Nguyễn Việt Hà:

Trong văn chương tuyệt nhiên không nên có đồng chí

Nguyễn Việt Hà (phải) đang ký sẵn vào 4 đầu sách tặng bạn đọc. Đối diện là bạn văn Nguyễn Huy Thiệp. ảnh: n.t.quý
Nguyễn Việt Hà (phải) đang ký sẵn vào 4 đầu sách tặng bạn đọc. Đối diện là bạn văn Nguyễn Huy Thiệp. ảnh: n.t.quý
TP - Trong năm, Nguyễn Việt Hà tái bản hai cuốn tiểu thuyết cùng tạp văn Đàn bà uống rượu, in mới rồi tái bản lần thứ 4 tạp văn Con giai phố cổ. Đi Pháp ra mắt Cơ hội của Chúa bản tiếng Pháp. Cuộc tán gẫu Tết con ngựa này không bàn về văn chương của “con giai phố cổ” Nguyễn Việt Hà nữa.

Patrick Deville, tác giả “Viễn vọng”,“Yersin: Dịch hạch và thổ tả” nói trong buổi ra mắt sách ở Hà Nội : “Không nên khuyến khích văn hóa đọc bởi đọc là việc hoàn toàn riêng tư với những lựa chọn cá nhân”. Nguyễn Huy Thiệp thì nói “cẩn thận với cái gọi là văn học, bởi rác rưởi là chính kể cả nước ngoài”. Người thiên kinh vạn quyển như anh có đồng tình với ông nhà văn Pháp hay là vẫn nên thường xuyên tổ chức ngày hội tôn vinh văn hóa đọc?

Thực ra, không chỉ nhà nước mà nhiều nhà xuất bản cũng tổ chức “một ngày tôn vinh văn hóa đọc” rồi. Thế nhưng ở ta có văn hóa đọc hay không thì vẫn là chuyện còn phải bàn. Tôi đã viết dăm sáu tạp văn về đọc sách. Tạm trích vài câu. “Thao tác đọc sách giống như mọi thao tác của tình yêu, nó thong thả trong trắng thầm thì, cho dự nồng nhiệt nhưng không ồn ào. Chuyện đọc sách giống hệt chuyện tửu lượng, hoàn toàn là thiên bẩm trời cho không ai giống ai. Có người uống một chén đã say có người uống vài chai chưa say. Có người đọc thiên kinh vạn quyển vẫn điềm nhiên sáng suốt, có người mới ê a dăm tờ đã đầu váng mắt hoa hỏa khí nhập đường tà quàng xiên ăn nói. Trên tivi thỉnh thoảng lại hiện hình một vài “giáo sư” như vậy, cả người nồng nặc mùi xác chữ. Đọc sách cũng phải theo tuổi. Có quyển đừng đọc quá sớm, có quyển không nên đọc quá muộn. Khổng Phu Tử đọc sách từ nhỏ, bất cứ quyển nào cầm lên là trôi chẩy, vậy mà phải về già mới dám đọc Kinh Dịch”. (Sống với sách).

Trong văn chương tuyệt nhiên không nên có đồng chí ảnh 1

Nguyễn Việt Hà dưới ống kính nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán

Hoặc “Bây giờ đi ngoài đường ở Hà Nội, nếu cố phải để ý tìm, tuyệt nhiên chẳng thấy còn ma nào ngồi đọc sách. Nhỡ có thì hình như đấy là một ông Tây hay một nàng đầm. Nhan nhản ở các quán cà phê hay phòng chờ sân bay, tầu hỏa, đàn ông đủ mọi tuổi chỉ háo hức há hốc mồm đọc báo. Tất nhiên, đọc sách thì tốt nhất ngồi chỗ tĩnh một mình và những chỗ như thế thì thú nhất là thư viện. Thuở chưa xa, chừng hơn mươi năm trước, thư viện quốc gia ở 31 Tràng Thi luôn ẩn hiện một đám khủng long độc giả. Bọn họ đọc sách qua trưa rồi thong thả qua chiều, mặc kệ ngoài kia đã là tối muộn hăm chín thiên hạ đang vội vàng tết nhất. Bọn họ chân thành ngạc nhiên khi bị hỏi, đọc sách là để làm gì. Với họ giản dị, đọc sách không bao giờ là phương tiện để tìm kiến thức rồi đi kiếm lợi danh. Bọn họ đọc vì không thể không đọc, y như một tín đồ chân chính đều đặn đi lễ tới nhà thờ hay cửa chùa, hoàn toàn không nhằm chứng minh mình là ngoan đạo. Hình như với họ, không có cái thứ gọi là “nền văn hoá đọc” hay “truyền thống đọc”. Đọc là một nhu cầu tự nhiên từ nội tại riêng tư, là một cách sống, một kiểu tu tâm dưỡng tính hao hao như ngồi kiết già của Thiền tông hay từ sáng đến tối tụng “Adi Đà Phật” của Tịnh Độ tông”.

