Trò chuyện với nam sinh TH school được đại học quốc tế hỗ trợ 5,5 tỷ đồng du học

Nguyễn Việt Trung tự tin với môi trường học tập mới ở TH school và đã phát huy được năng lực, sở trường của mình
Nguyễn Việt Trung tự tin với môi trường học tập mới ở TH school và đã phát huy được năng lực, sở trường của mình
Đã được 7 trường đại học danh giá của Mỹ nhận vào học với những hỗ trợ tài chính tốt nhưng Nguyễn Việt Trung- Phó Chủ tịch Hội học sinh trường quốc tế TH school vẫn nộp hồ sơ du học vào một trường đại học ở Châu Âu và 2 trường đại học Châu Á. Lý do để chàng trai trẻ này đầu tư nhiều thời gian vào làm hồ sơ du học là để trải nghiệm giá trị tấm bằng tú tài Anh và mong muốn “truyền cảm hứng cho các thế hệ sau” khi đăng ký thành công.

Thời điểm này, Trung đang trải qua những ngày thi cuối cùng của môn thi toán theo Chương trình A Level. Phòng thi ngày 21/5 chỉ có tấm biển đơn giản: “Đang thi, không làm phiền”. Phòng thi theo tiêu chuẩn quốc tế, mỗi học sinh ngồi cách nhau 1,25m, giám thị coi thi cực kì nghiêm ngặt. Trung cùng hàng trăm ngàn học sinh thi tú tài Anh trên toàn thế giới cùng thi 1 đề, cùng 1 thời gian. Tuy đang thi, chưa có điểm cuối cùng nhưng Trung đã tự tin nộp hồ sơ vào hàng chục trường Đại học lớn trên thế giới và đã nhận được nhiều ưu đãi tốt, trong đó có trường đã nhận Trung nhập học với mức hỗ trợ tài chính lên tới 240.000 USD/4 năm học, tương đương 5,5 tỷ đồng.

Tự tin từ quá trình học- thi đầy thách thức

Trò chuyện với nam sinh TH school được đại học quốc tế hỗ trợ 5,5 tỷ đồng du học ảnh 1
 

Trung và các bạn đang tham dự kỳ thi A level kéo dài 2 tháng và khá thoải mái. Vậy sự thoải mái đó đến từ đâu?

Kỳ thi A Level này em phải tập trung học bù khá nhiều bài học. Trước đó em dành nhiều thời gian cho chuẩn bị hồ sơ và bài luận để apply các trường đại học mà em dự định đi du học. Việc này mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, dù phải học bù nhưng em không lo ngại vì kỳ thi khá toàn diện về các kỹ năng. Ví dụ em học và thi A Level ở 3 môn Toán, Hóa, Sinh thì em đã hoàn thành chương trình AS ở năm lớp 11 và năm lớp 12 này em chỉ cần hoàn thành chương trình A2 là sẽ hoàn tất toàn bộ chương trình A Level. Với các môn Khoa học cơ bản như Sinh học hay Hóa học em làm 5 paper (5 tờ, tương đương với 5 bài thi) gồm tờ 1 trắc nghiệm, tờ 2 tự luận, tờ 3 làm thực hành. Tờ này em giải thích thêm là học sinh phải làm bài thi thực hành tại phòng thí nghiệm, căn cứ vào đề thi, hóa chất và các thiết bị thí nghiệm do giám khảo cung cấp… Tờ 4 về lý thuyết, tờ 5 là thiết kế xây dựng thí nghiệm riêng.

Tuy thi nhiều như vậy nhưng việc tính điểm cho A Level không chỉ là điểm cuối cùng của kỳ thi mà được xác định dựa trên điểm các bài thi cuối kỳ (papers) cùng với điểm của các bài tập lớn (course works) được làm rải rác trong suốt 2 năm học (điểm course work cũng do trung tâm khảo thí CIE ở Anh chấm). Vì vậy, nếu có sự phấn đấu, học sinh hoàn toàn có điểm tốt, không lo chuyện “học tài thi phận.” Với cách tính điểm này, em khá thoải mái về mặt tâm lý, còn về mặt học hành thì cũng… căng.

- Dự kiến, tới tháng 8 mới có kết quả thi A Level, vậy các em căn cứ vào điểm nào để nộp hồ sơ du học vào các trường đại học trên thế giới?

