Tọa đàm Báo chí cách mạng với công tác xây dựng Đảng

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh Như Ý.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh Như Ý.
TPO - Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi bàn về công tác xây dựng Đảng có nhiều vấn đề, nhưng cũng chỉ có hai việc lớn: Làm sao chống tham nhũng cho hiệu quả và vấn đề biển Đông. Nếu làm tốt hai việc này, chúng ta sẽ củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Nhà báo Việt Anh nêu quan điểm tại buổi Tọa đàm “Báo chí cách mạng với công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới” ngày 17/6.

Tại buổi tọa đàm do Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương và Hội nhà báo Việt Nam tổ chức, Nhà báo Việt Anh, Tạp chí Người làm báo cho rằng, công tác xây dựng Đảng luôn được xác định là một đề tài “khó, khô và khổ”. Để tăng tính hấp dẫn, ông cho rằng, cần phải nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động nghiệp vụ, kể cả những ưu đãi về phương tiện hành nghề, chế độ nhuận bút, tạo điều kiện để đội ngũ phóng viên có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh, chính xác và đầy đủ nhất…

Theo nhà báo Việt Anh, ngoài chức năng thông tin, báo chí còn có những chức năng khác, đặc biệt chức năng phản biện là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn một cách lành mạnh của tờ báo. Vậy, câu hỏi đặt ra, liệu các cấp lãnh đạo có chấp nhận sự phản biện từ phía các cơ quan báo chí thuộc quyền mình quản lý hay không?”, Nhà báo Việt Anh đặt câu hỏi. Theo ông, chính thái độ ứng xử đúng mực, cầu thị với các cơ quan báo chí, nhất là những vấn đề mang tính phản biện của lãnh đạo địa phương sẽ là điều kiện để đây không còn là đề tài “khó và khổ”.

Đưa ra cách nhìn khác, nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa cho rằng, đề tài xây dựng Đảng tưởng khó làm, khó viết, nhưng thực chất cũng chẳng phải “khó, khô” hay “khổ” gì cả, cái chính là do chúng ta viết thế nào thôi. “Nếu viết không khéo, có khi viết về tình yêu cũng khô như ngói, ngược lại viết về Đảng cũng làm người ta ứa nước mắt, hay vô cùng!”. Chứng minh điều này, ông dẫn dụ hai câu thơ của Nhà thơ Tố Hữu: Chết còn cởi áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng. “Hai câu thơ đó viết về Đảng, viết về chiến sĩ cách mạng nhưng cũng làm cho người ta ứa nước mắt”.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi bàn về công tác xây dựng Đảng có nhiều vấn đề, nhưng cũng chỉ có hai việc lớn: Làm sao chống tham nhũng cho hiệu quả và vấn đề biển Đông. Nếu làm tốt hai việc này, chúng ta sẽ củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Lúc đó Đảng của chúng ta sẽ ngày càng vững mạnh và linh thiêng.

Theo nhà báo Tạ Bích Loan, làm thế nào để lý tưởng của Đảng có thể thu hút được thanh niên luôn là một câu hỏi rất đáng phải suy nghĩ. “Chúng tôi rất trăn trở trước đề tài này. Kênh truyền hình dành cho thanh niên luôn phải hướng tới trách nhiệm xã hội, tới lòng yêu nước, mặt khác phải nói được tiếng nói của thanh niên, để các em cảm thấy đó là tiếng nói thực của họ chứ không phải giáo điều, hay dạy dỗ”, nhà báo Tạ Bích Loan nói.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.