(Khi đàn ông không đọc).

Còn ý kiến của anh Thiệp thì hơi nghiêm khắc quá. Đọc sách hao hao như việc đãi vàng, gặp nhiều thứ bỏ đi là chuyện thường. Vì thế, một độc giả tử tế bắt buộc phải đọc nhiều.

Người từng xuất bản tự truyện như danh thủ Beckham nghe nói cũng “chân thành ngạc nhiên” rằng không hiểu sao người ta có thể dễ dàng đọc một cuốn sách, với anh điều đó bất khả, đời anh chưa từng đọc trọn một cuốn. Chắc có lẽ “mới ê a dăm tờ đã đầu váng mắt hoa hỏa khí nhập đường tà…”.

Năm qua, cuốn sách làm tôi buồn cười nhất là ba tập “50 sắc thái của Grey”. Nó thậm chí cũng chẳng phải tiểu thuyết khiêu dâm như lời đồn, bởi tình dục được miêu tả rất đơn điệu. Trước khi dịch ra tiếng Việt, sách bán nhiều triệu bản ở các nước, tác giả đã thành nữ triệu phú. Người mẫu thọ lâu trên sàn diễn Kate Moss còn lên đài đọc dài kỳ để lấy tiền gây quỹ từ thiện. Thế là cả thế giới này nhảm nhí đâu chỉ chúng ta?

Thói quen mua sách ở tôi là thường mua những cuốn đọc rồi. Nếu chưa kịp đọc, thì mua theo tên tác giả hoặc nhà xuất bản nào đó mà mình tự thấy là uy tín. Còn cứ tin theo những lời dẫn “mãi võ Sơn Đông” ở xanh đỏ bìa bốn thì chắc chắn ăn đòn.

“Thi sĩ Tế Hanh ngày xưa viết “Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình”. Hình như trong văn chương tuyệt nhiên không nên có đồng chí”

Cuốn sách bán được nhiều triệu bản là do nó đáp ứng được nhiều tiêu chí, trong đó văn học chỉ là một tiêu chí rất nhỏ. Đã là số đông thì lấy đâu ra sự tinh tế. Thế giới thì cũng giống như chúng ta thôi, cuộc sống càng ngày càng mang vẻ nhảm nhí. Có điều, họ hơi khác chúng ta một tý. Lúc cần nghiêm túc họ biết cách nghiêm túc. Lúc cần đùa, họ rất biết cách đùa. Ở ta thường lẫn lộn, nên cuộc sống vui hơn. Đơn cử như việc Dương Chí Dũng bị tuyên tử hình nhưng xin phép tòa đọc thơ. Tôi chắc ông này từng làm thơ và làm nhiều. Xét theo tiêu chí nhỏ nhoi văn học thì thơ ông ta cũng có vần điệu, cũng có lành mạnh nội dung. Nếu bây giờ được phép in rồi được phép bán thì số lượng chắc chắn cũng chẳng thua gì thơ Nguyễn Phong Việt. Chừng 20 ngàn đến 30 ngàn bản gì đó.

Frederic Beigbeder của Pháp với “Kẻ ích kỷ lãng mạn” lại cho thấy thể tài không quan trọng, quan trọng là cái trong đầu anh, có gì hay ho khác người. Beigbeder viết tiểu thuyết kiểu nhật ký, thấy và nghĩ gì ghi nấy, hấp dẫn vô cùng. Một gợi ý tốt cho ai mải loay hoay đề tài, thể loại?

