Trong khó khăn kép, ĐBSCL vẫn thắng lớn vụ lúa Đông Xuân

TPO - Mặc dù đối mặt với mùa khô khốc liệt do hạn hán và xâm nhập mặn, cộng thêm dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhưng vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 ở Nam Bộ, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thắng lợi.

Đó là nhận định chung được thông tin tại hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2019-2020 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng nay (27/3).  

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn vùng Nam Bộ xuống giống hơn 1,6 triệu ha (giảm 68,5 nghìn ha so với vụ Đông Xuân 2018-2019); năng suất ước đạt 69,35 tạ/ha (tăng 2,05 tạ/ha); sản lượng ước đạt 11.222 nghìn tấn (giảm 129,8 nghìn tấn).

Trong đó, vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha (giảm 63 nghìn ha); năng suất ước đạt 69,79 tạ/ha (tăng 2,01 tạ/ha); sản lượng ước đạt 10.755 nghìn tấn (giảm 118,9 nghìn tấn). Các tỉnh ĐBSCL triển khai thực hiện sớm hơn từ 20-30 ngày so với vụ Đông Xuân năm trước, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít, cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt.

Trong khó khăn kép, ĐBSCL vẫn thắng lớn vụ lúa Đông Xuân ảnh 1 Thu hoạch lúa Đông Xuân ở ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ

Bên cạnh lịch thời vụ, Cục Trồng trọt đề xuất và định hướng cơ cấu giống lúa phù hợp theo các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL. Diện tích lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao tăng, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao. Vụ Đông Xuân 2019-2020, diện tích đã bị ảnh hưởng do hạn, mặn là 33,8 nghìn ha, ít hơn rất nhiều so với khoảng 150 nghìn ha bị thiệt hại thời điểm 2015-2016. “Kết quả sản xuất vụ Đông Xuân là một điểm sáng cho năm nay” – ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết vụ Đông Xuân 2019-2020 thành phố xuống giống hơn 79.000ha, đến nay đã thu hoạch dứt điểm, sản lượng đạt hơn 1,3 triệu tấn, với năng suất và giá lúa đều tăng, bà con nông dân lợi nhuận trên 40%, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Đại diện các tỉnh như Hậu Giang, Long An… cũng cho biết, vụ Đông Xuân này cơ bản các địa phương đã thắng lợi. Riêng về giá lúa, theo đại diện Sở NN&PTNT Kiên Giang, sau khi có lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo, ngành nông nghiệp tỉnh này đã trao đổi với các DN thì được biết giá đã giảm từ 300-500 đồng/kg, điều này sẽ ảnh hưởng đến diện tích vụ sau vì người dân sợ rủi ro…    

Hạn, mặn gấp 2 lần năm 2016

GS.TS Tăng Đức Thắng – Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho biết, đến nay toàn bộ cửa sông tại ĐBSCL, độ mặn đã vượt mùa khô 2015-2016, xét cả mùa khô cũng đã vượt ngưỡng lớn nhất năm 2016, thậm chí vượt xa, thời gian kéo dài từ cuối tháng 11 đến nay vẫn đang nghiêm trọng.

“Có thể khẳng định hoàn toàn rằng mặn nghiêm trọng hơn năm 2015-2016, thể hiện ở hai điểm là vượt xa hơn và thời gian dài hơn” – ông Thắng khẳng định và thông tin thêm rằng mùa khô bình thường đến tháng 4 là hết, nhưng năm nay có thế kéo dài hơn, vẫn còn một đợt mặn khá cao từ ngày 8-15/4 mặc dù không bằng thời điểm tháng 2 và 3.

Trong khó khăn kép, ĐBSCL vẫn thắng lớn vụ lúa Đông Xuân ảnh 2 Xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm 2020 cũng khởi sắc hơn sau hai năm "bết bát". Ảnh: Cảnh Kỳ

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: “Mặc dù đầy khó khăn, hạn mặn nặng nề hơn năm 2016, cùng với đó là dịch bệnh COVID-19, nhưng với sự chủ động, chúng ta đã có một vụ Đông Xuân thắng lợi, năng suất hơn 2 tạ/ha là một kỳ tích”.

Thứ trưởng Doanh biểu dương các địa phương khi toàn vùng Nam Bộ vẫn đảm bảo chung sản lượng đạt 11,3 triệu tấn, trong đó ĐBSCL 10,8 triệu tấn. Trong đó, diện tích giống lúa thơm và đặc sản tăng nhanh (chiếm khoảng 80%), chi phí sản xuất đã giảm, lợi nhuận cho bà con cao hơn…

Mặc dù vậy, vẫn còn những nơi chưa quyết liệt, người dân làm không theo khuyến cáo nên bị thiệt hại… Các địa phương cần tiếp tục theo dõi, đảm bảo an toàn diện tích chưa thu hoạch còn lại trên đồng ruộng. Dự báo hạn, mặn còn kéo đến tháng 5, cần chăm sóc cho vườn cây ăn trái.

“Năm nay là năm rất khó khăn, dịch bệnh, nhu cầu lương thực của thế giới sẽ tăng. Do vậy vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội, phải đưa ra các giải pháp cụ thể để thắng lợi vụ Hè Thu và Thu Đông” – ông Doanh nhấn mạnh và cho biết, vụ Thu Đông dự kiến sản xuất 750-800 ngàn ha, hoàn toàn trong khả năng, tuy nhiên đây là kế hoạch mở, có thể điều chỉnh sao phù hợp và an toàn nhất và còn tính đến vụ Đông Xuân tiếp theo... 

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, nhiều nơi tại ĐBSCL đã thu hoạch xong lúa Đông Xuân. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, nông dân cũng gặp những thuận lợi cơ bản, đặc biệt là vào lúc thu hoạch thời tiết khô ráo, việc tiêu thụ thuận lợi nhờ có nhiều thương lái thu mua tại ruộng.

Tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, lúa đạt năng suất bình quân 78 tạ/ha, tăng hơn 2 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước. Sản lượng thu hoạch cả vụ ước đạt trên 57.200 tấn lúa hàng hóa. Thời điểm thu hoạch rộ, giá lúa thường dao động từ 4.300-4.500 đồng/kg, lúa chất lượng cao và lúa thơm dao động trong từ 5.100-5.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng lúa thu lãi trên 21 triệu đồng/ha.

Còn tại Hậu Giang, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống hơn 77.700ha, năng suất bình quân đạt 76,8 tạ/ha, giá lúa tươi trên địa bàn khá cao, cụ thể lúa OM 5451 có giá dao động 4.800-5.200 đồng/kg, IR 50404 giá dao động 4.600-4.900 đồng/kg, RVT có giá 6.100-6.200 đồng/kg..., bà con nông dân thu lợi nhuận 20 triệu đồng/ha... 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.