Tranh đất trồng rừng khi mất hết rừng

Tranh đất trồng rừng khi mất hết rừng
TP - Từ tháng 10/2008, 4 Ban quản lý rừng phòng hộ ở huyện Phước Long (Bình Phước) chấm dứt sự tồn tại, cái bàn giao cái giải thể, vì không còn rừng.
Tranh đất trồng rừng khi mất hết rừng ảnh 1
Người dân thôn Bù Gia Phúc II, xã Phú nghĩa không còn đất, phải đi làm thuê

Sau mấy chục năm, mấy vạn héc-ta rừng được giao cho các ban ấy quản lý, nay đã mất sạch. Hậu quả tai hại ngoài khía cạnh kinh tế và môi trường, còn ở khía cạnh xã hội.

Nông dân làm chủ thành người làm thuê

Từ thị trấn Thác Mơ, huyện lỵ Phước Long, có con đường nhỏ đi về hướng Đông Bắc. Con đường rất xấu, uốn lượn giữa vùng đồi núi, hồi nào là rừng đại ngàn, nay 30 - 40 km không còn rừng, chỉ lác đác màu xanh của cao su, điều (đào lộn hột), sắn và cỏ.

Một cán bộ huyện Phước Long giải thích với tôi, mất rừng có nguyên nhân từ nạn di dân tự do. Đó là một thực tế cùng nhiều thực tế khác. Nhưng rừng đã được giao cho các “ban quản lý rừng phòng hộ” quản lý. Không thể đổ mọi trách nhiệm cho kẻ phá rừng, cũng như thủ kho để mất hết tài sản trong kho không thể đổ cho kẻ trộm.

Tuy nhiên, mục đích chuyến đi của tôi không nhằm tìm nguyên nhân mất rừng!

Tôi đến thôn 4 (xã Đắc Ơ), vào nhà già làng Điểu Giấp, người dân tộc S’Tiêng. Xứ đất đỏ nên mọi vật lấm màu đỏ, từ áo quần, chân tay đến vật dụng trong nhà.

Già làng Điểu Giấp năm nay 60 tuổi, kể: Từ đời ông bà nội của ông đã sống tại nơi này. Họ có tục du canh, phát rừng làm rẫy khoảng 3 năm, đất hết màu mỡ thì chuyển sang nơi khác. Tuy nhiên, đi vòng, hơn chục năm sau khi nương rẫy ban đầu tái sinh thành rừng non, họ quay trở lại. Như thế, ít đụng tới rừng già.

Già làng Điểu Giấp có 2 ha đất quanh nhà, từ năm 1981 trồng điều cho thu hoạch khá nên năm 1993 cất được ngôi nhà cột gỗ mái tôn mà tôi đang ngồi hôm nay, thay ngôi nhà lá bao đời.

Năm 2001, ở đất nương rẫy “du canh” rộng 1 ha, thường trỉa ngô lúa, ông cũng trồng điều. Nhiều người trong thôn 4 làm theo ông. Cây điều ở nương rẫy lên xanh tốt, hy vọng đổi đời cho bà con, như sự đền đáp công lao bao năm gian khổ trong chiến tranh xưa kia nuôi dưỡng cán bộ, ủng hộ cách mạng.

Thế nhưng, ngày 15/6/2004 và 4/8/2005, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước có Quyết định số 24 và số 16 phê duyệt thiết kế trồng rừng cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đắc Ơ. Tổng diện tích 87,7 ha, gọi là tiểu khu 47 và 48.

Oái oăm là diện tích này trùm lên nương rẫy của bà con thôn 4. Ban quản lý cho người chặt hết điều của bà con, đem đất “giao khoán” cho nhiều người khác để họ trồng lại… điều, thêm cao su, keo lai. Hàng trăm hộ dân ở thôn 4 “bỗng nhiên” mất đất.

Trớ trêu chưa dừng lại. Đất ấy, sau đó một số người có được đã đem bán lại cho dân thôn 4 hoặc bán kiếm lời. Bà Thị Di bị lấy 0,78 ha đất, mảnh đất rơi vào tay ông Lê Đình Sơn là tài xế Ban quản lý và ngày 29/7/2005, ông Sơn bán 20 triệu đồng cho ông Điểu Liêu, em ruột của bà Thị Di. Ông Điểu Bôn bị lấy 0,3 ha, mảnh đất rơi vào tay ông cán bộ Nguyễn Duy Bình và ông Bình bán cho… ông Điểu Bôn 11,2 triệu đồng.v.v.

“Mất đất sản xuất thì bà con sống bằng gì?” - Tôi hỏi. Già làng Điểu Giấp trả lời: “Đi làm thuê, cả làm thuê cho chủ mới trên đất của chúng tôi”. 12 hộ dân ở thôn Bồ Ka, xã Đắc Ơ, năm 2006 cũng bị lấy 20 ha đất do bà con khai phá sản xuất từ trước năm 1975.

Xã Phú Nghĩa ở bên cạnh, 78 hộ dân ở thôn Bù Gia Phúc II bị lấy 210 ha đất. Nhiều gia đình bị lấy diện tích lớn như ông Điểu Hảo 4,75 ha, ông Điểu Ơi 6 ha, ông Điểu Hải 7,5 ha...

Ở xã Phú Nghĩa, riêng Quyết định số 442 ngày 26/4/2006 của UBND huyện Phước Long lấy đất giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đắc Ơ đã là 882,8 ha. Đất này, sau đó được giao cho nhiều tập thể, cá nhân (chủ yếu là cán bộ và người giàu có ở thị trấn, thị xã) để trồng điều, cao su, keo lai. Hàng trăm hộ dân là chủ cũ, nay làm thuê trên chính đất ấy.