(Được hỏi vì sao viết văn, nhiều nhà văn kiểu cách “không biết làm gì khác”. G.Marquez nói “để bạn bè yêu tôi” còn nhà văn Pháp U50 này nói “vì tôi đã chán ngấy việc không viết lách gì rồi”).

Cuốn của F.Beigbeder là cuốn sách hóm và hay, nó điển hình cho những cuốn nghiêm túc best-seller. Mà đã hay đã hóm thì khó học vô cùng. Chúa cho riêng ai thì người ấy có.

Tất cả các nhà văn ở ta đều biết “thể tài không quan trọng, quan trọng là có hay không, khác người không”. Biết thế là một chuyện, còn viết được thế lại là một chuyện. Đọc sách đã là “một lựa chọn cá nhân” thì đương nhiên viết sách lại càng cực kỳ “cá nhân”. Cho dù vô cùng chân thành thì cũng không ai có thể dạy nổi ai, may mắn lắm thì cũng chỉ là một mong manh gợi ý.

Hôm vừa rồi tôi có tham gia khóa “đào tạo kỹ thuật viết văn xuôi” cho khoa sáng tác của ông phó giáo sư Văn Giá. Mình tin là mình đã nói đủ hết những điều gan ruột nhưng nhìn vẻ mặt cả lớp thì thấy mọi người vẫn “bơ vơ” lắm. Loay hoay chẳng biết cách nào, may nhờ hôm tổng kết được phó giáo sư Văn Giá nói lại thì cũng sáng được đôi điều. “Các trò nên biết rằng, công việc viết văn là rất phức tạp, cho nên suốt mấy buổi vừa rồi các trò đừng nghĩ là nhà văn Nguyễn Việt Hà nói lung tung. Bởi xuyên suốt ở đấy có một sợi chỉ đỏ”. Nghe xong tôi cũng tự thấy đỡ hoang mang. Có điều, quanh quẩn mấy hôm nay, chính tôi cố đi tìm mà vẫn chẳng thấy cái sợi chỉ ấy.

Anh trích câu thơ một thời của Tế Hanh “Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình” để phán rằng “trong văn chương tuyệt nhiên không nên có đồng chí”. Nói chung, nghệ thuật là không nên có đồng chí, ông Việt Hà có lặp lại chính ông thì lặp chứ dứt khoát không chung chiến hào với ai? Chữ nghĩa như ADN, người viết nào chả muốn người ta đọc khẽ đã nhận ra mình, song lực bất như mưu mà thôi?

Hồi tôi còn hay viết cho tạp chí Sông Hương, khoảng những năm đầu chín mươi của thế kỷ trước, tôi thấy thích cái câu của Hồng Nhu “Mắt là mắt của người ta. Mà tôi mở nhắm như là mắt tôi”. Câu của Tế Hanh xót xa hơn, dữ dội hơn và “sám hối” hơn.

Văn chương là câu chuyện của từng người. Những người viết văn trẻ bây giờ ý thức rất rõ ràng về cái tôi. Vậy mà không hiểu sao vẫn thấy phảng phất bao trùm một không khí “đồng chí”. Nhất là ở truyện ngắn, hiếm hoi một giọng riêng.

Truyện ngắn khoảng dăm bẩy năm lại đây đọc chán quá. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người quay sang viết tiểu thuyết rồi tản văn. Thế nhưng cũng như chị đã nói, thể loại, thậm chí chủ đề cũng chẳng là cái quái gì cả. Vì ngay cả khi được viết tự do như blog hay facebook, cũng vẫn nhan nhản nhạt thếch. Và cho dù ra sức giễu cợt “đồng ca” thuở trước, thì vô tình lại xếp thành “tốp ca”. Có “tốp” xếch xi, có “tốp” trinh thám, có “tốp” day dứt nhưng cần nhất là “tốp” hấp dẫn thì vẫn thấy thiếu. Mà cuộc sống hôm nay ở ta đang quá hấp dẫn, chẳng sách vở nào bì nổi.

Phải chăng vì thế mà nhiều nhà lý luận thở than, mãi chẳng có cuốn sách nào ngang tầm thời đại. Thật ra, các ông lý luận cứ thở dài cho sang vậy thôi, chứ lấy đâu ra có thứ văn học nào ngang tầm thời đại. Iliad à, Odyssey à hay Chiến tranh và hòa bình hay Tam quốc diễn nghĩa. Cái khát khao “ngang tầm thời đại” có lẽ chỉ là đặc sản riêng có ở ta. Người xưa bảo “lập thân tối hạ thị văn chương”. Bởi đơn giản so với “lập công” hay “lập đức” thì “lập ngôn” luôn đứng thứ hạng bét.

