Ngày đầu mở cửa đón trẻ từ mầm non đến trường 6 đi học trực tiếp trở lại, trên địa bàn TPHCM đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với COVID-19. Công tác khoanh vùng xử lý dịch tễ, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm đã khẩn trương được thực hiện, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trẻ em từ mầm non đến lớp 6 trên địa bàn TPHCM đã trở lại trường học trực tiếp |
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vắc xin ngừa COVID-19 được xem là giải pháp hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ trước nguy cơ lây nhiễm. Hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chi tiết cho các địa phương về kế hoạch tiêm vắc xin nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Tuy nhiên, để chủ động các phương án chủng ngừa cho trẻ, ngành y tế thành phố đã phối hợp với các địa phương thống kê danh sách trẻ trong diện tiêm chủng. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, toàn thành phố có 970.000 trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Trong đó có 950.000 trẻ đang đi học, 20.000 trẻ chưa đi học. Sở Y tế đã tham mưu UBND TPHCM về kế hoạch tiêm chủng bao gồm phương án tập huấn, bảo quản vắc xin, xử lý khi có trường hợp phản vệ xảy ra. Dự kiến, 30 ngày sau khi tiêm mũi 1, trẻ sẽ được tiêm mũi 2.
Tuy nhiên qua khảo sát, nhiều phụ huynh chưa đồng thuận cho trẻ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vì lo ngại những phản ứng và tác dụng phụ có thể xảy ra. Những trẻ chưa chích ngừa COVID-19 có được đi học hay không đang là vấn đề được cộng đồng quan tâm.
Vắc xin là giải pháp bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch bệnh, phụ huynh nên cho trẻ đi chích ngừa |
Giải đáp thắc mắc trên, BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết: “Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là hoàn toàn tự nguyện ở cả người lớn và trẻ em. Vắc xin là giải pháp bảo vệ an toàn cho trẻ trước nguy cơ nhiễm bệnh, phụ huynh nên cho trẻ đi chích ngừa. Trong trường hợp gia đình trẻ không đồng thuận, về nguyên tắc, trẻ vẫn được đi học bình thường. Tuy nhiên, địa phương và ngành y tế cố gắng thuyết phục phụ huynh cho trẻ tiêm vắc xin để bảo vệ sức khỏe lâu dài cho trẻ trước nguy cơ dịch bệnh” – ông Hồng Tâm nói.
Theo nhận định của ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, những ngày tiếp theo, tình hình dịch COVID-19 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong các cơ sở giáo dục. Nguyên nhân xuất phát từ thực tế dịp nghỉ Tết vừa qua cộng đồng giao lưu, tiếp xúc, đi lại nhiều giữa các địa phương. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ của học sinh cấp mầm non và tiểu học còn nhiều hạn chế cũng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 gia tăng trong trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Sở Y tế thực hiện khẩn các giải pháp tăng cường các hoạt động phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục. Đối với nhóm nguy cơ cao bao gồm cả giáo viên và học sinh có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19, những trường hợp rời thành phố trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua sẽ được xét nghiệm tầm soát để kịp thời xử lý trong trường hợp mắc COVID-19 đang trong giai đoạn ủ bệnh.