Trốn chạy vì... quá nghèo

Trốn chạy vì... quá nghèo
TP - Mỗi năm, tại Bệnh viện Nhi T.Ư có hàng trăm trường hợp bệnh nhân không thanh toán viện phí. Chỉ riêng năm 2007, BV này đã phải bù thêm 175 triệu đồng tiền viện phí do bệnh nhân trốn viện.
Trốn chạy vì... quá nghèo ảnh 1
Gánh nặng viện phí đè nặng lên những đôi vai nghèo. Ảnh : PV

Cuộc trò chuyện giữa tôi và bác sĩ Vũ Quý Hợp - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi T.Ư bị ngắt quãng, khi nữ nhân viên đưa bác sĩ Hợp hồ sơ bệnh án của một bệnh nhi đã bỏ viện về.

Số tiền hơn ba chục ngàn của bệnh nhân Phạm Đào Thanh Long (Từ Sơn, Bắc Ninh) còn chưa thanh toán sau khi điều trị khỏi bệnh tiêu chảy, sốt. Đó chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp không thanh toán viện phí tại bệnh viện (BV) này mỗi năm.

Trong những ngày đi lấy thông tin phục vụ cho bài viết này, chúng tôi đã gặp, đã cảm nhận thấy trong họ không chỉ có nỗi đau do bệnh tật giày vò, mà hơn cả là những khổ đau, bất hạnh do gánh nặng tiền bạc chi phối trong quá trình chiến đấu với thần chết.

Mỗi năm tại BV Nhi T.Ư có hàng trăm trường hợp bệnh nhân không thanh toán viện phí. Chỉ riêng năm 2007, BV này đã phải bù thêm 175 triệu đồng tiền viện phí do bệnh nhân trốn viện. Chung quy lại, những gia đình bệnh nhi không thanh toán tiền cho BV chỉ vì quá nghèo.

Bác sĩ Vũ Quý Hợp cho biết, chưa có số thống kê cụ thể những tháng đầu năm nay, nhưng ước tính có tới hàng trăm bệnh nhân bỏ về mà không chi trả viện phí. Người ít thì vài ba chục nghìn đồng, người nhiều có khi lên tới vài chục triệu đồng.

Trốn chạy vì... quá nghèo ảnh 2
Cảnh thường thấy tại các bệnh viện nhi. Ảnh : PV 

Không ít trường hợp gia đình bệnh nhân bỏ về trong đêm vì cháu bé tử vong hoặc bệnh nặng quá xin về. Thông thường với những bệnh nhân này, các bác sĩ thường đề nghị gia đình để lại chứng minh thư để làm tin.

Bác sĩ Hợp bảo: “Nhưng không phải gia đình nào ở quê lên Hà Nội khám chữa bệnh cũng nhớ mang theo chứng minh thư, trong khi đó không thể giữ giấy tờ xe của họ được vì họ còn lái xe. Chúng tôi đành để gia đình và bệnh nhi về, vì cũng không thể ép họ điều gì trong hoàn cảnh thương tâm như vậy”.

Hiện nay cũng chưa có chế tài để khống chế tình trạng bệnh nhân trốn viện. Đến nay, mới chỉ có quy định miễn viện phí cho trẻ dưới 6 tuổi trong khi đó BV Nhi T.Ư điều trị cho rất nhiều trẻ từ 6 tuổi trở lên. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ trên 6 tuổi đều được đến trường để mua thẻ BHYT. Vì vậy với nhiều gia đình, viện phí là nỗi lo quá lớn.

Anh Nguyễn Trọng Lâm (Phú Thọ) cho biết, con gái anh 7 tuổi bị bệnh về máu, mặc dù có thẻ BHYT nhưng theo quy định gia đình vẫn phải trả 20% viện phí. Vậy nhưng, số tiền cùng chi trả ấy đã lên tới gần 20 triệu đồng. Đó là số tiền quá lớn với một gia đình chỉ làm nghề nông như nhà anh.