Lâu không đi qua phố cổ mạn Mã Mây, Đào Duy Từ… Vừa rồi làm visa du lịch, dạo một vòng, thấy một bầu không khí đậm đặc. Nào mùi uống ăn vỉa hè, mùi du lịch theo tua, nhịp lao động nhịp ăn chơi hối hả trong đó Tây, Mỹ dự phần kha khá. Anh - “con giai phố cổ”, có thể chỉ ra phần nào cái gọi là vẻ đẹp phố cổ Hà Nội thời trước và bây giờ?

“Phố cổ” như chúng ta vẫn hiểu và vẫn viết, nhiều khi cũng chỉ là mơ ước thôi. Bao giờ cho đến ngày xưa luôn là một hoài niệm lãng mạn. Mà đã là hoài niệm lãng mạn thì thường được trân trọng. Và càng được lung linh trân trọng thì lại càng mơ hồ đáng yêu.

Phố cổ được người Hà Nội nhớ là vì nó bảng lảng như có như không. Nó cũng giống như mối tình đầu, như nụ hôn đầu. Phố cổ tồn tại là nhờ cảm xúc chứ cứ chẻ hoe ra thì rất dễ dung tục. Có một “cao bồi già” tâm sự với tôi là không hiểu sao cái hồi hai mươi đang yêu, ông ta lại lên cầu Long Biên nhẩy sông vì cái nàng ấy nghe lời bố mẹ định hủy hôn. Rồi ông ta ngấm ngầm rùng mình chỉ cho tôi “cái nàng ấy” bây giờ là vợ ông đang xoe xóe cãi nhau với hàng xóm. Tôi nhìn rồi cũng khe khẽ rùng mình. Đúng là thà chết trôi còn hơn.

Nói chuyện các nàng. Đỗ Hoàng Diệu nhận xét đọc Nguyễn Việt Hà thấy anh ta vừa khinh lại vừa ngại, sợ đàn bà? Còn tôi đoán riêng với đa số xưng nhà văn nữ, có lẽ anh thuộc “đám” có cùng quan niệm rằng cuối cùng thì đó vẫn là cái giống “tè không qua khỏi ngọn cỏ” thôi.

Câu hỏi này thì đúng là khó có thể trả lời chân thành được. Tôi có đọc bài song thoại của chị và “em” Diệu về con giai phố cổ, hôm sau vô tình gặp, tôi có đùa là “em” Diệu nhầm một vài chi tiết. Ví như nhà tôi ở mặt phố, thậm chí giữa phố chứ không phải trong ngõ nhỏ. Căn nhà này là hương hỏa từ cụ ngoại tôi. Vì thế tôi rất mong cái nhận xét “vừa khinh vừa sợ vừa ngại đàn bà” là một sự nhầm lẫn đáng yêu nho nhỏ nào đấy chăng. Thế nhưng Chúa ơi, mong cũng chỉ là mong. Nó cũng hão huyền y như ngày nào tôi cũng mong là mình sẽ sống được tốt hơn. Rồi loanh quanh nhìn lại vẫn cứ thấy mình tệ như cũ. Rồi thì bải hoải tặc lưỡi. Thôi thì đã vậy thì cứ đành chịu như vậy. Kết thúc tiểu thuyết Khải huyền muộn, tôi có trích nguyên văn Kinh Thánh. “Vì thời giờ đã gần đến. Kẻ bất lương thì hãy bất lương nữa. Kẻ nhơ nhớp thì cứ nhơ nhớp nữa. Kẻ công chính thì cứ công chính nữa. Và kẻ làm Thánh thì cứ Thánh hóa mình nữa”. Hình như mọi sự không còn thời gian để thay đổi. Nếu tôi đã viết văn thì cũng chỉ biết viết văn thôi. Nếu tôi đã trót nghĩ bậy bạ thế nào, tuyệt cũng không còn thì giờ mà sửa.

MỚI - NÓNG