Nhìn hậu quả mưa lũ miền Trung, thấm thía cái giá của mất rừng

ĐBQH Hoàng Đức Thắng, Quảng Trị
ĐBQH Hoàng Đức Thắng, Quảng Trị
TPO - “Nhìn vào mưa lũ và hậu quả miền Trung vừa qua càng thấm thía và thấy cái giá phải trả cho việc mất rừng lớn như thế nào”, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phản ánh.

Xem lại việc trồng rừng có chức năng phòng hộ không?

Thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, sáng 3/10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam, ông Phan Thái Bình bày tỏ lòng cảm ơn đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân đã quan tâm, kịp thời cứu hộ, cứu nạn giúp người dân các tỉnh miền Trung vượt qua khó khăn do thiên tai, lũ lụt.

Song từ thực tế thiên tai xảy ra ở khu vực miền Trung, ông Bình đề xuất nên có cơ chế cấp thóc gạo miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số, để người dân giữ rẫy làm rừng. “Chúng ta có số lượng gạo rất lớn nên hoàn toàn có thể cấp để người dân an tâm giữ rừng, phát triển kinh tế”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng đề nghị xem lại việc trồng rừng thay thế ở các dự án thủy điện, thủy lợi, nhất là vị  trí trồng, loại cây trồng, cách trồng. Có như thế mới tránh được tình trạng thay thế cây lớn, lâu năm có chức năng phòng hộ bằng các loại cây không có chức năng phòng hộ hoặc ở vị trí không có khả năng phòng hộ.

“Tôi đề nghị rà soát lại toàn bộ thủy điện vừa và nhỏ xem tác động thế nào đến môi trường. Chứ như vừa qua nhân dân ở vùng hạ du rất bất an mỗi khi thủy điện xả lũ”, ông Bình nhấn mạnh.

Nhìn hậu quả mưa lũ miền Trung, thấm thía cái giá của mất rừng ảnh 1 ĐBQH Quảng Nam Phan Thái Bình

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, diện tích rừng của đất nước ta hiện nay là 14,6 triệu ha, cao hơn rất nhiều so với 30 năm trước. Trong đó, riêng diện tích rừng tự nhiên có đến 10 triệu ha. “Chỉ trong vòng 30 năm, chúng ta đã tăng trên 5 triệu ha rừng. Đây là sự cố gắng vượt bậc và khẳng định tầm nhìn của nước ta về sự phát triển bền vững”, ông Cường nói.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, rừng tự nhiên trước đây bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là trong giai đoạn chiến tranh. Thế nên việc phục hồi rừng tự diên phải dần dần từng bước.

“Cái giá phải trả cho việc mất rừng lớn như thế nào”

Phát biểu ngay sau đó, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, khi lý giải về những ảnh hưởng thiên tai vừa qua, có ý kiến giải thích là do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đất khô bị mưa lớn kéo dài dẫn đến sạt lở. Tuy nhiên, lý giải đó chưa đủ, khi trong thời gian qua, chúng ta đã mất diện tích rừng tự nhiên quá nhiều, khiến cho hậu quả thiên tai dữ dội hơn, nặng nề hơn.

“Nhìn vào mưa lũ và hậu quả miền Trung vừa qua càng thấm thía và thấy cái giá phải trả cho việc mất rừng lớn như thế nào”, ông Thắng phản ánh.

Nhìn hậu quả mưa lũ miền Trung, thấm thía cái giá của mất rừng ảnh 2 ĐBQH Đoàn Quảng Trị Phan Đức Thắng

Theo ông Thắng, trong 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ được xây dựng ồ ạt, cùng với việc phát triển phục vụ sinh kế khiến cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Đặc biệt, theo ĐBQH tỉnh Quảng Trị, độ che phủ rừng hàng năm tuy tăng song không nói lên được nhiều điều về độ che phủ, sức chống chọi thiên tai.

“Lũ lụt, sạt lở đất xảy ra ngoài lý do địa chất còn có do nằm ở khu vực đồi núi trọc. Mất rừng, mất khả năng điều tiết nước thì đương nhiên khiến lũ lụt đi nhanh hơn, mạnh hơn, tai họa lớn hơn”, ông Thắng nói.

Phân tích kỹ hơn, ông Thắng cho rằng, thủy điện nhỏ có thể không làm tăng lũ nhưng có thể làm tăng mất rừng, khiến lũ lớn hơn và sạt lở nặng hơn. Từ đó, ông kiến nghị Chính phủ cần có chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng rừng, nhất là xây dựng thủy điện nhỏ để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Ông cũng đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát tối cao để có giải pháp mạnh mẽ, loại bỏ các dự án không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, rừng có chức năng phòng hộ.

MỚI - NÓNG