Triều Tiên đe dọa ‘trả thù không khoan nhượng’

Triều Tiên đe dọa ‘trả thù không khoan nhượng’
Thử hạt nhân chỉ là “bước đầu”, Bình Nhưỡng sẵn sàng thực hiện hành động mạnh hơn. Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án việc thử hạt nhân và thúc giục trừng phạt Bình Nhưỡng.

> Triều Tiên xác nhận thử hạt nhân thành công
> Mỹ lên án, Trung Quốc phản đối, Nhật Bản dọa trừng phạt Triều Tiên

 Chương trình thời sự Hàn Quốc đưa tin về việc thử nghiệm hạt nhân của CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Xinhua
Chương trình thời sự Hàn Quốc đưa tin về việc thử nghiệm hạt nhân của CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Xinhua .

"Không khuất phục trước nghị quyết Liên Hợp Quốc"

Ngày 12 - 2, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ không bao giờ khuất phục trước các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) về chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời tố cáo triển vọng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong tình trạng chia cắt đang trở nên "ảm đạm" do chính sách "thù nghịch" của Mỹ.

Phát biểu trong một cuộc hội thảo về giải trừ quân bị tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), Bí thư thứ nhất phái bộ của Triều Tiên tại LHQ, Jon Yong Ryong nói: "Mỹ và các nước chư hầu sẽ phạm sai lầm đáng buồn nếu họ tính toán sai rằng CHDCND Triều Tiên (DPRK) sẽ tôn trọng toàn bộ các nghị quyết vô lý chống lại đất nước chúng tôi.

DPRK sẽ không bao giờ khuất phục trước bất kỳ nghị quyết nào. Nếu Liên minh Châu Âu (EU) thực sự muốn hòa binh và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, trước hết cần hối thúc Mỹ hủy bỏ chính sách thù nghịch nhằm vào DPRK trên cơ sở công bằng".

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland xác nhận Triều Tiên đã thông báo cho bộ này biết ý định tiến hành một vụ thử hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington một lần nữa nói với Bình Nhưỡng, "bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất" rằng Mỹ phản đối những kế hoạch như vậy.

Tuyên bố với báo giới, bà Nuland nêu rõ: "Tôi chỉ đơn giản nói với các bạn rằng lời cảnh báo trên diễn ra trước vụ thử. Tôi không có thêm bất cứ thông tin chi tiết nào khác". Bà Nuland cũng tiết lộ lời cảnh báo đã được phát đi thông qua các kênh ngoại giao thông thường.

Washington hiện không có quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, và thường sử dụng Thụy Điển làm kênh ngoại giao trong liên hệ với ban lãnh đạo Triều Tiên.

Sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân vào ngày 12 - 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố Triều Tiên là một "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với Mỹ và Washington phải chuẩn bị đối phó.

Trong một diễn biến liên quan, tối 12 - 2, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Ông Dương Khiết Trì cho biết Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên hữu quan chú ý đến đại cục, xử lý vấn đề này một cách phù hợp và ngăn ngừa tình hình leo thang.

Trước đó cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Yigal Palmor cho biết nước này lên án vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, cho rằng thế giới phải gửi "một thông điệp rõ ràng" tới Bình Nhưỡng và các hành động này là "không thể chấp nhận".

Giới chuyên gia lo ngại việc CHDCND Triều Tiên thử nghiệm thành công một thiết bị hạt nhân thu nhỏ cho thấy nước này tiến gần khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân đặt vào trong tên lửa đạn đạo.

Giáo sư Andrei Lankov, chuyên gia về CHDCND Triều Tiên hiện đang giảng dạy tại Đại học Kookmin (Seoul, Hàn Quốc), nhận định: “Việc sở hữu một thiết bị hạt nhân thu nhỏ là bước cần thiết để tạo ra đầu đạn hạt nhân. Qua đó cho thấy họ đã đạt được bước tiến trong công nghệ hạt nhân”.

Giáo sư Lankov lưu ý về thời điểm vụ thử hạt nhân và việc phóng thành công tên lửa chỉ xảy ra cách nhau vài tháng chứng tỏ quyết tâm của CHDCND Triều Tiên.

Theo Vietnam+, Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG