Trẻ 3 tuổi hung hăng đánh bạn do học trên tivi, điện thoại?

0:00 / 0:00
0:00
Những vết bầm tím của bé gái bị đánh ở lớp mầm non đăng tải trên mạng xã hội.
Những vết bầm tím của bé gái bị đánh ở lớp mầm non đăng tải trên mạng xã hội.
TPO - Hình ảnh bé trai đạp vào đầu, lưng, đánh vào mặt một bé gái 2 tuổi ở nhóm trẻ Vân Vũ, huyện Việt Yên (Bắc Giang) khiến người xem khá sốc. Chuyên gia tâm lý cho rằng, có thể việc thay đổi môi trường của trẻ cũng như thường xuyên cho trẻ xem tivi, điện thoại có thể khiến trẻ hung tính hơn.

Tối 23/10, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video dài khoảng 5 phút quay lại cảnh một bé gái khoảng 2 tuổi bị bé trai xông vào đánh vào đầu, lưng, mặt ngay tại lớp học. Trong thời gian đó không có sự xuất hiện của cô giáo để can thiệp.

Ngay sau khi sự việc được mẹ bé gái đăng tải lên mạng xã hội, Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên đã có báo cáo về sự việc. Cụ thể, sự việc xảy ra vào khoảng 10 giờ 48 phút ngày 23/10, tại cơ sở mầm non Vân Vũ, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang).

Thời điểm xảy ra sự việc, giáo viên chủ nhiệm kiêm chủ nhóm trẻ không có mặt và giáo viên phụ lớp đi lấy cơm trưa nên đóng cửa lớp lại. Đến 10 giờ 52 phút, cô giáo quay lại lớp phát hiện bé gái bị cắn. Cô bế cháu ra ngoài và xoa cho cháu. Ngay sau đó, sự việc được chủ nhóm lớp thông báo với gia đình.

Được biết, đến thời điểm này, nhóm lớp đã bị cơ quan chức năng cho tạm dừng hoạt động để xác minh làm rõ sự việc. Cô giáo trông trẻ cùng chủ nhóm lớp đã đến thăm hỏi, nhận lỗi với gia đình và đưa bé đi khám ở các bệnh viện.

Trẻ bắt chước nội dung xấu trên tivi, điện thoại?

Trả lời Tiền phong, bà Đỗ Thị Hương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên (Bắc Giang) nói rằng, đây là một sự việc đáng tiếc. Theo quy định, lớp luôn phải có 2 giáo viên trông trẻ. Hôm xảy ra sự việc, một cô giáo có việc gia đình nhờ cô còn lại trông và cô đóng cửa đi lấy cơm.

Cũng theo bà Hương, bé trai đánh bạn trong sự việc chỉ khoảng hơn 3 tuổi, có gia cảnh khó khăn. Bình thường, cháu học ở trường công nhưng thứ 7 được gia đình gửi sang nhóm lớp này.

Sau sự việc này, Phòng GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND huyện Việt Yên ra văn bản chỉ đạo chấn chỉnh các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, trong đó tăng cường vai trò chăm sóc, giám sát của giáo viên nhằm đảm bảo sự an toàn cho trẻ.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Đình Sơn (Hội tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng, trẻ đánh bạn khi có cơ hội (không có sự giám sát của giáo viên, bố mẹ) là hiện tượng dễ xảy ra tại độ tuổi lớp mầm (3-4 tuổi). Nguyên nhân là do lỗi hệ thống thiết lập bộ kỷ luật chỉnh lỗi trẻ khi chưa đủ lớn và chưa cụ thể với từng hành vi.

Cụ thể, trong sự việc, cháu bé trai hơn 3 tuổi được học trong trường hệ công lập có sĩ số học sinh đông từ 40-50 cháu nên cô giáo áp hệ thống kỷ luật khá sớm để quản lý. Trong khi đó, ở nhóm lớp/ trường tư có nhóm nhỏ tuổi, trẻ được chăm sóc nhiều hơn, giáo viên áp dụng hệ thống kỷ luật hướng dẫn không quá khắt khe nên trẻ không có khả năng tự bảo vệ.

Thứ 2, bé trai bị thay đổi môi trường từ trường công và sang nhóm trẻ trường tư và chỉ gửi thứ 7. Cháu không quen nhiều bạn ở lớp này và đã có hành động bắt nạt trẻ yếu thế hơn để tạo đường biên an toàn ở môi trường mới. “Về mặt tâm lý ở lớp mầm trẻ em thay đổi theo hai thái cực: có trẻ tỏ ra nhút nhát, thu mình với môi trường xung quanh như sợ, không dám chào người lạ. Còn có một số trẻ hiếu động và tỏ ra bướng bỉnh, hiếu thắng, tấn công người khác để được an toàn”, ông Sơn nói.

Do đó, theo ông Sơn, cha mẹ nên cân nhắc khi gửi con mình sang một môi trường có bộ qui tắc khác nhau. Đối với giáo viên, không nên để trẻ một mình như trong video vì trẻ quá nhỏ có thể đối mặt với nhiều nguy cơ. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ không nên áp dụng quy tắc kỷ luật quá sớm vì các các nước phát triển học sinh tiểu học đủ lớn mới được áp dụng hệ thống này.

Tại buổi tập huấn cho hơn 1.000 giáo viên về việc tư vấn tâm lý cho trẻ khi quay lại trường học, PGS TS Nguyễn Thành Nam (Đại học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội) cảnh báo, việc trẻ bị mắc kẹt ở nhà giới hạn khỏi các hoạt động thường ngày khiến các em gắn chặt thiết bị công nghệ. Hệ quả là tỉ lệ trẻ bị quấy rối, bắt nạt, tiếp xúc nội dung xấu độc trên mạng bao gồm các chất liệu bạo lực. Do đó, khi trẻ tới trường đồng nghĩa thay đổi thói quen, hạn chế hoạt động trong trạng thái bình thường mới cũng gia tăng cảm giác bất an dẫn đến phản ứng cáu kỉnh nóng giận với bạn bè. Tất cả lo lắng và bạo lực dồn nén lại có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi xấu tính, bạo lực với những người khác khi trẻ trở lại trường.

Phim hoạt hình hay các trò chơi kỹ thuật số và các phương tiện truyền thông khác được thiết kế cho trẻ nhỏ có thể chứa nhiều tiếng la hét, đe dọa, thậm chí có những hành động bạo lực như xô đẩy, đánh nhau.

Một số nghiên cứu cho thấy thời gian sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề về hành vi của trẻ khi chúng lớn lên. Một số chuyên gia lo ngại rằng việc sử dụng màn hình cũng cản trở sự phát triển xã hội và cảm xúc của trẻ em.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến khích các phụ huynh không nên xem tivi và các màn hình khác (bao gồm điện thoại, máy tính và máy tính bảng) cho đến khi trẻ được ít nhất 18 tháng sau sinh (ngoại trừ các cuộc trò chuyện video ngắn với người lớn).

Đến khi trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, các phụ huynh hãy giới hạn thời gian sử dụng thiết bị của trẻ không quá một giờ mỗi ngày và chọn phương tiện truyền thông chất lượng cao, phù hợp với lứa tuổi, đặc biệt nếu trẻ có vẻ dễ có hành vi hung hăng thì cần loại bỏ chương trình đó. Bên cạnh đó, các phụ huynh có thể xem các chương trình với trẻ và kiểm tra trẻ khi trẻ chơi trò chơi.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.