Theo đó, phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Wang Min đã gửi một bản tuyên cáo đề cập đến hoạt động của giàn khoan Hải Dương - 981 (Trung Quốc hạ đặt trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam) lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và yêu cầu Liên Hợp Quốc cho lưu hành văn bản này tới 193 thành viên của Đại hội đồng.
Trong tài liệu mà phía Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp Quốc, họ ngang nhiên cho rằng, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã tiến hành các hoạt động địa chấn, khảo sát địa chất trong khu vực này suốt 10 năm qua và hoạt động khoan dầu lần này là “sự nối tiếp quá trình thăm dò bình thường trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.
Trung Quốc cũng vu cáo Việt Nam sử dụng “các biện pháp bất hợp pháp và gây hấn” trong đó có cả việc điều các tàu vũ trang sẵn sàng đâm, va, gây cản trở hoạt động của giàn khoan Trung Quốc.
Bản tuyên cáo của phía Trung Quốc còn trắng trợn cho rằng: “Việt Nam đã điều người nhái đến khu vực trên và thả nhiều vật cản như lưới và các vật trôi nổi xuống biển” nhằm cản trở hoạt động bình thường của tàu thuyền Trung Quốc.
Cố tình phớt lờ những diễn biến tại thực địa đã được nhiều phóng viên của các hãng tin nổi tiếng trên thế giới phản ánh, khẳng định hành động hung hăng của Trung Quốc, Bắc Kinh rêu rao rằng, Việt Nam đang gây ra “mối đe dọa lớn” cho các nhân viên trên giàn khoan và “vi phạm luật pháp quốc tế”.
Trong bản tuyên cáo, Bắc Kinh đã cố tình không đề cập đến một thực tế rằng, chính Trung Quốc đã điều hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu tuần tiễu săn ngầm, tàu quét mìn và tàu đổ bộ để bảo vệ giàn khoan, trong khi Việt Nam chỉ điều tàu cảnh sát biển, kiểm ngư thực hiện quyền chấp pháp chính đáng của mình.
Cũng trong tuyên cáo này, Trung Quốc lại một lần nữa đưa ra những thứ mà họ gọi là “dẫn chứng lịch sử” để tuyên bố rằng quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ của họ, thế nhưng họ lại không trình bày được bất cứ một chứng cứ thuyết phục nào theo quy định của UNCLOS.
Trước đó, ngày 8/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có những hành động trơ trẽn khi vu cáo rằng tàu Việt Nam đã đâm va tàu Trung Quốc hơn 1.400 lần, bất chấp những bằng chứng đanh thép của phía Việt Nam cho thấy tàu của Trung Quốc luôn là bên chủ động đâm va, thậm chí là cố tình đâm chìm tàu cá của Việt Nam.