Tranh thủ “nọ kia” khi làm luật

Bộ trưởng Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Hà Hùng Cường
TP - Chiều 11/6, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về “có hay không việc cài đặt lợi ích trong việc xây dựng pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết quy trình làm luật rất chặt chẽ, không hoàn toàn lobby, “chạy”  nhưng vẫn có “sự tranh thủ nọ, tranh thủ kia”. 

Trước khi trả lời câu hỏi trực diện về “hậu trường làm luật”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chọn “đường vòng” khi cho rằng  hiện nay theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp được giao thẩm định các loại văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn lại thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ thì giao cho bộ phận pháp chế của các bộ.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu, từ quyết định của Thủ tướng trở lên thì quy trình rất chặt chẽ, từ việc thẩm định, lấy ý kiến, đăng tải trên cổng thông tin điện tử trong vòng 60 ngày. 

Các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện đường lối, chính sách của Đảng và Bộ Tư pháp có vai trò thẩm định, phát biểu ý kiến là dự thảo đó có phù hợp với đường lối chính sách của Đảng hay không.

“Với quy trình như vậy, câu chuyện có cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào các quyết định của Chính phủ trở lên, chúng tôi thấy chưa phải là vấn đề đặt ra. Tuy nhiên vấn đề là đứng từ phía nào để chúng ta nhìn xem có lợi ích nhóm”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường phân tích.

“Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, điều phối nhưng hình như còn nể nang, tôi không dám nói có lợi ích cục bộ, nhưng có tình trạng bộ nào làm luật thì quyền nặng mà trách nhiệm nhẹ cho bộ mình, pháp luật thiếu thống nhất”, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) chất vấn.

“Nếu Bộ trưởng nói không có lợi ích nhóm thì việc trong luật có cài tổ chức bộ máy, các loại quỹ, thủ tục hành chính... là gì?”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng bấm nút, đứng lên hỏi lại.

Trước những câu hỏi này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận “đúng là có chuyện bộ ngành khi xây dựng pháp luật đều mong muốn cài lợi ích của mình vào đó. Thành thật mà nói, có luật không hoàn toàn là lobby hay “chạy” nhưng cũng có sự tranh thủ nọ, tranh thủ kia”.

MỚI - NÓNG