Một khu đất có hơn 200 ngôi mộ bên suối Đắc Rơ Nây, mồ mả tổ tiên của bà con S’Tiêng ở thôn Bù Gia Phúc II, xã Phú Nghĩa, cũng bị lấy để giao cho người khác “trồng rừng”.

Khu đất này, trưởng thôn Bù Gia Phúc II Điểu Thanh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Bùi Tấn Chắc đều xác nhận là khu mộ, nhưng bà con đòi lại từ năm 2006 đến nay chưa được.

Vì an sinh không nên phá vỡ cộng đồng

Tranh đất trồng rừng khi mất hết rừng ảnh 2

Từ cuối năm 2006 đến nay đã có nhiều công văn từ các cấp trung ương gửi tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Phước gửi huyện Phước Long yêu cầu giải quyết nhu cầu bức xúc của hàng trăm hộ dân không còn đất sản xuất. Nhiều cuộc họp được tổ chức.

Kết quả đáng kể nhất là tháng 2/2008 ra đời một danh sách “cấp đất sản xuất” cho 59 hộ ở xã Phú Nghĩa với diện tích 55ha, mỗi hộ 0,5- 1 ha. Tuy nhiên, phần đất này cách nơi ở của bà con 10 – 20 km, nông dân không thể đi làm xa như thế.

Một số đơn khiếu nại của dân cũng được xem xét. Bà Lê Thị Lan ở đội 2, thôn Đắc U, xã Phú Nghĩa, chồng mất, có 5 đứa con, cuộc sống nghèo khổ. Khi chồng còn sống, năm 2001 vợ chồng bà mua của một người dân 3 ha đất trồng điều.

Năm 2005, bà mướn thêm 1 ha đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Đắc Ơ để trồng lúa, màu. Sau đó, Ban quản lý lấy lại 1 ha đất cho mượn và “cưỡng chế” luôn 3 ha kia đem giao cho cán bộ.

Bà Lan khiếu nại đòi 3 ha đất của mình. Ngày 14/5/2008 UBND huyện Phước Long có quyết định và ngày 19/9/2008 UBND tỉnh Bình Phước có quyết định đều bác đơn của bà Lan với lý do “đất mượn phải trả”. Bà Lan văn hóa lớp 1, chỉ biết ôm mặt khóc.

Rõ ràng, cách giải quyết như thế chưa mang lại kết quả mong muốn. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay: Sự yên dân. Để yên dân, phải trả lời hai câu hỏi: Việc thu hồi đất trước kia đúng chưa? Bây giờ cấp đất sản xuất cho dân như thế nào?

Tôi đến Thanh tra huyện Phước Long, cơ quan tham mưu cho huyện giải quyết vụ này, gặp bà Chánh thanh tra Trần Thị Loan. Bà Loan giải thích: Theo quy định, đất đã sản xuất trước năm 2004, trước khi có quyết định phê duyệt trồng lại rừng, phải đền bù. Nên phải xem lại cả quá trình từ kiểm kê đến thu hồi đã đúng chưa? Có đơn vị nào không được giao đất mà cũng nhảy vào lấy đất của dân hay không? Có cán bộ trục lợi không?

Tôi hỏi: “Việc này liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Ban quản lý rừng phòng hộ Đắc Ơ mà Ban này hiện không còn?”. Bà Loan trả lời: Chính quyền phải đứng ra giải quyết. Thanh tra huyện đang đề nghị Chủ tịch UBND huyện đối thoại trực tiếp với dân, có mặt các đơn vị, cá nhân đang sử dụng đất để làm sáng tỏ mọi chuyện. Ngay cả đơn tố cáo của dân là bị các doanh nghiệp đổ dầu xuống giếng nước, đốt nhà để buộc ra đi cũng phải làm rõ.

Có thể thấy, mọi phức tạp bắt đầu từ việc giao rừng cho những người thiếu trách nhiệm quản lý, khi đã mất hết rừng lại giao việc tổ chức trồng lại rừng cho chính những người đó. “Lươn đi để nhớt cho rổ”, bây giờ chính quyền địa phương phải đứng ra giải quyết hậu quả.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận nguyên nhân sâu xa hơn khi đặt câu hỏi: Phê duyệt quy hoạch và kế hoạch trồng lại rừng nơi đang có đông dân cư sản xuất, sinh sống tại sao giống như ở nơi đất hoang?

Quy hoạch tái thiết là quy hoạch phát triển trên nền tảng đã có cộng đồng dân cư sinh sống. Nguyên tắc hàng đầu ở đây: Không được phá vỡ cộng đồng sinh tồn, xâm hại phong tục tập quán nhân dân bản địa. Nếu khác đi, dứt khoát gây xáo trộn xã hội, tốn kém rất lớn.

Quan trọng hơn, chỉ khi có sự đồng thuận của cộng đồng mới đảm bảo sự thành công các chương trình tái thiết.

Một cán bộ huyện giải thích với tôi, đất cũ của bà con đã có “chủ mới” nên phải cấp đất sản xuất cho bà con ở xa, còn có thể lập thêm khu tái định cư. Nhưng bà con có chấp nhận một cuộc di chuyển ồ ạt hàng trăm hộ dân vào núi đồi xa xôi hơn nữa hay không và tại sao không đưa “chủ mới” vào vùng đất mới?

Bà con bị “thu hồi đất” ở xã Đắc Ơ, Phú Nghĩa đang đề nghị nhận lại đất cũ, chỉ cách nơi ở 2 – 3 km, để trồng rừng theo quy hoạch và bỏ qua mọi rối rắm của quá khứ.

MỚI - NÓNG