Trong cơn say mua bán

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cuối năm 2020, nhắc tới hiện tượng sốt lạ của thị trường bất động sản (BĐS),  nhà đầu tư và người dân lúc đó vẫn còn ngơ ngác bởi hư thực chưa rõ cơn cớ thế nào. Còn đến giờ, những đồn đoán, lo ngại đã trở thành sự thật khi sốt giá đất không còn là hiện tượng mà chính thức “bùng phát”, cuốn nhiều người vào “cơn say” mua bán. 

Giá đất tăng chóng mặt, hàng trăm ngàn nhà đầu tư ôm tiền tỷ  lao vào mua bán, đặt cọc, chốt lời. Sức hút buôn đất giờ đây còn hấp dẫn và “điên” hơn cả chứng khoán khi tại nhiều dự án nhà đầu tư chỉ cần đặt cọc với lô nhỏ từ 100-200 triệu đồng, lô lớn từ  1- 2 tỷ, trong vòng 1-2 tháng, số tiền chốt lời thu về đã tăng lên gấp đôi;  thậm chí “một vốn bốn lời”, cứ xuống tiền là có lãi. Giá đất mỗi ngày một tăng,  từ dự án chết bỏ hoang đã lâu hay dự án bán biệt thự trên giấy dù chưa đủ căn cứ pháp lý, qua các tay cò, vẫn được  “bơm, thổi” căng phồng kèm theo lời hứa: lợi nhuận ít nhất đạt 30% - 50%. Giá đất ở hàng loạt tỉnh thành tăng phi mã đến mức tại Bắc Giang, Bắc Ninh, chỉ ăn xong cái “Tết COVID”, mà có nơi giá từ 12-13 triệu/m2  vọt tăng gấp đôi lên 24-25 triệu đồng/m2. 

Giá đất sốt vì sao? Những lí giải chung đều khẳng định đến từ hai nguyên nhân: thứ nhất, BĐS đã thiết lập một mặt bằng giá mới do giá đất tăng, kèm theo là việc  đầu tư vào các dự án BĐS cũng tốn kém, đẹp đẽ ngốn tiền trăm, ngàn tỷ  giá thành đất lên cao hơn. Thứ hai, dòng tiền hàng, trăm ngàn tỷ đã được rút ra từ chứng khoán, ngân hàng chạy sang kênh dẫn vốn BĐS bởi sự hấp dẫn sinh lời, bởi tâm lý muốn găm giữ tài sản đầu tư. 

Người phụ trách một sàn BĐS lí giải: Nếu như giá đất tại các tỉnh như  Bắc Ninh, Bắc Giang sốt vì hiện thực “đại bàng về làm tổ” khiến tỉnh thành mở rộng khu công nghiệp, nâng cấp hạ tầng, đường sá mở ra dự án ăn theo và được giới đầu cơ “lũng đoạn” làm giá,  thì đất tại các tỉnh như  Lương Sơn, Xuân Mai (Hòa Bình) hay những khu vực  vùng ven Hà Nội (như: Ba Vì, Yên Bài, Thạch Thất) lại tăng bởi “viễn cảnh ảo”  vẽ ra các dự án BĐS nghỉ dưỡng đẹp như mơ. 

Tuy nhiên, người phụ trách sàn này cũng thừa nhận: Để kéo được người dân vào cơn lốc đầu tư này là không dễ dàng, cần phải có những chiêu đồng bộ. Về quảng cáo, dùng chiêu “kích giá” trên nhiều bài viết tại các trang mạng xã hội. Thực tế, các chủ sàn giao dịch BĐS, chủ đầu tư cũng phải chịu chi phần chiết khấu để đội “cò”, môi giới  đi “gieo khách” chèo kéo nhà đầu tư theo văn hóa rỉ tai (mấu chốt  của họ chỉ cần chủ đầu tư chia tỉ lệ hoa hồng cao khi có khách xuống tiền đặt cọc). Bên cạnh đó nhiều người đã “hót”, tô hồng để nhà đầu tư thấy  hay, thấy nóng  ruột muốn  bỏ tiền đặt cọc ngay, kẻo  mất đi cơ hội tìm kiếm tăng lợi nhuận. 

Tiền đang chảy vào thị trường BĐS. Sòng phẳng mà nói, phải xem đây là tín hiệu mừng bởi, nếu BĐS tăng giá, tăng giao dịch tức là dấu hiệu nền kinh tế đã “ấm” lên. Tuy nhiên, quan ngại ở chỗ, tiền đa phần vẫn đi theo kênh đầu tư với tham vọng mua bán kiếm lời trong chốc lát, ngắn hạn và  vì thế, nó “tiềm ẩn” nguy cơ  “bong bóng”.  Bài học từ cơn sốt đất “đặc khu” Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong cữ 2018 -2019 từng xảy ra hệ luỵ  khiến hàng trăm ngàn tỷ đồng “chết chôn” vào đất, thậm chí đến giờ có nhà đầu tư ôm lô đất giá gần 30 triệu/m2  vẫn phải “hái quả đắng” vì rao bán 20 triệu/m2 cũng chẳng có người mua. Chưa biết cơn say mua bán BĐS này bao giờ chấm dứt và hệ lụy của cơn sốt mà người dân bị lôi kéo vào cũng sẽ khó mà đong đếm được.

MỚI - NÓNG