Tranh luận với Giáo sư Ngô Bảo Châu về viết sách giáo khoa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - "Tôi không ủng hộ cách làm theo thông lệ là hai ban độc lập như Giáo sư Ngô Bảo Châu nêu: một bên viết SKG; một bên lập chương trình" - độc giả Lê Quốc Chơn (nghiên cứu sinh tại Pháp) nêu quan điểm xoay quanh chủ đề viết sách giáo khoa.

Quan điểm của bạn đọc về vấn đề này, xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email: online@tienphong.vn

Giáo dục có mục tiêu rõ ràng cần đạt được, và sách giáo khoa (SGK) là phương tiện để đạt được mục đích của giáo dục.  

Vậy trước tiên phải cụ thể rõ ràng mục tiêu của giáo dục là gì, tùy thuộc vào từng cấp học (tiểu học, trung học…) để từ đó đặt ra các khung kiến thức mà SGK cần đáp ứng.

Vì sao phải xác định khung kiến thức?

Có hai lí do cơ bản:

1 - Ở tại thời điểm viết SGK, kiến thức do con người tạo ra là vô cùng rộng lớn nên chỉ có thể xác định được khung kiến thức cơ bản chứ không thể đi đến các chi tiết sâu hơn.

2 - Nhận thức của con người thay đổi, lượng kiến thức tạo ra càng ngày càng nhiều, nên tại thời điểm viết SGK không thể đáp ứng được nhu cầu cập nhật kiến thức trong tương lai.

Vậy lập khung kiến thức vừa xác định được phạm vi kiến thức cơ bản mà học sinh cần đạt được từ đó sẽ lập chương trình SGK phù hợp. Viết SGK sẽ dựa trên khung chương trình này.

Tôi không ủng hộ cách làm theo thông lệ là hai ban độc lập như Giáo sư Ngô Bảo Châu nêu: một bên viết SKG; một bên lập chương trình. Như vậy, sẽ mất nhiều thời gian và rắc rối hơn so với trường hợp khi đã có một khung chương trình chuẩn rồi viết SGK sau cùng. Vì dù sao, SGK cũng phải chỉnh sửa thường xuyên trong quá trình viết cho hoàn chỉnh.

Tại sao không dựa vào SGK của nước ngoài?

Rõ ràng là nền giáo dục của nhiều nước trên thế giới tiên tiến hơn của Việt Nam. Việc tham khảo chương trình dạy học của các nước khác sẽ có ích rất nhiều và đặc biệt tiết kiệm trong việc viết SGK của Việt Nam.

Đối với các môn học như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học…, con người trên toàn thế giới có cùng một nền tảng kiến thức. Vậy tại sao ta không học giống người khác để dễ hội nhập thế giới, mà phải tạo ra cái riêng cho tốn kém.

Đối với một số môn khác như văn, sử, địa… do liên quan văn hóa riêng của Việt Nam nên việc học trong các môn này sẽ có khác nhau chút ít. Điều này sẽ được xác định rõ trong khung chương trình kiến thức trước khi viết SGK.

Tại sao thay đổi SGK?

Thực tế phải nhìn nhận rằng, viết SGK rất tốn kém và gây lãng phí rất lớn của cải của xã hội (chi phí viết sách mới và phải bỏ đi sách cũ, chi phí bồi dưỡng Giáo viên để dạy chương trình mới). Trong khi đó, SGK không thể đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức qua thời gian mà nhiệm vụ cập nhật kiến thức này phải do Giáo viên chịu trách nhiệm cung cấp thường xuyên cho học sinh.

Ví dụ, sách SGK được viết năm 2014 kiến thức chỉ có thể cập nhật đến năm 2014, vậy 10 năm sau 2024 thì SGK này có lạc hậu không? Rõ ràng là không lạc hậu, vì thời gian 10 năm không thể làm lạc hậu lượng kiến thức khổng lồ do lịch sử loài người tạo ra trước đó cả hàng nghìn năm.

Phần cập nhật này phải do giáo viên chịu trách nhiệm, nội dung cập nhật bổ sung có thể được quy định theo thời gian ở cấp quốc gia.

Rõ ràng phương pháp áp dụng thông thường như GS Châu nêu là để đánh giá mức độ lạc hậu của SGK hiện thời, từ đó mới đưa ra các quyết định cuối cùng là chỉnh lý, hay viết mới hoàn toàn.

Viết SGK rất tốn kém và ảnh hưởng lớn đến giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh trên toàn quốc, vì vậy không thể thay đổi sách theo “ngẫu hứng” và một cách “chụp giật” được.

Chỉ viết mới SGK khi sách hiện tại không đáp ứng khung chương trình kiến thức cơ bản. Việc cần làm ngay là nên lập ra khung chương trình kiến thức cơ bản mà SGK cần đáp ứng để từ đó so sánh đối chiếu SGK hiện thời. Rồi đánh giá mức độ lạc hậu hay sai sót của sách, cuối cùng là quyết định có viết SGK mới hay không.

* Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc.

Lê Quốc Chơn
Nghiên cứu sinh tại Pháp

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.