Nhìn đứa con gái xanh xao, gầy nhẳng nằm thiêm thiếp trong lòng, anh Lâm không khỏi ái ngại. Giờ đây, trong đầu anh chỉ còn nghĩ đến làm sao có tiền để mua thuốc cho con. Căn bệnh máu của cô con gái độc nhất đã ngốn của gia đình gần như toàn bộ của cải, tiền gom giữ bao năm nay.

Anh Lâm lo lắng: “Giờ cái gì cũng tăng giá, thuốc cho cháu điều trị cũng tăng lắm. Ngoài máu phải truyền, cháu còn phải uống thêm thuốc bổ, thuốc hỗ trợ sức đề kháng. Mà những thuốc này đều không được BHYT thanh toán”.

Thở dài, anh Lâm bảo: “Con bé khôn lắm, nó biết bệnh tốn nhiều tiền nên đòi bố cho về nhà, không chữa bệnh nữa”.

Gánh nặng viện phí

Ở BV Nhi T.Ư, có không ít trường hợp bệnh nhân bỏ dở quá trình điều trị, hoặc điều trị không đủ thuốc theo yêu cầu của bác sĩ chỉ vì giá thuốc quá cao. Trong chi phí bệnh nhân phải trả, tiền thuốc chiếm khoảng một nửa, với những bệnh nặng hơn, tiền thuốc có khi lên tới 80%.

Bác sĩ Hợp cho rằng, để giảm bớt tình trạng bệnh nhân trốn viện, cần có thêm chính sách cho những đối tượng cận nghèo, không có điều kiện để được mua thẻ BHYT.

Thời gian qua, thị trường thuốc biến động từng ngày theo hướng tăng giá khiến gánh nặng ấy càng trĩu nặng hơn trên gương mặt những bệnh nhân mà chúng tôi tiếp xúc. Ung thư là căn bệnh cần thuốc đặc trị, đây lại là nhóm thuốc có mức tăng giá cao nhất nên nhiều bệnh nhân đành buông xuôi, bỏ dở điều trị.

Chị Cao Thị Mây (Hoà Bình) đưa bố xuống BV K điều trị ung thư phổi, thực sự lo lắng: “Đợt trước, ông cụ nhà tôi mua thuốc hết một triệu rưỡi. Lần này, bác sĩ bảo uống tiếp đợt nữa, tôi đi mua thì cũng những thuốc như lần đầu nhưng giá đã tăng thêm tới 750 ngàn đồng".

BV K cũng chung hoàn cảnh với BV Nhi T.Ư khi hàng năm có tới 10% bệnh nhân trốn viện, gây thất thoát mỗi năm từ 200-300 triệu đồng.

GS.TS Nguyễn Bá Đức – Giám đốc BV K cho biết, bên cạnh số bệnh nhân trốn viện có khoảng 10% số bệnh nhân làm đơn xin miễn viện phí.

Với 50% bệnh nhân khám chữa bệnh tại BV K không có BHYT cùng chi trả thì gánh nặng viện phí luôn đè nặng lên mỗi gia đình bệnh nhân.

Bố chị Mây còn phải trải qua hai đợt điều trị nữa trong thời gian tới, nhưng chị chưa biết làm sao để kiếm đủ tiền mua thuốc cho cụ, khi con trâu là tài sản lớn nhất trong nhà, đã được bán để lo xuống Hà Nội chữa bệnh lần này.

GS Đức cho biết thêm, với bệnh nhân ung thư, tiền phuẫu thuật không nhiều nhưng tiền mua hóa chất điều trị thì rất đắt đỏ. GS Đức đưa ra ví dụ: “Bệnh nhân điều trị bằng máy gia tốc mất khoảng 6 triệu đồng/tháng, nhưng nếu phải điều trị bằng hóa chất thì một đợt có khi lên tới hàng trăm triệu đồng”.

Hiện nay, Việt Nam vẫn nhập khẩu gần 100% hóa chất điều trị ung thư và khoảng 80% thuốc điều trị bệnh nan y này. Cho dù có thẻ BHYT thì họ vẫn phải cùng chi trả 20%. Đó là chưa kể nhiều loại kỹ thuật cao, thuốc đặc trị nằm ngoài danh mục BHYT chi trả.

