Đội y tế thuộc quân đội Triều Tiên phát thuốc tại một quầy ở Bình Nhưỡng ngày 18/5. (Ảnh: Getty) |
Đội máy bay này đã đáp xuống sân bay quốc tế Đào Tiên ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.
Không rõ 3 máy bay chở hàng gì, nhưng đây là hoạt động hiếm thấy sau khi Trung Quốc cam kết giúp đỡ Triều Tiên xử lý dịch bệnh.
Tuần trước, Triều Tiên chính thức xác nhận những ca mắc COVID-19 đầu tiên. Trước đó, nước này không báo cáo ca mắc nào, và liên tục đóng cửa biên giới suốt từ tháng 1/2020.
Từ ngày 12/5, Triều Tiên báo cáo hơn 2 triệu trường hợp sốt. Báo chí Triều Tiên gọi đây là “tình huống khẩn cấp quốc gia” và chính quyền Bình Nhưỡng đang nỗ lực đối phó.
Tất cả các thành phố tại Triều Tiên đã bị phong tỏa. Chủ tịch Kim Jong Un điều động quân đội để bảo đảm nguồn cung thuốc men ở Bình Nhưỡng.
Sau khi Triều Tiên xác nhận những ca bệnh đầu tiên, Trung Quốc khẳng định sẵn sàng hỗ trợ đầy đủ cho “các đồng chí, hàng xóm và bạn bè” ở Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định hai nước có truyền thống hỗ trợ lẫn nhau.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, Trung Quốc đưa hàng triệu liều vắc xin đi khắp thế giới, sau khi đạt được thỏa thuận với chương trình chia sẻ vắc xin COVAX.
Triều Tiên vẫn chưa tiêm chủng vắc xin COVID-19, vì thế Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá dân số nước này rất dễ bị tổn thương. Hệ thống y tế của Triều Tiên thiếu thuốc men, máy móc và vật tư y tế cần thiết để đối phó với tình trạng số bệnh nhân tăng vọt.
Tình hình ở Triều Tiên khiến nhiều tổ chức quốc tế báo động. Ngày 16/5, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền cảnh báo rằng đợt bùng phát lần này và việc áp dụng các biện pháp hạn chế có thể “gây tác động tàn phá” đối với cuộc sống của người dân Triều Tiên.
Tổ chức quan sát nhân quyền thúc giục Liên Hợp Quốc và các chính phủ “nỗ lực hết sức để thuyết phục Triều Tiên mở cửa cho viện trợ nhân đạo từ bên ngoài”.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết đã đề xuất hỗ trợ cho Triều Tiên, bao gồm thuốc, vắc xin và vật tư y tế, nhưng chưa nhận được phản hồi.