Trong nhóm báo chí tháp tùng

Tác nghiệp mọi lúc mọi nơi
Tác nghiệp mọi lúc mọi nơi
TP - LTS: Phóng viên tháp tùng các yếu nhân trong các chuyến công du quốc tế tác nghiệp thế nào? Trong điều kiện ngặt nghèo của các chuyến bang giao (ngặt nghèo về thông tin có thể được tiếp cận, về điều kiện tác nghiệp, về thời gian gấp gáp, về phương tiện trang bị, về ăn uống, sinh hoạt…), các nhà báo làm thế nào để có nhiều thông tin nhất phục vụ bạn đọc. Bài viết của nhà báo Xuân Ba hé lộ phần nào những góc khuất nghề nghiệp này.  

Có lẽ mọi sự bắt đầu từ bữa gặp của Tổng Bí thư (TBT) Lê Khả Phiêu với nhóm báo chí cuối thế kỷ trước, năm 1998.

 Người viết bài này đã mạo muội đề nghị với TBT rằng,  thông lệ trước nay tháp tùng chuyến thăm  các nguyên thủ chỉ những phóng viên chuyên trách thành phần tuyền báo cấp I như Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam… Mà mỗi chuyến công du nước ngoài như thế, có rất nhiều góc độ khác nhau phong phú, sinh động, người đọc rất quan tâm, nhưng chiểu theo nguyên tắc quy trình của chức phận thông tin đối ngoại và nghiệp vụ, ngoài những tin sâu, tin nông về chuyến thăm, phần do các phóng viên bận, phần do không được phân công nên lẩu lâu những sắc thái đa dạng, phong phú ấy đã không được phản ánh, chuyển tải? Nên chăng, cần hợp sức hợp lực phần nào với anh em ký giả không chuyên trách để trám cái chỗ đang bị coi là khuyết ấy, hợp thành một nhóm tuyên truyền đối ngoại đa dạng, phong phú?

Chuyện tưởng nói cho vui, cho qua. Ấy vậy mà chẳng rõ những  cơn cớ nào nữa mà chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc (sau nhiều năm gián đoạn) của TBT Lê Khả Phiêu và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tháng Giêng năm 1999, trong nhóm báo chí tháp tùng đã có PV các báo Tuổi trẻ, Sài Gòn Giải phóng, Đài PTTH Hà Nội…

Người lính Nguyễn Tấn Dũng trong một trận đánh đã phụt ba quả B.40 cùng đồng đội cản phá một cuộc càn quét của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Sau trận đánh ấy, trung úy Nguyễn Tấn Dũng được tặng thưởng huân chương chiến công.

Suốt cả chuyến thăm, sự chăm sóc của Ban Đối ngoại T.Ư cùng Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan có trách nhiệm khác là ấm áp đủ đầy, nhưng vẫn thấy thiếu thiếu hụt hẫng bởi mình được thâu nhận thông tin ít quá. Tin chính thống, tất nhiên! Nhưng tất tật các hãng thông tấn hùng hậu tháp tùng chỉ na ná một dạng thông tin thống nhất chỉ cần đọc một tờ thì bạn đọc dễ dàng suy ngay ra báo kia viết gì. Vậy thì phải bươn chải, phải nhao sang kênh này chỗ khác để tìm kiếm thông tin. Tất nhiên, thứ năng động ấy không phải luôn được khuyến khích mà không khéo sẽ phạm vào quy chế, nội quy của cuộc thăm. Người viết bài này (đến tận bây giờ vẫn mải mốt với thể loại chuyện ngoài lề các cuộc thăm) đã từng xoay xở với bao trắc trở cũng như từng gặp may khi thực thi thể loại báo chí ngoài  lề ấy!

Vậy đành phải cố mà lờ lớ lơ đi khi ông Hữu Thọ (thời gian chuyến thăm ấy ông đương là Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư) luôn chiếu cái nhìn lừ lừ lẫn thân ái khi tôi nán lâu hơn với TBT Lê Khả Phiêu và một số thành viên (mà những lúc TBT gặp ký giả chớp nhoáng ấy là rất hiếm) để biết thêm chiều kích của những cuộc gặp với những yếu nhân Trung Hoa, thậm chí cả không khí, cung cách bài trí và chuyện ngoài lề những cuộc gặp ra sao… Khi biết được nội dung những trao đổi, ông Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa đã nghiêm khắc rằng, "chớ làm mất nhiều thời gian quý báu của các đồng chí lãnh đạo và không phải chuyện nào cũng có thể viết được đâu nhé!".

Thì đã đành cái nguyên tắc đừng thấy cây không thôi mà phải thấy cả rừng! Cố nằm lòng lời khuyên  ấy nhưng khổ nỗi, thói quen nó đã thành phản xạ và luôn tái phát. Về sau này tôi thấy ít hứng thú, thậm chí là khổ ải, nhọc nhằn nữa nhưng nếu không sử dụng kênh này một cách khéo léo hữu hiệu thì mình đến thất thu trong những chuyến đi. Của đáng tội, trong lúc hầu chuyện chớp nhoáng các yếu nhân (TBT khi ấy và các Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều quan chức ngoại giao khác sau này) để kiếm tìm thông tin, trong đầu tôi luôn loang loáng sự phân tranh giữa cái anh phóng sự thông thoáng ngồn ngộn chi tiết với cái khắt khe, nghiêm ngặt bài bản của cái ông Tổng Biên tập chẳng phải ngồi ở Hà Nội mà hình như đang chễm chệ ngay trong đầu mình! Lâu rồi đâm mặc định một phản xạ tự biên tập như thế!

Còn gặp may cũng có. May là giống một số bạn đồng nghiệp chuyên trách cũng như dạng nghiệp dư như chúng tôi, thường được các vị lãnh đạo nếu có điều kiện luôn sẵn lòng chia sẻ những thông tin trong chừng mực có thể. Cứ nghĩ, có thể là với bản tính nhân hậu và cẩn thận, các yếu nhân ấy sợ cái anh ký giả vẻ nhiệt tình, hăng hái kia hiểu nhầm làm sai lệch thông tin của chuyến đi thì gay nên phải mất công sẻ chia một cách cặn kẽ?

Nhớ lại thời điểm đoàn tùy tùng và báo chí dừng chân ở sân bay  của Nhật trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải.  Trong lịch trình ghi rõ là dừng chân kỹ thuật ở sân bay Narita. Nhưng sau này mấy ông ở Vietnam Airlines cho biết, chuyên cơ hiện đại xuyên Thái Bình Dương thì có chi phải dừng chân kỹ thuật. Thì ra Thủ tướng Phan Văn Khải khi ấy ghé Nhật và có cuộc hội kiến dài với Thủ tướng Junichiro Koizumi gần 5 tiếng đồng hồ.

Tôi đã gặp may khi ngay trên chuyên cơ bay tiếp sang Hoa Kỳ được chia sẻ những thông tin cần thiết về mối thâm tình trước đó giữa hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản. Dường như thời điểm đó cả hai vị đang tiếp tục thăng hoa nâng cấp mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp mà các vị tiền nhiệm gây dựng trước đó mà sau này các yếu nhân Việt Nam tiếp nối trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng? Thiên hạ quá tường với một Thủ tướng Koizumi đồng minh thân thiết với Tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush. Lần đầu thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nhật muốn chia sẻ, trao đổi những việc cần thiết…

Sau này, khi Thủ tướng Phan Văn Khải đã mãn nhiệm, Hoàng cung Nhật Bản mời riêng ông sang để trao Huân chương cao quý của Hoàng gia Nhật. Trước đó, tôi cũng được chia sẻ những thông tin về mối thâm giao giữa Nhật hoàng và Thủ tướng Koizumi. Qua Thủ tướng, Nhật hoàng đã dành mối thiện cảm với Việt Nam nói chung và Thủ tướng Phan Văn Khải như thế nào!

Tất nhiên, những thông tin đại loại như thế nghe vậy thì biết vậy để tường thêm những cách làm sinh động của lãnh đạo nước Việt luôn nằm lòng phương pháp ngoại giao nhân văn, sáng tạo Đại Việt và Hồ Chí Minh. Và mạo muội sẵn lòng cung cấp thêm cho những ai muốn viết về tiểu sử Thủ tướng Phan Văn Khải. Chuyến thăm ấy,  sáng sớm 19/6/2005 vừa đặt chân xuống Hoa Kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn đã đến thăm một nhà máy sản xuất Boeing. Nhiều thành viên băn khoăn lẽ ra phải có hình thái lễ tân nào khác của chuyến thăm đầu tiên? Nhưng bây giờ, sau 10 năm, chiêm ngắm trình diễn của dàn máy bay hiện đại 787 ta vừa mua của Boeing, lại gẫm thêm các quy trình hiện đại mình đã được coi ngó và thấy tầm nhìn xa của Thủ tướng Phan Văn Khải khi ngỏ cùng báo chí khi đó rằng “bây giờ thì chưa nhưng sắp tới, với đòi hỏi ngặt nghèo của thị trường, ta phải nhanh chóng tiếp cận với dàn máy bay hiện đại của Airbus cũng như Boeing”.

Tôi cứ nghĩ (có thể là sớm và xổi) rằng với đa số lãnh đạo nước Việt, nếu ta vì lợi ích chung và nhất là chớ chen cái sự vụ lợi, thì các vị sẵn lòng tạo điều kiện giúp đỡ? Thủ tướng Phan Văn Khải lần thăm Iceland trò chuyện rất thân mật với Thủ tướng nước chủ nhà. Tôi đứng sau nghe lỏm phần nào nội dung trao đổi thân mật… Thú vị khi biết Thủ tướng Iceland là một nhà văn. Họ nói chuyện xong, tôi đánh bạo nói nhỏ với Thủ tướng Phan Văn Khải xin được phỏng vấn Thủ tướng nhà văn… Thủ tướng vui vẻ đề nghị với Thủ tướng nước chủ nhà. May quá được chấp thuận và Thủ tướng vẫy ông lễ tân bố trí phiên dịch.

Cuộc trò chuyện với ông Thủ tướng nhà văn ở một chỗ riêng kéo dài hơn 40 phút cũng tạm coi là dạng phỏng vấn độc quyền của chuyến đi.

Dịp thăm Bulgaria, trên chuyên cơ, Thủ tướng  thân mật chuyện trò với anh em ký giả. Tôi có nhắc đến một nhân vật từng là Phó Tổng thống Bulgaria, nữ văn sĩ Blaga Dimitrova. Bà đã ở Việt Nam nhiều tháng những năm bom đạn chống Mỹ và viết cuốn “Vây giữa tình yêu”… Đánh bạo hỏi, nếu như Thủ tướng cho phép anh em đến thăm nữ văn sĩ thì nhất. Không ngờ Thủ tướng gọi ngay ông Đại sứ Sơn khi đó lên nói tạo điều kiện cho tôi đến thăm bà cựu Phó Tổng thống.

Tôi rủ nhà thơ Trần Anh Thái (Báo QĐND thuộc dạng PV chuyên trách) đi cùng.

Nào, các vị  đến thăm nhà văn Blaga Dimitrova - bạn của Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Kim Lân hay gặp cựu Phó Tổng thống Bulgaria đây?

Chủ nhà thẳng tưng câu hỏi. Sau cuộc trò chuyện hơn một tiếng, chúng tôi được tặng mấy tác phẩm của nhà văn. Tiếc là ít năm sau cuộc gặp đó, nữ văn sĩ, cựu Phó Tổng thống đã về cõi. Cũng cái đồng cảm như thế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mặc dù bấn bíu bao thứ trọng trách ngoại giao quốc gia, nhiều cuộc đi cũng không quên hỏi qua công việc của cánh ký giả tháp tùng. Gặp qua nhưng người viết bài này muốn níu lại những khoảnh khắc cho phép… Dường như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn tiếp nối thêm những “xen” tiếp theo của những trường đoạn sau thủ tục bắt tay thăm hỏi giữa hai nhà lãnh đạo tại địa điểm tiếp tân. Chỉ ba phút cho các PV ghi hình được cấp trước thẻ sự kiện như Đức Tám (PV ảnh TTXVN), Ngọc Tuấn (PV Đài TH Việt Nam) thì dạng PV không chuyên trách như mình chỉ có đứng ngoài mà than vì thất nghiệp. Hoặc chỉ còn nước đưa lại bản tin TTXVN hay thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao (rất bài bản và cũng tốt thôi! Nhưng hỡi ôi, với bạn đọc phải bỏ tiền ra mua báo và những người đang tò mò lẫn quan tâm đến chuyến đi thì hơi bị hụt?). Rất may, tôi đã được bù lại bởi  những thông tin lúc đứt lúc nối (vì bận) mà  Thủ tướng dành cho. Nhờ đó mà tôi may mắn có những chi tiết chuyện bên lề các cuộc gặp  giữa Thủ tướng với Tổng thống Mỹ Barack Obama, cựu Chủ tịch Phidel Castro,  Ngoại trưởng Mỹ John Kerry…

