Những nghệ sỹ “có vết” với việc… mặc đồ như Hà Linh đã tỏ ý hài lòng: “Việc bãi bỏ “lệnh cấm” cho thấy một tư duy mở và sẵn sàng lắng nghe của những người chịu trách nhiệm cầm cân nảy mực”. Nhưng nữ ca sỹ lại phát ngôn gây tranh cãi, được hiểu là đổ lỗi cho phần lớn người thưởng thức ảnh nude và những người tạo ra ảnh nude (còn người chủ ý khoe thân phu nghệ thuật thì vô tội): “Ảnh nude không xấu, chỉ có những người lợi dụng tâm lý ẩn ức về tình dục khi xem nude – một tư duy khá thô thiển của phần lớn người xem - để trục lợi cá nhân từ truyền thông, hoặc do thẩm mỹ tồi mà các ekip về ảnh làm ra những bộ ảnh không thể gọi là nude, mà phải gọi là ảnh cởi truồng photoshop… mới là xấu”.
Chưa có một cuộc điều tra xã hội nào để biết khán giả khi xem nude nghĩ gì trong đầu? Liệu có đến phần lớn người xem bị “ẩn ức tình dục” chi phối như phát ngôn của ca sỹ nọ? Nếu đúng thế, thì việc cần làm trước khi bãi bỏ “lệnh cấm” phải là điều trị tâm lí, giáo dục thẩm mỹ cho khán giả. Đây là công việc chẳng dễ dàng. Còn nữa: Thế nào là nude đích thực, thế nào là “cởi truồng photoshop”? Điều này chắc chắn gây tranh cãi không hồi kết. Liệu cùng với bãi bỏ “lệnh cấm” sẽ dẫn đến tình trạng vàng - thau lẫn lộn dắt tay nhau lên ngôi? Và có quá thoáng không khi từ đây (1/1/2017) các người đẹp, hoa hậu được tự do đăng ảnh nude lên trang cá nhân mà không bị xử phạt. Nghĩ sao khi trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp mỹ nhân bị tước vương miện vì phát hiện ảnh nude? v.v…
Riêng nhiếp ảnh gia Thái Phiên không hào hứng lắm với việc “cởi trói” rất liên quan đến nghề nghiệp của mình. Ông trả lời trên báo rằng: “Cấm rồi lại không cấm, không cấm mà cũng như cấm, một phần vì các nhà quản lý văn hóa chưa bao giờ cấp giấy phép cho một cuộc triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật nào cả. Cấm mà như không cấm vì trên mạng vẫn tràn lan ảnh khỏa thân, nghệ thuật lẫn phi nghệ thuật”. Biết đâu, sau tiếng kêu của Thái Phiên cùng với lệnh “cởi trói” thì các cuộc triển lãm nude sẽ như “trăm hoa đua nở”, các nhà phê bình nghệ thuật lại được mùa khen chê, chỉ tội cho các “thượng đế” khổ vì bội thực.
Sự cấm rồi không cấm, khiến những người yêu văn chương liên tưởng đến cuốn tiểu thuyết “Tử cấm nữ” của tiểu thuyết gia Trung Quốc Lư Tân Hoa xoay quanh số phận của cô gái bị “bịt kín” ở nơi giúp nàng thành đàn bà. Sau đó, cô đã tìm ra phương cách “khai thông” song đáng tiếc lại là sự “khai thông” quá đà…