Trồng 1 tỷ cây xanh: Tránh chạy theo phong trào, 'trồng 10, chết 9'

TPO - Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, Bộ sẽ xây dựng đề án trồng 1 tỷ cây xanh theo sáng kiến của Thủ tướng vừa phát động trước Quốc hội mới đây, trong đó tránh việc chạy theo phong trào, “trồng 10, chết 9”.

Chiều 24/11, tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin chuỗi sự kiện kỷ niệm 75 năm ngành Lâm nghiệp Việt Nam sắp tới, ông Tuấn cho biết: Hơn chục năm qua, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ tăng trưởng rất cao. Cùng đó lâm sản ngoài gỗ tăng tới 30-46%/năm trong thời gian gần đây.

Theo ông Tuấn, từ đầu năm đến tháng 11/2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt kim ngạch 11,7 tỷ USD, tăng 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái (tăng khoảng 15%). “Mục tiêu năm nay xuất khẩu gỗ và lâm sản có thể đạt 13 tỷ USD- vượt chỉ tiêu mà Thủ tướng đã giao 12-12,5 tỷ USD”, ông Tuấn nói.

Trồng 1 tỷ cây xanh: Tránh chạy theo phong trào, 'trồng 10, chết 9' ảnh 1 Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết đã báo cáo Thủ tướng xây dựng đề án trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.

Liên quan đến việc Thủ tướng phát động trồng 1 tỷ cây gỗ lớn trong 5 năm tới tại Kỳ họp 13, Quốc hội Khoá XIV, ông Tuấn cho rằng: Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu Chính phủ, muốn truyền thông điệp quyết tâm khôi phục nâng cao chất lượng rừng và môi trường.

“Bộ đã báo cáo Thủ tướng và đề xuất sẽ xây dựng đề án. Đây cơ bản là những cây gỗ tán rộng, lâu năm, có tác dụng phòng hộ, tạo môi trường tốt; sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc và không tính vào diện tích trồng rừng thay thế. Nếu bình quân mỗi người trồng 2 cây mỗi năm, thì mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được”.

Theo ông Tuấn, những cây này sẽ trồng chủ yếu ở đô thị, khu công nghiệp, các hệ thống giao thông, những vùng chuyên canh nông nghiệp nhưng lâu nay “không thấy bóng cây”, cùng đó là trồng rừng trên đất lâm nghiệp.

“Tinh thần là trồng phải giám sát, và như Bác Hồ nói là trồng cây nào sống cây đó, chứ không theo phong trào, trồng 10, chết 9”, ông Tuấn lưu ý.

Ông Tuấn cũng cho biết, ngành lâm nghiệp hiện trồng mới khoảng 220.000 ha mỗi năm, trong đó có diện tích trồng rừng tái canh. Thủ tướng đồng ý với Bộ NN&PTNT là không tính diện tích này vào chương trình trồng 1 tỉ cây xanh, mà phải trồng mới.

Liên quan đến việc nhiều địa phương xin ồ ạt xin chuyển đổi đất rừng để làm các dự án thời gian qua, ông Tuấn cho biết, việc chuyển mục đích trên được kiểm soát rất chặt chẽ, nhất là Thủ tướng đã chỉ đạo và Chỉ thị 13 của Ban Bí thư (năm 2017) cũng yêu cầu “đóng cửa” rừng tự nhiên.

Trồng 1 tỷ cây xanh: Tránh chạy theo phong trào, 'trồng 10, chết 9' ảnh 2 Theo Bộ NN&PTNT độ che phủ rừng của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 42%

Theo ông Tuấn, thời gian qua, Bộ đã rà soát 3.630 dự án, đến nay Thủ tướng mới chấp thuận 3,66% số dự án, với diện tích 1,81% diện tích đề nghị chuyển đổi. Trong 5 năm qua, các dự án xây dựng thuỷ điện được xem xét chặt chẽ hơn các dự án khác, trong đó yêu cầu khắt khe về đánh giá tác động môi trường, mức trồng rừng thay thế…

“Việc rà soát này không chỉ Bộ NN&PTNT, mà từ các địa phương, sau đó Bộ NN&PTNT và cùng hội đồng sẽ thẩm định. Dự án nào đủ điều kiện sẽ trình Thủ tướng xem xét, còn không đủ điều kiện sẽ có văn bản trả lời các địa phương”, ông Tuấn nói và cho biết: “Việc này phải làm đúng luật. Có ai đó ép phải ký thì tôi chưa thấy, kể cả lãnh đạo cấp trên cũng yêu cầu phải làm cẩn thận. Tôi cũng luôn nhắc anh em, ai làm sai luật là “chết””.

Về chất lượng tự nhiên thấp, ông Tuấn cho biết, vấn đề này Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định trước Quốc hội. Rừng tự nhiên hiện chỉ có 15% diện tích là rừng giàu, 35% trung bình còn tới 50% là rừng nghèo kiệt.

Do vậy, cần “đóng cửa” rừng tự nhiên để phục hồi. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, đóng cửa rừng không có nghĩa là không cấm cực đoan, không cho bà con khai thác và đặt 20 triệu lao động ngành lâm nghiệp ra một bên.

“Chúng ta vẫn có thể trồng dược liệu để tăng thu nhập cho bà con, phát triển dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái… với điều kiện cụ thể từng khu vực”, ông Tuấn nói.

“Bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng có chủ trương “tự nhiên hoá rừng trồng”. Theo đó, một số diện tích rừng trồng sẽ không khai thác, mà giữ lại, để phát triển đa loài, đa tán… Cái này cần có nguồn lực và thống nhất để hành động, thực hiện”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Lâm nghiệp cho biết, chuỗi sự kiện kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam sẽ được Bộ NN&PTNT tổ chức trong 2 ngày 30/11 và 1/12 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Đây là lần đầu tiên, ngành Lâm nghiệp được tổ chức kỷ niệm ngày thành lập trong lịch sử 75 năm qua. Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có thư chúc mừng ngành Lâm nghiệp.

Bên cạnh Lễ kỷ niệm “Lâm nghiệp Việt Nam - 75 năm hình thành và phát triển”, Bộ cũng sẽ tổ chức Hội nghị: “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025”.

Hội nghị này do Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy xuất khẩu lâm sản và hiến kế, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả mục tiêu kế hoạch xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

MỚI - NÓNG