Ấn tượng tại cuộc gặp song phương Thượng đỉnh An ninh ở Hà Lan năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một ngày đã có cuộc gặp với 20 vị lãnh đạo, từ Tổng thống Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình,  Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đến Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị…

Qua những sẻ chia thân tình của Thủ tướng mà tôi biết không có cuộc gặp nào giống cuộc gặp nào. Đều có những tình huống gay cấn, bất ngờ và cả thú vị nữa. Chuyện này đã gửi về trong một bài được viết… trên trời!

Số là vừa bế mạc cuộc họp Thượng đỉnh, theo lịch trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn  Việt Nam ra sân bay Hà Lan để đi La Habana. Đang rất khát thông tin bên lề về cuộc gặp trong hơn một ngày với 20 lãnh đạo, trên chuyên cơ đang trực chỉ hướng bay  La Habana, lựa lúc Thủ tướng dùng bữa xong, tôi xin phép các cận vệ Nguyễn Trọng Côi, Phạm Tấn Minh (hai vệ sĩ tiếp cận Thủ tướng, những người luôn sẵn lòng tạo điều kiện cho cánh báo chí được gặp Thủ tướng do công việc) và được các anh cho phép tôi lên chỗ ngồi của Thủ tướng. Cảm động khi Thủ tướng vui vẻ “tớ cũng định gọi cậu”…

May mắn, cuộc trao đổi cũng phải hơn nửa giờ. Thủ tướng lại bảo gặp thêm Thứ trưởng Ngoại giao trẻ Hà Kim Ngọc để bổ sung những thông tin cần thiết. Mọi thứ lĩnh hội được đang còn nóng hổi, tôi trở lại chỗ ngồi giở laptop ra… Thời gian vèo đi bên cửa sổ chuyên cơ xuyên đêm. Thấy ấm lòng khi một sắc hoa đào của nhà bay Vietnam Airlines tới bên khẽ khàng “có đói, em hãm cho cốc mỳ”.

“Boong boong”. Tín hiệu từ cái laptop đời cũ đột ngột báo pin chỉ còn vài phút! Mà bài phóng sự “Một ngày gặp 20 lãnh đạo” mới tròm trèm một nửa.

Tính sao đây. May mắn giở lại bài cũ lần đi có Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, máy tính cũng hết pin, tôi xin cắm nhờ điện trên chuyên cơ. Nhưng đâu phải chuyện chơi, nói là được, Bộ trưởng Thăng cũng phải hội ý gấp với cơ trưởng và bộ phận kỹ thuật để cho tôi cắm nhờ nguồn điện dự phòng. Bởi vì an toàn cho chuyến chuyên cơ là một việc đại hệ trọng.

Lần này thì nhăn nhó tự trình bày. May mà ông kỹ thuật đã  nhận ra bản mặt của một “tội đồ” cũ!

Khi đánh dấu chấm hết cho bài viết thì vừa vặn nhà bay phát loa báo chuyên cơ còn cách La Habana hơn tiếng đồng hồ.