Nhiều bệnh nhân ở quê đã tự ý thôi điều trị chỉ vì không kham nổi chi phí cho thuốc cũng như chi tiêu hàng ngày giữa thành phố đắt đỏ. Mặc dù là BV tuyến cuối nhưng đến nay vẫn có khoảng 50% bệnh nhân không có thẻ BHYT.

Ở khoa khám bệnh, chúng tôi gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiếu và chị Hoàng Thị Toán (Đồng Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ). Chị Hoàng Thị Toán nom già hơn cái tuổi 35 nhiều, nước da đen sắt, nét mặt lam lũ.

Chị kể: “Đời tôi chưa có một ngày sung sướng, đến cái nhà cũng không có để ở, giờ chồng lại bệnh tật thế này”. Nói rồi chị giơ cánh tay gầy khẳng khiu gạt những giọt nước mắt đang lăn dài trên má.

Hai anh chị nên nghĩa vợ chồng 17 năm nay. Con gái lớn phải bỏ học từ năm lớp 9 để xuống Hà Nội phục vụ quán cơm bình dân kiếm tiền, mỗi tháng gửi về cho bố mẹ 100 ngàn đồng. Mười bốn năm trước có bao tiền tích cóp được anh chị dồn cả lại mua vật liệu về dựng căn nhà cấp bốn cho bớt khổ những ngày mưa nắng bão lụt.

Ngày anh chị chuyển vào nhà mới, cả xóm đến chúc mừng vì ai cũng hiểu hoàn cảnh của vợ chồng anh Hiếu. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, cơn lốc sau đó một tháng đã cuốn đổ sụp ngôi nhà mới dựng.

Đau đớn hơn, mẹ đẻ anh Hiếu chết vì nhà sập đè vào còn người cha già bị gãy chân. Chị Toán bị vỡ đầu phải đi cấp cứu, giờ trên trán vẫn hằn vết sẹo dài đến hơn chục centimet. Từ đó đến nay, gia đình chị Toán vẫn sống trong túp lều tạm trị giá chưa đến 300 ngàn đồng như lời anh Hiếu tâm sự.

Những tưởng sẽ cùng nhau lần hồi tích cóp để có cái nhà cho ra nhà. Nhưng từ cuối năm ngoái, tự nhiên anh Hiếu cứ thấy người mệt dần, rồi tụt cân. Đi khám khắp nơi không đâu tìm ra bệnh. Xuống BV Bạch Mai cũng chỉ được cho đơn thuốc là mấy vỉ thuốc bổ.

Từ một người tầm thước, giờ đây anh Hiếu chỉ còn da bọc xương, trong vòng hơn nửa năm anh đã tụt mất gần 20kg. Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi thường bị ngắt quãng vì anh Hiếu mệt, hai khóe miệng nước bọt sùi ra, cổ họng bị đau do khối u chèn ép.

Mỗi lời nói đều là sự cố gắng của người đàn ông có ánh mắt u buồn này. Đôi mắt ứ nước, anh Hiếu bảo: “Nhà chỉ còn một con trâu thôi, bán đi thì trắng tay. Tôi đi khám nốt lần này thôi, rồi về nhà chờ chết, khổ vợ con lắm”.

Cả tháng gia đình anh chi tiêu hết gần 300 ngàn đồng, tức là mỗi ngày chưa đến mười ngàn, vậy mà chỉ một bát phở ăn ở cạnh BV cũng hết 10 ngàn.

“Ăn thì tiếc tiền lắm, nhưng ăn không có nước thì không nuốt nổi” – Anh Hiếu tâm sự. Mới chỉ đến cửa phòng khám, chưa bắt đầu quá trình điều trị nhưng dường như chi phí đã nằm ngoài khả năng của vợ chồng chị Toán.

Còn nhiều nữa những hoàn cảnh bệnh nhân thương tâm, nhưng ánh mắt thất thần của anh Hiếu, gương mặt sắt lại vì lo lắng của chị Toán cứ ám ảnh chúng tôi.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.