Với mục đích thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng trong cảnh báo và vận động ứng phó với ô nhiễm âm thanh tại các trường phổ thông, nơi làm việc tương lai của sinh viên sư phạm, sinh viên cùng với nhóm nghiên cứu Công nghệ giáo dục, trường ĐH Giáo dục đã thực hiện dự án nghiên cứu “xây dựng hệ thống cảnh báo ô nhiễm âm thanh theo thời gian thực tại các trường học”.
Sinh viên đã cùng nhóm nghiên cứu của trường Đại học Giáo dục nghiên cứu khảo sát trên 400 trường phổ thông (Tiểu học, THCS, THPT) ở cổng trường, hành lang lớp học và trong lớp học thuộc 5 khu vực dọc theo các tuyến đường chính, gồm: Khu vực Sóc Sơn - sân bay Nội Bài; Khu vực nội thành; Khu vực dọc Quốc lộ 1; Khu vực dọc Quốc lộ 6; Khu vực dọc Quốc lộ 32 trong tháng 12/2020.
Kết quả hiện thị độ ồn từ các trạm do sinh viên trường Đại học Giáo dục phối hợp với nhóm nghiên cứu công nghệ giáo dục lắp đặt. |
“Hệ thống cảnh báo ô nhiễm âm thanh tại các trường phổ thông theo thời gian thực” để ghi nhận chỉ số ô nhiễm tiếng ồn (PNI - pollution noise index) sử dụng các trạm cảm biến thu dữ liệu âm thanh ở trường học, kết nối với máy chủ thông qua Internet kết nối vạn vật (IoT) để đưa ra kết quả cường độ âm thanh (tính bằng decibel) và vị trí địa lý (GPS) của điểm đo.
Dựa trên kho dữ liệu này, các nhà nghiên cứu đã xây dựng những bản đồ thực trạng ô nhiễm âm thanh trên toàn thành phố Hà Nội (bản đồ tĩnh) với nhiều độ phân giải và mục đích sử dụng khác nhau.
Đồng thời, nhóm cũng xây dựng một bản đồ heatmap (bản đồ động) trên webiste để biểu thị sự biến động của ô nhiễm âm thanh theo thời gian thực tại các điểm trường có đặt cảm biến thời gian thực.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tạo ứng dụng PNI trên điện thoại để người dùng có thể theo dõi thực trạng ô nhiễm âm thanh tại vị trí trường học xác định và nhận các thông tin cảnh báo nguy hiểm đến sức khỏe qua email hoặc tin nhắn.
Ở mỗi trường, dữ liệu được ghi nhận thực tế bằng các trạm cảm biến âm thanh tại 3 địa điểm: cổng trường, sân trường/hành lang và trong lớp học.
Nhóm sinh viên cùng nhóm nghiên cứu đã lựa chọn và đặt 46 trạm sensors ghi nhận dữ liệu độ ồn theo thời gian thực. Hệ thống tích hợp các phần mềm: App PNI trên điện thoại theo dõi thực trang ô nhiễm âm thanh tại vị trí của người sử dụng điện thoại và nhận các thông tin cảnh báo ô nhiễm, nguy hiểm đến sức khỏe qua email hoặc tin nhắn. Hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn, tích hợp với GIS cho kết quả là hệ thống các bản đồ thực trạng ô nhiễm âm thanh và hệ thống bản đồ heatmap biểu thị biến động ô nhiễm âm thanh theo thời gian thực của các trường phổ thông có đặt sensor nghiên cứu.
Kết quả, 100% các trường ở nội thành bị ảnh hưởng ô nhiễm tiếng ồn từ môi trường bên ngoài (ENP) với mức độ ồn từ 55-85 decibel (dB), trong đó có trên 50% số trường có mức ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng, tức trên 85 dB.
Hệ thống đã được triển khai thử nghiệm trong 3 tháng và đang tiếp tục hoàn thiện. Với hướng tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu khoa học giáo dục, với chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo thông qua dự án nghiên cứu, sinh viên đã được tham gia cùng nhóm nghiên cứu – các giảng viên của Khoa Sư phạm, khoa các khoa học giáo dục, khoa Quản trị chất lượng, khoa Quản lý giáo dục và khoa Công nghệ giáo dục không chỉ dừng lại ở nghiên cứu giải pháp công nghệ mà còn tìm kiếm, đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm âm thanh để bảo vệ sức khỏe học sinh và giáo viên trong bối cảnh ô nhiễm âm thanh ở môi trường học đường.
Sinh viên thêm hiểu sâu sắc kiến thức trên giảng đường thông qua trải nghiệm thực tế và thấy rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng thông qua các dự án nghiên cứu của các thầy cô, từ đó tình cảm thầy trò và tình yêu nghề được hình thành trở nên sâu sắc và bền chặt hơn.
Ở Việt Nam, quy định giới hạn tiếng ồn đối với các khu vực đặc biệt (cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa …) không được vượt quá 55dB trong khoảng thời gian từ 6 giờ – 21 giờ mỗi ngày.
Theo các bác sĩ, tiếp xúc thường xuyên với âm thanh trên 70 db có thể gây nên các rối loạn về nhịp tim, huyết áp; tiếp xúc thường xuyên với âm thanh trên 85 (db) sẽ ảnh hưởng thính lực.