Trong bóng đá, đồng tiền đỏng đảnh như…đàn bà

Trong bóng đá, đồng tiền đỏng đảnh như…đàn bà
TPO - Từ money trong tiếng Anh, hay monnaie trong tiếng Pháp đều xuất phát từ Moneta, một trong số nhiều tên gọi của nữ thần Juno trong huyền thoại La Mã. Tương truyền rằng, những đồng xu La Mã cổ đại được đúc ngay trong ngôi đền của nữ thần Juno Moneta tại thành Rome.
Trong bóng đá, đồng tiền đỏng đảnh như…đàn bà ảnh 1

Nữ thần Juno, hay là Hera theo tên gọi của nàng ở huyền thoại Hy Lạp là một nữ thần rất… đàn bà. Nghĩa là từ bao la tình thương dành cho nhân loại đến nhỏ nhen thị phi dành cho tình địch đều thấy xuất hiện ở vị nữ thần có quyền lực tối cao này (bà là vợ của Jupiter/Zeus – Vua của thần linh). Và hình như cũng bởi từ thuở sơ khai, đồng tiền đã trót gắn với tên của một nữ thần như thế, nên trong nó cũng có chút đỏng đảnh của đàn bà.

Người ta nhận ra rằng đồng tiền giống phụ nữ ở rất nhiều điểm: khó có được, dễ mất đi, lúc nào cũng thường trực là mầm mống của tai vạ cho đàn ông vì sự quyến rũ vô bờ.

Và sự đỏng đảnh của đồng tiền không phải chỉ làm khổ những sinh thể nhỏ bé là đàn ông, nó còn có thể khiến cho những khái niệm ở tầm vĩ mô hơn thế lao đao. Ví dụ như là bóng đá (vốn xưa nay luôn được gắn chặt với những người đàn ông).

Tiền đã khiến cho Chelsea trở thành đội bóng may mắn nhất hành tinh. Kể từ lúc tỷ phú Roman Abramovich mua lại CLB thành London, họ đã hoàn toàn lột xác, từ một CLB trung bình khá của nước Anh trở thành một thế lực lớn của bóng đá châu Âu.

Mục tiêu lúc đầu khi Abramovich đặt chân đến Anh là chỉ chi tiền cho Chelsea trong một giai đoạn. Còn sau đó, khi đội bóng đã trở thành một thương hiệu lớn, nó có thể tự đứng vững và cân đối thu chi.

Nhưng đã gần một thập kỷ trôi qua, Chelsea đã đoạt 3 chức vô địch Premier League, 3 cúp FA và 1 lần vào trận chung kết Champions League, đã chứng kiến vị giám đốc giỏi kinh doanh nhất nước Anh là Peter Kenyon đến rồi đi, cái ngày “tự cân đối thu chi” vẫn chưa đến.

Chelsea vẫn sống bằng túi tiền của ông chủ Abramovich, và giờ thì ông tỷ phú Nga đã không còn hứng thú với bóng đá như trước. Vẫn thấy ông móc túi hàng đống tiền chi cho thú chơi du thuyền và sưu tập tranh, nhưng Chelsea bị “bỏ đói”. Mùa giải của họ đang đi vào bế tắc, khi trong tay HLV Carlo Ancelotti chỉ còn 6 hậu vệ, trong đó chỉ có hai trung vệ (Terry và Alex).

Lỗ hổng nhân sự ở hàng phòng ngự của Chelsea là một thực tế có thể nhìn thấy trước. Nhưng khi người duy nhất có khả năng giải quyết nó, Roman Abramovich, không còn hứng thú giải quyết nữa, thì sự sụp đổ sẽ đến như một tất yếu.

Trong bóng đá, đồng tiền đỏng đảnh như…đàn bà ảnh 2

Chelsea đã phụ thuộc vào đồng tiền như một người đàn ông lụy tình gửi gắm toàn bộ phần hồn cho người phụ nữ của anh ta. Hệ thống đào tạo trẻ có như không, năm nào cũng nhập siêu cầu thủ và thua lỗ. Khi rời đồng tiền ra, Chelsea suy sụp.

Chuyện sẽ không chỉ đến với hàng phòng ngự, mà sẽ đến với bất kỳ tuyến nào trong đội hình đầy rẫy các thành viên “tuổi băm” họ đang có.

Đồng tiền đỏng đảnh, đánh mất nó rồi thì bi thương. Nhưng ngay cả khi sở hữu nó, đời cũng không như là mơ.

Manchester City đã được Hoàng thân Sheikh Mansour đầu tư với cường độ khủng khiếp trong 2 năm qua. Số siêu sao đang đổ bộ lên sân City of Manchester nhiều và dày đặc hơn so với Stamford Bridge của Chelsea nửa thập kỷ trước. Nhưng thành công vẫn chưa thể đến.

Đồng tiền có thể mua được tất cả mọi thứ trừ… thời cơ. Năm 2004, khi Jose Mourinho vô địch Champions League cùng Porto, một bảng còn ăn 1,5 euro và thuế thu nhập của Anh vẫn trên dưới 40% là thời điểm tuyệt vời để có một HLV giỏi và một đội hình mạnh.

Chelsea đã tận dụng thành công thời cơ ấy. Nhưng Man City hiện nay, cho dù có thể tung ra rất nhiều tiền, vẫn không đưa về được những cầu thủ như ý và có một HLV hàng đầu. Roberto Mancini vẫn đang là một lựa chọn gây tranh cãi khi ông chưa thể đưa CLB bứt phá tương xứng với những khoản đầu tư.

Trong bóng đá, đồng tiền đỏng đảnh như…đàn bà ảnh 3

Và trong khi ấy, Man City vẫn liên tục nhận những lời chỉ trích nặng nề từ cả giới cầu thủ, HLV cho tới các quan chức cấp cao về việc họ đang hủy hoại bóng đá, đang mua thành công bằng tiền bạc, đang đi ngược lại ý nghĩa của thể thao.

Không có tiền – sụp đổ, có tiền – chưa thể thăng hoa. Hai câu chuyện của Chelsea và Man City đang trở thành tâm điểm của Premier League nói riêng và thế giới bóng đá nói chung những ngày này.

Hai câu chuyện ấy nói rằng bóng đá đơn giản là đã bị bóp méo quá nhiều so với ý nghĩa của một môn thể thao. Với ý thích của một số cá nhân, bỗng dưng môn thể thao ấy bị gắn chặt và phụ thuộc vào tiền bạc như đàn ông gắn chặt vào… phụ nữ.

Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất về tính đố kị của Hera (Juno) là khi ông chồng Zeus (Jupiter) tự mình sinh ra nữ thần chiến tranh Athena mà không cần đến bà. Lúc đó, trong cơn tức giận, Hera cũng đã tự sinh ra thần lò rèn Hephaetus mà không cần đến Zeus. Nhưng đến khi nhìn thấy Hephaetus, bà thấy con mình xấu xí quá, bèn ném ông này khỏi đỉnh Olympia, một việc gây ra bao nhiêu chuyện về sau.

Đồng tiền là thế, nó có thể sản sinh ra rất nhiều thứ và rồi hủy diệt đi chính những sản phẩm ấy theo một cách rất… đàn bà. Và chẳng biết bao giờ bóng đá lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn vô duyên ấy.

Đức Hoàng
Nam Châm

Theo Viết
MỚI - NÓNG