Trên 16.000 tỷ đồng “rót” vào Tây Nguyên hỗ trợ thoát nghèo

Theo Đại tướng Trần Đại Quang, ngân hàng rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc cho vạy, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các vốn ưu đãi.
Theo Đại tướng Trần Đại Quang, ngân hàng rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc cho vạy, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các vốn ưu đãi.
TPO - Đó là con số công bố tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên, tổ chức chiều 26/11, tại Gia Lai.

Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì, chỉ đạo hội nghị.

Tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 11%

Theo ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), đến ngày 31/10, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đã đạt hơn 16.000 tỷ đồng (chiếm gần 11,7% tổng dư nợ toàn quốc), với trên 700 nghìn hộ còn dư nợ, tăng gần 43% (tương đương 4.900 tỷ đồng) so với thời điểm cuối năm 2011; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96% (trong khi cả nước là 7,76%).

Ông Thắng cho biết, dư nợ cho vay tập trung ở một số chương trình lớn như: Hộ nghèo đạt gần 5.100 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên 3,1 nghìn tỷ đồng; học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn gần 2,4 nghìn tỷ đồng; hộ cận nghèo xấp xỉ 2,5 nghìn tỷ đồng; nước sạch sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 1,5 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, mới đây, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo có dư nợ gần 280 tỷ đồng…

Theo ông Thắng, chất lượng tín dụng chính sách của vùng đã được thay đổi và cải thiện rõ rệt. Trong đó, nợ quá hạn là 65 tỷ đồng, chiếm 0,40% trên tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn của toàn hệ thống NHCSXH (0,41%). Số nợ quá hạn giảm tuyệt đối gần 110 tỷ đồng so với cuối năm 2011, số tương đối giảm 1,14% (tỷ lệ năm 2011 là 1,54%). Tất cả các chi nhánh trong vùng có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%. “Đây thực sự là một thành công nổi bật trong 3 năm thực hiện Đề án”- ông Thắng nói.

Chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn đã đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng. Số tổ được xếp loại tốt và khá đã tăng từ gần 15.000 tổ lên gần 17.500 tổ (tương đương 89,7%).

Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, nhờ vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 121 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm mới cho trên 34 nghìn lao động, giúp gần 55 nghìn lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng gần 312 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn và hơn 6 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo... Từ đó, góp góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống còn 11,22% (năm 2014).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, bên cạnh những kết quả khả quan, số nợ xấu còn lại là những khoản nợ rất khó thu hồi (đa số là các hộ vay bỏ đi khỏi địa phương). Khối lượng nợ đến hạn của các chương trình tín dụng rất lớn, một số chương trình tín dụng vẫn tiềm ẩn rủi ro dễ ảnh hưởng đến việc gia tăng nợ quá hạn.

Thực tế, nguồn vốn địa phương của các tỉnh Tây Nguyên dành để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn còn hạn chế. Đời sống của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, số hộ cận nghèo còn cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo lớn trong khi nguồn vốn cho vay của tín dụng chính sách còn hạn chế.

Trên 16.000 tỷ đồng “rót” vào Tây Nguyên hỗ trợ thoát nghèo ảnh 1

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tặng quà cho các hộ nghèo tại xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai sáng 26/11. 

Giúp dân nghèo tiếp cận vốn ưu đãi

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện và chỉ đạo NHCSXH quan tâm, chú trọng phân bổ vốn để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi tại vùng Tây Nguyên, đặc biệt là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Từ đó, thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020, các chỉ đạo hướng dẫn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho các vùng khó khăn của Tây Nguyên.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, anh ninh và môi trường sinh thái của đất nước.

Để đảm bảo các chương trình tín dụng chính sách được thực hiện hiệu quả tại khu vực Tây Nguyên, Đại tướng lưu ý, tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, công khai về các chính sách tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện để người dân biết và tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là người nghèo; nâng cao nhân thức của người dân trong sử dụng vốn vay và trách nhiệm trả nợ tiền vay khi khi hết hạn.

Các địa phương thực hiện tốt chủ trương huy động và lồng ghép các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo đưa kết quả hoạt động tín dụng chính sách vào việc đánh giá thi đua, khen thưởng của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp.

Bộ trưởng Quang cũng lưu ý, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của NHCSXH ở Tây Nguyên. Thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn để phát hiện, xử lý kịp thời nhưng khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực.

Cùng đó là thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hộ dân, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng. “Các tổ chức tín dụng nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc cho vạy, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững ở Tây Nguyên”- Đại tướng nói.

Trong 3 năm qua, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Tây Nguyên đã đạt hơn 16.000 tỷ đồng với trên 700 nghìn hộ còn dư nợ. Lượng dư nợ cho vay tập trung ở một số chương trình lớn như: Hộ nghèo đạt gần 5.100 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên 3,1 nghìn tỷ đồng; học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn gần 2,4 nghìn tỷ đồng; hộ cận nghèo xấp xỉ 2,5 nghìn tỷ đồng; nước sạch sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 1,5 nghìn tỷ đồng.

MỚI - NÓNG