửa, máy bay chỉ là biện pháp tự vệ, không đe dọa các máy bay quân sự và dân dụng bay qua khu vực này, trừ những máy bay, tàu thuyền giả dạng để khiêu khích chủ quyền Trung Quốc. Thứ tư, cố tình làm ra vẻ Trung Quốc là “nạn nhân”: Việt Nam và Philippines quân sự hóa các đảo từ lâu thì không ai nói gì, vì sao biện pháp tự vệ của Trung Quốc bị coi là quân sự hóa? Thứ năm, lừa bịp về vai trò của Trung Quốc: mấy chục năm qua, lực lượng quân sự Trung Quốc chưa bao giờ đe dọa tàu bè dân sự và thương mại tự do hàng hải trên Biển Đông, mối nguy cơ của Trung Quốc không có thật, do Mỹ bịa ra và cường điệu.
Bám theo lập trường này, ngày 22/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói ở buổi họp báo: “Các đảo Nam Hải từ cổ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc, Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển. Việc Trung Quốc xây dựng các đảo, đá chủ yếu vì mục đích dân sự, để phục vụ tốt hơn cộng đồng quốc tế. Việc Trung Quốc bố trí thiết bị phòng vệ hạn chế trên lãnh thổ của mình là thực thi quyền tự vệ của một quốc gia có chủ quyền theo luật quốc tế cho phép, không liên quan đến quân sự hóa, là điều tự nhiên, hoàn toàn chính đáng và hợp pháp. Đề nghị các nước nhận thức đúng, không cố tình làm to chuyện”.
Bà ta còn nói: “Việc Trung Quốc bố trí các trang thiết bị phòng vệ trên đảo Vĩnh Hưng (tức Phú Lâm) là thực thi quyền tự vệ chủ quyền quốc gia, không liên quan đến quân sự hóa, là về bản chất không khác việc Mỹ bố trí phòng vệ Hawaii”. Hoa Xuân Oánh biện bạch: “ Tây Sa (tên họ tự đặt cho Hoàng Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc, không có tranh chấp với bất cứ nước nào, không liên quan đến DOC”.
Ngày 25/2, Thượng tá Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói tại cuộc họp báo: “Việc Trung Quốc bố trí lực lượng quân sự trong phạm vi lãnh thổ mình dù trước đây hay hiện nay, dù là tạm thời hay lâu dài, bất kể loại trang bị nào cũng đều là quyền chính đáng, hợp pháp của Trung Quốc”.
Tên lửa HQ-9 của Trung Quốc.
“Thời báo Hoàn cầu” ngày 26/2 đăng bình luận cho rằng: việc Trung Quốc bố trí các thiết bị quốc phòng cần thiết trên lãnh thổ của mình về bản chất không hề khác việc Mỹ bố phòng Hawaii.
Trước ý kiến phía Mỹ đáp trả: Không có nước nào tranh chấp Hawaii với Mỹ, còn các đảo trên Biển Đông thì có tranh chấp, thì báo này lên giọng ngang ngược: “Trước khi nước Mỹ xuất hiện trên thế giới thì các đảo ở Nam Hải (Biển Đông) đã thuộc về Trung Quốc rồi. Trung Quốc phát hiện, đặt tên và khai thác kinh doanh sớm nhất và liên tục thực hiện quản lý chủ quyền các đảo sớm nhất. Một nước mới có lịch sử hơn 200 năm định nghi ngờ chủ quyền của Trung Quốc đã hoạt động ở Biển Đông hơn 2.000 năm đối với các đảo ở đó thì thật là vô tri, không biết sợ và to gan”.
Ngày 25/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và vấn đề quốc tế (CSIS) của Mỹ. Về việc Trung Quốc bố trí các trạm radar ở Châu Viên bị các nước lên án là hành vi thay đổi cục diện Nam Hải, khiến Trung Quốc thực hiện khống chế vùng trời và vùng biển Nam Hải, Vương Nghị biện bạch: “Quả thật, chúng tôi có bố trí một số thiết bị có tính phòng ngự, nhưng các nước khác đã có những thiết bị này từ rất lâu, Trung Quốc chậm hơn họ 20- 30 năm”.
Dư luận quốc tế lên án
Các hành động quân sự hóa của Trung Quốc rõ ràng là sai trái, bất chấp luật pháp quốc tế, đi ngược lại những thỏa thuận, cam kết quốc tế mà Trung Quốc đã ký, bị dư luận quốc tế lên án, phê phán mạnh mẽ.
Tờ Đa Chiều của người Hoa ở Mỹ hôm 25/2 nhận xét: Trung Quốc đã bộc lộ rõ mưu đồ qua việc quân sự hóa Biển Đông: đó là “lãnh thổ hóa” Biển Đông đi từ lý luận đến thực tiễn. Việc bố trí các thiết bị quân sự trên các đảo, đá vừa cung cấp, đảm bảo, vừa nhằm tượng trưng cho chủ quyền.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull Julie hôm 25/2 đã lên tiếng phê phán việc Trung Quốc lấp biển tạo đảo, gây leo thang tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Bà Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne cùng ngày nói Australia đang chú ý đến việc Trung Quốc có ý đồ tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực châu Á – TBD; bà kêu gọi Trung Quốc nỗ lực hợp tác với các nước đang có tranh chấp, chấm dứt việc bồi đắp đảo nhân tạo và hành động quân sự hóa Biển Đông.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh, Nhật Bản hết sức quan ngại với hành động triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm và không thể chấp nhận việc Trung Quốc tìm cách thay đổi thực trạng và gây căng thẳng trên Biển Đông bằng hành vi bồi đắp quy mô lớn, xây căn cứ và sử dụng vì mục đích quân sự là mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng việc lắp đặt các hệ thống tên lửa trên đảo Phú Lâm đi ngược lại cam kết của Trung Quốc là không quân sự hóa Biển Đông. Ông nói: “Trung Quốc nói một đằng, nhưng dường như lại làm một nẻo. Chúng tôi không nhận thấy có dấu hiệu nào cho thấy nỗ lực quân sự hóa này đã dừng lại. Việc này không hề khiến cho tình hình tại đó trở nên ổn định và an toàn hơn. Trên thực tế, việc này đang có tác dụng ngược lại”.
Báo chí Trung Quốc cho biết, mạng lưới radar cùng với các đài radar ở các đảo ở Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam đã giúp Trung Quốc có thể kiểm soát toàn bộ vùng trời khu vực Biển Đông kể từ eo Malacca trở lên.