Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội:

Cái giá cho việc để mất rừng

Hình ảnh mưa lũ gây ngập lụt tại miền Trung Ảnh: TTXVN
Hình ảnh mưa lũ gây ngập lụt tại miền Trung Ảnh: TTXVN
TP - Nội dung bao trùm, gây nhiều tranh luận trong phiên thảo luận về kinh tế, xã hội tại Quốc hội (QH) ngày 3/10 là câu chuyện phá rừng, xây dựng thủy điện nhỏ, dẫn đến hệ quả nặng nề vì mưa lũ.

Bất an vì thiên tai,bão lũ

Quảng Nam là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi lũ lụt, sạt lở đất. Ông Phan Thái Bình, đại biểu (ĐB) QH tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi và việc trồng rừng thay thế. Theo ông Bình, việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, nhất là rừng phòng hộ sang mục đích khác cần phải xem vị trí, tránh tình trạng những cây gỗ lớn, cây tự nhiên được thay thế bằng những cây keo, khả năng phòng hộ hạn chế. “Tôi đề nghị rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, đặc biệt là các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong phạm vi cả nước để xem lại nó tác động thế nào đến môi trường, tác động thế nào đến thiên tai? Vừa qua nhân dân rất bất an khi xảy ra thiên tai, bão lũ dưới vùng hạ du, cần phải rà soát, thông tin rộng rãi cho người dân”, ông Bình đề nghị.

Trái với những lo ngại trên, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn khẳng định, diện tích che phủ của rừng trong 30 năm qua tăng cao. Đến nay tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14,6 triệu hecta, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu hecta, rừng trồng là 4,3 triệu hecta. “Năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu hecta rừng, hệ số che phủ chỉ 27%, thế mà chỉ trong vòng 30 năm, một đất nước GDP còn thấp đã quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững, phát triển rừng là trọng yếu để bảo vệ môi trường. Nhờ đó, đến hôm nay chúng ta đã có tới 14,6 triệu hecta rừng, hệ số che phủ gần 42%, trong khi bình quân thế giới chỉ 29%. Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và hệ thống chúng ta”, ông Cường thông tin.

Bấm nút tranh luận, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chỉ ra nghịch lý, hô hào trồng rừng nhưng lại cho phép những đại dự án khởi công ngay trong lõi rừng, hay thủy điện cóc tiếp tục được duy trì hoạt động, thậm chí được cấp giấy phép mới.

ĐB Hiếu đề nghị cần có chiến lược lâu dài để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt, chiến lược đó cần phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia, có sự đóng góp của nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Có vậy mới tránh được những tổn thất hy sinh vô cùng đau xót do mưa lũ gây ra.

Ðề nghị rà soát, loại bỏ thủy điện nhỏ không an toàn

Nhấn mạnh “chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên, khiến cho thiên tai ngày càng dữ dội”, ông Hoàng Đức Thắng, ĐBQH Quảng Trị cho rằng, câu chuyện hủy hoại về rừng không còn là chuyện mới, song nhìn lại lũ lụt, sạt lở miền Trung càng thấy thấm thía cái giá phải trả cho sự tàn phá này. Theo ông, trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt được xây dựng với những quy mô khác nhau, cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng, hàng chục ngàn hecta rừng đầu nguồn mất đi. Cho nên, dù chỉ tiêu phấn đấu về độ che phủ rừng hằng năm đều tăng, song không nói lên nhiều điều về chất lượng, cũng như khả năng giữ đất, giữ nước.

Ông Thắng cho biết, phần lớn các vùng bị lũ dữ, sạt lở đất là những nơi đồi, núi trọc, tỷ lệ rừng giàu tự nhiên thấp. “Mất rừng, mất đất tất yếu, mất khả năng điều tiết. Nước ở thượng nguồn là nguyên nhân kích hoạt cho lũ quét và sạt lở đất, cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn và tai họa khủng khiếp hơn”, ông Thắng nói. Khẳng định, thủy điện có thể không làm tăng lũ, song làm mất rừng và là tác nhân khiến lũ dữ hơn, tàn phá nặng nề hơn, ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng rừng hiện nay, đặc biệt tình hình phát triển các dự án thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Qua đó, kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, tác động đến chế độ dòng chảy tự nhiên, môi trường và đời sống người dân.

“Một hành động kiên quyết, mạnh mẽ hôm nay dẫu phải hy sinh một phần về kinh tế trước mắt, nhưng chắc chắn sẽ bảo đảm sự sống an toàn, cũng như công cuộc mưu sinh cho hàng chục triệu người dân miền núi và vùng hạ du, để không lặp lại thảm cảnh mỗi mùa mưa bão đến”, ông Thắng nói.

Cùng quan điểm, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các địa phương nhanh chóng rà soát, cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch điện đến năm 2030.

Cái giá cho việc để mất rừng ảnh 1 Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH

Theo nữ ĐBQH, việc làm thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là “lợi bất cập hại”; sông, suối cạn kiệt khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả lũ. “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát hết các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước. Kiểm tra xem có bao nhiêu dự án thủy điện đã sang tên cho các chủ đầu tư khác như thực trạng cử tri đã phản ánh. Đồng thời, đề xuất phải đánh giá hiệu quả hoạt động của các thủy điện này để có phương án quy hoạch phát triển điện hiệu quả, bền vững”, bà Xuân kiến nghị.

“Nhiều cử tri cho rằng thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp. Nhiều chủ dự án thủy điện nhỏ sau khi được cấp giấy phép xây dựng xong đã nhanh chóng bán lại dự án thủy điện cho các chủ đầu tư khác”.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân

“Nếu tình trạng này không được thay đổi sẽ còn xảy ra những trận lụt lịch sử, những cột mốc tang thương nữa. Chúng ta phải thay đổi cách làm và phải nhận thấy những sai lầm trong quá khứ”.

 ÐB Nguyễn Lân Hiếu

Bãi nhiệm ÐBQH Phạm Phú Quốc

Cuối giờ chiều 3/11, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm đối với ông Phạm Phú Quốc, Ðoàn ÐBQH thành phố Hồ Chí Minh. Theo kết quả bỏ phiếu được công bố, trong tổng số 471 đại biểu có mặt, có 467 đại biểu đồng ý, 3 phiếu không đồng ý và 1 phiếu không hợp lệ. Ngay sau đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu đối với ông Phạm Phú Quốc.

Ông Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm vì xin nhập quốc tịch Cộng hòa Síp không báo cáo với cơ quan, tổ chức, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Sai phạm của ông được xác định là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong công luận và nhân dân.                

Văn Kiên

MỚI - NÓNG