Các trường thường tuyển sinh viên căn cứ vào điểm AS (điểm thi năm lớp 10,11), đánh giá học bạ và một số trường căn cứ vào điểm dự đoán của A Level - là điểm số dự đoán do giáo viên cung cấp, học sinh không được biết.

Trò chuyện với nam sinh TH school được đại học quốc tế hỗ trợ 5,5 tỷ đồng du học ảnh 2

Nguyễn Việt Trung và các bạn trong Hội đồng học sinh TH school

- Các trường đại học đã nhận Trung vào học với nhiều ưu đãi tài chính, đó là những trường nào?

Tới giờ thì em đã được 7 - 8 trường đại học ở Mỹ tiếp nhận với mức hỗ trợ tài chính cao như trường Đại học  Georgetown – một trường đại học hàng đầu nước Mỹ ngay trung tâm Washington D.C nơi mà cựu tổng thống Bill Clinton từng theo học, trường Đại học Washington and Lee - xếp hạng thứ 11 hệ Giáo dục Khai phóng của nước Mỹ, trường Đại học Miami, trường Hendrix College… Ở Hồng Kông có ĐH Khoa học và Công Nghệ Hồng Kông, trường Đại học Jacobs University Bremen ở Đức, tiếp theo là em sẽ nộp hồ sơ vào trường Đại học Khoa học và Công Nghệ Hàn Quốc. Các trường đều đã nhận hồ sơ và có các ưu đãi tài chính cho em rồi, trừ trường ở Hàn Quốc - trường này em đang thử xem sao.

Nộp hồ sơ để…trải nghiệm giá trị bằng tú tài quốc tế tại Việt Nam

- Vì sao đã được nhận và có ưu đãi tốt ở nhiều trường mà Trung vẫn muốn đăng ký thêm?

Với nhiều bạn chỉ cần 2-3 trường nhận và có hỗ trợ tài chính là đủ, nhưng em thì muốn thử sức. Và chủ yếu là thử nộp hồ sơ ở nhiều trường, nhiều khu vực khác nhau để xem thế mạnh của mình, và cũng để chứng minh bằng A Level của mình có giá trị toàn cầu, để các em khóa sau biết giá trị của ngôi trường và của tấm bằng mình học. Việc em nộp hồ sơ thành công em có thể hướng dẫn các em khóa sau tốt hơn.

- Như vậy tới thời điểm này có thể nói các trường đại học lớn ở 3 Châu lục đã mời gọi Trung nhập học với ưu đãi tốt, Trung có thể chia sẻ thông tin về các học bổng đó không?

Các trường em trúng tuyển đều có hỗ trợ tài chính chứ không phải học bổng. Hai khái niệm này khác nhau: Học bổng là bạn học giỏi, dựa vào khả năng của bạn tôi sẽ cung cấp học bổng với một mức nhất định (có thể lên đến toàn phần); còn hỗ trợ tài chính là thiếu bao nhiêu thì họ hỗ trợ để bạn có thể đi học Với các trường em nộp hồ sơ thì chủ yếu được hỗ trợ tài chính. Có trường hỗ trợ tài chính lên tới 60.000 USD/năm (240.000 USD/4 năm học, tương đương 5,5 tỷ đồng)

- Nhiều học sinh Việt Nam khi đi du học thì e ngại nhất là về tiếng Anh, dù đã đạt điểm IELTS tới 7.5, 8 nhưng vẫn không thể nghe được các bài giảng và phải học dự bị đại học. Trung có lời khuyên nào về việc học tiếng Anh để du học?

Hàng năm, trường TH school đều tổ chức thi IELTS miễn phí cho học sinh thì lớp em có tới hơn 50% số bạn đạt điểm 7.5 trở lên, còn lại thì chắc chắn phải từ 6.5. Đây là những kiến thức tự nhiên, tiếng Anh đã ngấm vào người bởi bọn em học hoàn toàn bằng tiếng Anh với các từ ngữ học thuật chuẩn mực và hiểu bản chất của ngôn ngữ- có thể sử dụng như tiếng mẹ đẻ. Các bạn trường khác cũng có thể đạt điểm thi 7.5 nhưng có nhiều người học để thi, ra nước ngoài học 6 tháng vẫn không nghe hiểu nổi vì viết/học học thuật (Academic English) khác với cách dùng tiếng Anh thông thường. Khi bọn em thi đỗ và có bằng tú tài Anh A Level thì về cơ bản đã tương đương với năm đầu dự bị đại học (không phải học dự bị) và tiếp cận ngôn ngữ tiếng Anh học thuật ngấm tự nhiên trong quá trình học (từ ngữ, logic, cấu trúc đều chuẩn)

Có bạn thi IELTS đạt điểm cao thì chỉ để đẹp hồ sơ còn để tiếp cận ngôn ngữ  học thuật thì khó vì không hiểu bản chất. Nhiều bạn học tiếng Việt tư duy sang tiếng Anh, còn bọn em học A Level thì tư duy bằng tiếng Anh luôn.

