Chủ trì hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây nguyên) nói đây là cơ hội để các tỉnh Tây Nguyên quảng bá, giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế cùng các chính sách thu hút đầu tư của địa phương mình. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư có điều kiện tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư để mạnh dạn bỏ vốn làm ăn tại khu vực.
Trưởng ban Tây Nguyên cũng nhận định những năm qua, các tỉnh trong khu vực đã nỗ lực kêu gọi đầu tư, tăng cường các hoạt động xúc tiến và cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng…, do đó việc thu hút đầu tư vào khu vực này đã có chuyển biến.
Tại hội nghị, có 13 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn hơn 16.400 tỉ đồng, trong đó Kon Tum có tổng mức đầu tư lớn nhất với 7.700 tỉ. 8 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, Sacombank, LienVietPostBank, BIDV, SHB và MB ) cùng với 17 doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng đầu tư vốn và thỏa thuận hợp tác thực hiện 16 dự án.
Các ngân hàng cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỉ đồng để đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như: thủy điện, giao thông, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp… Đồng thời ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến các nông sản thế mạnh của khu vực như cà phê, cao su, điều, bông... với mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp chế biến thành ngành công nghiệp mũi nhọn của vùng.
Trong ngày, LienVietPostBank, Cty CP Him Lam và UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc phát triển cây mắc ca thành cây chiến lược. LienVietPostBank cho hay từ 5 - 10 năm tới sẽ dành khoảng 20.000 tỷ đồng đầu tư phát triển mắc ca tại Tây Nguyên, trong đó riêng Lâm Đồng từ 5.000-10.000 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định dành nguồn vốn tín dụng cho tái canh cà phê trong giai đoạn 2015-2020 từ 12.000-15.000 tỷ đồng (khoảng 2.500 tỷ đồng/năm).