Trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ là trục văn hóa lịch sử

Trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ là trục văn hóa lịch sử
TP - “Trong cuộc họp của Hội đồng thẩm định vào ngày 7-9, anh Thảo Chủ tịch TP Hà Nội, với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã phát biểu rằng Hà Nội ủng hộ trục Hồ Tây-Ba Vì” - ông Trần Ngọc Chính-Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (QHPTĐTVN), Ủy viên thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định quy hoạch chung thủ đô đã khẳng định với phóng viên Tiền Phong chiều qua.

>> Trục hay không trục?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính - Ủy viên Hội đồng thẩm định Nhà nước
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính - Ủy viên Hội đồng
thẩm định Nhà nước.


Thưa ông, có nghĩa trục Hồ Tây- Ba Vì mà Bộ Xây dựng trước đây đề xuất so với trục Hà Nội góp ý, đề xuất hiện nay khác nhau?

Thực ra nó vẫn là trục theo đề xuất ban đầu, nó chỉ thay đổi về mặt cắt và thay đổi về hướng tuyến. Việc làm một trục không nên theo hướng thẳng tắp, mà phải phù hợp với không gian cảnh quan, công trình kiến trúc. Nó không thể thẳng tắp vô cảm kể cả về mặt tổ chức kiến trúc, cảnh quan. Tóm lại nếu làm trục thẳng tắp là không phù hợp.

Quan điểm của ông nên chăng phải có một trục Hồ Tây- Ba Vì?

Khi tôi còn ở Bộ Xây dựng làm đề án mở rộng Thủ đô cũng đã có trục này. Bởi vì đây là trục mà theo những người làm công tác quy hoạch thực sự rất cần để kết nối không gian giữa Hà Nội cũ với vùng được mở rộng.

Trục này sẽ là trục duy nhất và định hướng về tổ chức không gian cảnh quan, kết nối giữa cái mới và cái cũ, là trục văn hoá, lịch sử. Quan trọng hơn nữa là vấn đề tổ chức giao thông, bởi vì Thủ đô mở rộng về phía Tây với nhiều chuỗi đô thị thì chỉ mỗi đường Láng-Hoà Lạc dù mở rộng bao nhiêu làn đường đi nữa cũng không đủ, không nối kết được.

Có nghĩa theo lộ trình việc hình thành trục Hồ Tây-Ba Vì chỉ mang tính định hướng, thưa ông?

Đây là trục định hướng việc phát triển của Thủ đô về phía Tây. Nó vừa là trục định hướng vừa trục triển khai tổ chức không gian kết nối đô thị về tầm văn hoá, lịch sử. Khi mà các công trình này của Hà Nội hiện rất manh mún, chúng ta sẽ tổ chức các công trình văn hoá, công viên văn hoá để nó có một độ lớn cần thiết tạo nên một không gian của đô thị hiện đại với lượng dân cư lớn trong tương lai.

Tuy nhiên, không phải vẽ như thế rồi phải làm ngay, mà đây là trục định hướng của mươi năm sau, hay của cả thế kỷ sau. Cho nên ở chỗ nào có dự án rồi, đoạn vành đai 3, vành đai 4 hay chỗ đoạn Láng-Hoà Lạc có thể làm trước, chỗ nào khi nào xuất hiện nhiều dự án, dân cư đông thì mình có thể làm tiếp. Có nghĩa mình biết để quản lý ngay từ bây giờ để mai này không mất tiền đền bù.

Phùng Sưởng - Nguyễn Tú (thực hiện)

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.