Trò chuyện với nam sinh TH school được đại học quốc tế hỗ trợ 5,5 tỷ đồng du học ảnh 3

Nguyễn Việt Trung cùng các bạn tự tin thảo luận về các vấn để học thuật với giáo viên

- Để nộp học bổng vào các trường ĐH top đầu quốc tế thì điểm số chưa đủ mà còn có các hoạt động xã hội ngoại khóa. Các em đã có những hoạt động gì?

Bọn em làm khá nhiều hoạt động, viết app để hướng dẫn học toán A level- cụ thể là đưa chương trình và các bài giải lên app, hướng dẫn cách giải. Nhóm làm app của bọn em có 7 người, có thời điểm làm ngày làm đêm để hoàn thành các video hướng dẫn bài giảng (hoàn toàn bằng tiếng Anh). Hiện app đã có hơn 20.000 truy cập và tải các bài giảng về từ khắp nơi trên thế giới.

Ở trường thì em có tham gia hoạt động trong Hội đồng Học sinh của trường, tổ chức các sự kiện trong trường như Lễ hội Halloween, Tết Trung Thu, Hội chợ Tết, Dạ hội Prom… và quản lí câu lạc bộ Toán học của trường. Ngoài hoạt động này, bọn em còn tham gia các chương trình tình nguyện tại các bệnh viện, tham gia tổ chức nhạc kịch ở Thanh Hóa…

Cảm ơn em, chúc em thành công !

Được biết Trung đã đỗ chuyên Toán Phan Bội Châu (Nghệ An) nhưng không học chuyên mà chọn học TH school. Có bao giờ em lo ngại việc phân biệt trường công- trường tư?

Nếu em ở nhà học chuyên Toán, em sẽ đi vào guồng quay ép mình học ngày học đêm để thi học sinh giỏi, tham gia các cuộc thi phổ thông để vào đại học và tiếp tục học lên ở một trường mình nghĩ là “danh giá” mà chưa chắc đã thực chất. Em chọn TH school ban đầu là muốn có một môi trường học tập mới mẻ, được trải nghiệm môi trường quốc tế. Tới giờ em thấy lựa chọn của mình là đúng đắn, cho dù chọn lại ngàn lần, em vẫn chọn TH school.

Về vấn đề trường công- trường tư, bây giờ nhiều bạn open mind (cởi mở) nên không có sự bài xích. Hơn nữa thực tế chứng minh là kiến thức của TH school không ít hơn trường công mà còn sâu hơn. Năm lớp 11 em có nộp hờ sơ và được lựa chọn tham gia Trại hè Khoa học MaSSP – Maths and Science Summer Program (2.000 bạn nộp hồ sơ, chỉ chọn 50 bạn). Nhóm Sinh học có 10 bạn thì 9 bạn học chuyên từ các tỉnh thành trên cả nước và chỉ mình em học trường tư. Nhưng khi vào nghiên cứu em thấy kiến thức của mình không thua các bạn còn thực hành thì lại vô cùng quen thuộc do có kinh nghiệm từ trước. Khi thực hành, em còn hướng dẫn lại các bạn vì các bạn học ở trường công chỉ được học chủ yếu là lý thuyết nhưng lại ít có cơ hội được tham gia làm thực hành. Ở trại hè, khi làm nghiên cứu thì phải đọc các nghiên cứu khác bằng tiếng Anh để đưa vào bài nghiên cứu của mình thì các bạn gặp nhiều khó khăn.

Kỳ thi THPT quốc gia không có thực hành, mọi người đều biết; nhưng ngay cả kỳ thi Học sinh giỏi các môn học gắn với thực hành thì điểm thực hành chỉ chiếm 5% tổng điểm (2 điểm trên tổng 40 điểm), trong khi thi A Level chiếm tới 25-30%. Vì vậy, nhiều khi ngược lại, em lo ngại cho các bạn học mà ít thực hành thì khó nắm được kiến thức toàn diện.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.