Trong thời gian làm Đại sứ tại Trung Quốc, ông có gặp tình huống ngoại giao nào khó xử?
Trong gần 10 tháng từ khi làm Đại sứ tại Trung Quốc, có thể nói trao đổi giữa các lãnh đạo, bộ, ban, ngành của Trung Quốc với phía Việt Nam rất tốt. Tôi thường xuyên đi thăm các địa phương của Trung Quốc, nhất là Quảng Tây và Vân Nam. Qua trao đổi, từ các lãnh đạo tới các bộ, ngành của Trung Quốc đều rất mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, rất coi trọng chính sách đối với Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai bên đều thừa nhận, trong quan hệ hai nước còn tồn tại vấn đề biên giới lãnh thổ. Đây có thể nói là khó khăn, trở ngại trong quan hệ song phương. Vấn đề thứ hai là tâm lý của người dân hai bên. Nhiệm vụ của Đại sứ là cầu nối giữa Việt Nam và Trung Quốc, là chuyển tải những chủ trương, đường lối của Việt Nam đối với quan hệ Trung Quốc, đối với vấn đề lãnh thổ, đồng thời phản ánh quan điểm của Trung Quốc với các lãnh đạo của ta. Tất nhiên, không thể tránh những lúc khó khăn, nhưng trong ngoại giao thì khó khăn, thuận lợi đan xen nhau.
Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, Đại sứ có nhận thấy thay đổi gì trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc với Việt Nam không?
Có thể nói kết quả trọng tài vừa qua là thắng lợi của luật pháp quốc tế. Tất cả các nước trên thế giới, kể cả nước lớn, nước nhỏ đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhưng để đánh giá tác động của vụ kiện đối với đường lối đối ngoại của Trung Quốc, cần theo dõi thêm. Hiện Trung Quốc vẫn bác bỏ kết quả vụ kiện, khẳng định rõ không chấp nhận và không thừa nhận kết quả của vụ kiện này. Nhưng nếu tiếng nói của tất cả các nước trên thế giới đều ủng hộ luật pháp quốc tế thì tôi nghĩ và hy vọng phía Trung Quốc cũng phải nhìn nhận lại.
Vừa qua, Trung Quốc và ASEAN đặt mục tiêu hoàn thành phần khung của Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để quản lý tranh chấp trên biển Đông. Đại sứ đánh giá như thế nào về sự thật lòng của Trung Quốc và triển vọng đạt được mục tiêu này?
Đàm phán bất kỳ vấn đề gì cũng khó khăn. Đây là đàm phán đa phương giữa ASEAN và Trung Quốc. ASEAN lại tuân theo nguyên tắc đồng thuận. Nên tiến trình đàm phán DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông) trước kia và COC hiện nay đều khó khăn. Nhưng việc Trung Quốc vừa qua bày tỏ mong muốn sớm cùng các nước ASEAN hoàn thành COC là tín hiệu tích cực. Nếu ASEAN và Trung Quốc đạt được COC thì sẽ là yếu tố quan trọng để duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Cảm ơn ông.