Bên lề? Như hôm Thủ tướng hội kiến với Ngoại trưởng Kerry. Thời gian cuộc gặp kéo dài hơn so với dự kiến, Thủ tướng chia sẻ duyên do bởi một câu chuyện vui òa ra trong cuộc gặp.  Năm 1968, đơn vị lính thủy đánh bộ của ông Kerry với những đoàn thuyền trang bị vũ khí hiện đại ngày đêm cày xới trên những khúc sông miền Tây Nam bộ. Còn đơn vị của người lính Nguyễn Tấn Dũng thì liên tục cơ động cũng trên miệt sông ấy tìm mọi cách giành đất giữ dân. Liên tục những lần chạm trán lẫn chạm súng... Người lính Nguyễn Tấn Dũng trong một trận đánh đã phụt ba quả B.40 cùng đồng đội cản phá một cuộc càn quét của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Sau trận đánh ấy, trung úy Nguyễn Tấn Dũng được tặng thưởng huân chương chiến công.

Bên lề? Cứ thấy nơi này nơi kia láy lại điệp khúc đạo đức nghề nghiệp làm báo. Có lẽ tận thấy hình ảnh luôn lặp lại của cánh báo chí tháp tùng ở khách sạn hạng sang nhưng luôn thủ theo mì gói ngày đêm đeo bám sự kiện.  Khách sạn Intercontinental New York mùa thu 2007, tầm 2 giờ sáng, đám chuyên trách lẫn không chuyên hơn chục người hết thảy bò ra sàn tầng lobby (ở đó mới có Wi-Fi) miệt mài tác nghiệp. Quanh họ là những gói mì sống gặm dở…

Cứ như thấy Đức Tám PV ảnh chuyên trách TTXVN đang ngồi bên. Hình như người của Vụ Báo chí - Bộ Ngoại giao đi theo đoàn luôn cưng chiều hai PV hình Ngọc Tuấn (quay phim) và Đức Tám (ảnh). Của đáng tội, trong chuyến đi hay sau mỗi sự kiện mà hình lẫn ảnh khiếm khuyết thì tai họa này khác sẽ giáng lên đầu, ngoài trách nhiệm cá nhân còn trách nhiệm cái người chăn dắt này thì phải? Cũng phải thôi, cường độ hành nghề của hai tay máy này thật đáng nể. Cứ sau sự kiện, tót lên xe là Đức Tám mở máy nhoay nhoáy thao tác. Cũng khổ, cả hai đều phải vắt sức do chưa có thiết bị chuyên dùng như các gạo cội BBC, AP, CNN… Bắt gặp nhiều lần, tay máy Đức Tám không quen ăn đồ Tây hay do nguyên cớ gì đó mà buổi sáng lọ mọ dậy sớm cắm cơm lấy mùi xoa vắt một nắm, nhét mấy lát thịt kho mặn vào giữa. Giữa hai hay nhiều sự kiện, Tám đứng ở góc khuất nào đó, chiêu cơm nắm với nước vòi để lấy sức bám sự kiện.

Cũng nói thêm, số không chuyên trách thi thoảng mới thấy xuất hiện trong nhóm báo chí tháp tùng. Có lẽ  được bám đoàn thăm theo phương thức tự túc, các báo tự chi trả, thấy giá thành quy ra thóc mỗi bài báo phải nhiều triệu nên xót đành lảng dần. “Kính chả bõ phiền”, các cụ mình nhắc là có lý?

Trong số phóng viên chuyên trách, tạm gọi là cung đình, ối người hanh thông.  Phóng viên chuyên trách Báo QĐND Hồ Quang Lợi nay phụ trách Tuyên giáo Hà thành. Kinh Quốc vốn dân VTV nay chững chạc hàm vụ trưởng gì đó ở Chính phủ. PV Nguyễn Đăng Học từng chuyên trách VTV cũng chững chạc vị thế thư ký Thủ tướng… Nguyễn Thiện Thuật, PV chuyên trách TTXVN (tác giả của những bài dài của TTXVN và trên Báo Nhân Dân “theo đặc phái viên TTXVN tại”...) cũng kiêm thêm chức GĐ Hãng truyền hình TTXVN. Nguyễn Thành Chung, PV chuyên trách Đài TNVN, đảm thêm chức Phó truyền hình Quốc hội. Còn số ký giả lác đác thi thoảng mới nhập vào đội hình của nhóm báo chí tháp tùng không chuyên và nghiệp dư như người viết bài này thì mãi chỉ là người ngoài cuộc của những chuyện bên lề!

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.