Triều Tiên sẽ bị cấm vận những gì theo lệnh trừng phạt mới?

Ảnh: Express
Ảnh: Express
TPO - Toàn bộ 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên, trong đó bao gồm lệnh cấm vận hàng may mặc và giới hạn nhập khẩu dầu thô.

Sáng sớm 12/9 (giờ Việt Nam, tức chiều 11/9, giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp và bỏ phiếu nhất trí thông qua biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên để tiếp tục răn đe quốc gia này sau cuộc thử hạt nhân lần thứ sáu hôm 3/9.

Cụ thể, nghị quyết trừng phạt số 2375 áp đặt mức trần nhập khẩu dầu thô của Triều Tiên là 4 triệu thùng/năm và mức trần nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế là 2 triệu thùng/năm (giảm hơn 50% so với lượng nhập khẩu dầu tinh chế hiện tại). Khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ cũng bị hạn chế nhập khẩu.

Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an đưa ra lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Triều Tiên. Theo các chuyên gia, lệnh hạn chế dầu mới dự kiến sẽ làm giảm 30% lượng tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến dầu ở Triều Tiên, ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình sản xuất tên lửa và vũ khí hạt nhân ở nước này.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết Trung Quốc hiện là nước cung cấp phần lớn lượng dầu thô nhập khẩu của Triều Tiên với khoảng 4 triệu thùng mỗi năm. Cơ quan này trích dẫn số liệu hải quan của Liên Hợp Quốc cho thấy Trung Quốc đã gửi 6.000 thùng dầu mỗi ngày cho Triều Tiên, phần lớn là xăng và nhiên liệu diesel, được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, vận tải và quân sự của Triều Tiên.

Nghị quyết 2375 còn bao gồm lệnh cấm vận đối với việc xuất khẩu hàng may mặc – vốn được coi là một trong những nguồn thu chính của Bình Nhưỡng, đồng thời hạn chế việc sử dụng lao động Triều Tiên ở nước ngoài, buộc các nước thuê lao động Triều Tiên phải thông báo ngày hết hạn hợp đồng hiện có.

Hiện, mỗi năm Triều Tiên thu về khoảng 800 triệu USD nhờ xuất khẩu hàng may mặc và khoảng 200 triệu USD từ nguồn lao động làm việc tại nước ngoài.

Điều khoản “cấm đi lại và đóng băng tài sản của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un” từng xuất hiện trong dự thảo nghị quyết trừng phạt trước đó, đã bị Mỹ bãi bỏ trong dự thảo nghị quyết mới với mong muốn lệnh trừng phạt mới được Nga và Trung Quốc ủng hộ. Tuy khiên, lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản vẫn được áp dụng với một số quan chức cấp cao của Triều Tiên.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuyên bố: "Chúng tôi đã cố gắng hướng Triều Tiên đến điều đúng đắn nhưng không thể. Giờ chúng tôi sẽ ngăn chặn Triều Tiên làm điều sai trái."

Bà Haley cho rằng Bình Nhưỡng vẫn có thể "quay đầu", và Mỹ không muốn gây chiến tranh với Triều Tiên. "Hòa bình sẽ lập lại nếu Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân", Đại sứ Haley nói. 

Triều Tiên sẽ bị cấm vận những gì theo lệnh trừng phạt mới? ảnh 1

 Đại sứ Mỹ Nikky Haley phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: AP

Trước đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã ban hành một thông báo vào đầu ngày 11/9, tuyên bố rằng Bình Nhưỡng đang theo dõi các động thái của Mỹ và cảnh báo sẽ sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp của riêng mình. Bình Nhưỡng tuyên bố Mỹ sẽ phải trả một cái giá cực đắt nếu các biện pháp chế tài trừng phạt do Washington đưa ra được thông qua.

Nghị quyết 2375 là lệnh trừng phạt thứ chín mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên kể từ năm 2006. Nghị quyết trừng phạt gần nhất được thông qua vào ngày 5/8 sau khi Triều Tiên thử hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong tháng Bảy.

Theo Theo Reuters, Yonhap, AP
MỚI - NÓNG