Tranh cãi vì cảnh sát Mỹ dùng robot đánh bom nghi phạm

Cảnh sát hôm qua gác bên ngoài trụ sở Sở Cảnh sát Dallas sau khi họ nhận được lời đe dọa tấn công. Ảnh: EPA.
Cảnh sát hôm qua gác bên ngoài trụ sở Sở Cảnh sát Dallas sau khi họ nhận được lời đe dọa tấn công. Ảnh: EPA.
TP - Việc cảnh sát ở thành phố Dallas dùng robot mang chất nổ để tiêu diệt tay súng bắn tỉa là chưa có tiền lệ, làm dấy lên tranh cãi về vấn đề sử dụng phương tiện không người lái chống lại nghi phạm. Hiện nay, biểu tình chống phân biệt chủng tộc lan ra nhiều thành phố của Mỹ.

Trong cuộc biểu tình phản đối tình trạng cảnh sát quá bạo lực, phân biệt chủng tộc ở Dallas thứ Năm tuần trước, một tay súng bắn tỉa tấn công cảnh sát. Cảnh sát dồn nghi phạm Micah Johnson vào góc một tầng gửi xe lúc 11h tối hôm đó. Khi chuyên gia đàm phán đang cố gắng nói chuyện với nghi phạm thì có tin 5 sĩ quan cảnh sát bị tay súng bắn tỉa hạ gục. 

Cuộc đàm phán dừng lại, đấu súng nổ ra giữa cảnh sát và nghi phạm. Đến khoảng 3h sáng hôm sau, cảnh sát thông báo tay súng bắn tỉa đã chết. Sáng hôm đó, khi giới chức thành phố tổ chức họp báo, cái chết của Johnson mới được làm rõ. Anh ta bị tiêu diệt bởi chất nổ do robot điều khiển từ xa quăng ra.

Trong cuộc họp báo, cảnh sát trưởng Dallas, ông David Brown, nói rằng, cảnh sát không có lựa chọn nào khác mà phải dùng robot mang bom và đặt một thiết bị trong cánh tay nối dài để nó kích hoạt bom ở chỗ của nghi phạm. Các chuyên gia cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử thực thi pháp luật của Mỹ, robot được sử dụng để tiêu diệt nghi phạm. 

Trong khi máy bay không người lái được sử dụng rộng rãi để tiêu diệt mục tiêu quân sự khắp toàn cầu, sự xuất hiện của robot giết người trên đất Mỹ lại làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc sử dụng công nghệ này. “Chúng tôi sử dụng máy bay không người lái để tiêu diệt các mục tiêu ở nước ngoài, và giờ chúng ta thấy cảnh sát sử dụng robot để tiêu diệt ai đó trên đất Mỹ, và điều đó khiến mọi người chú ý”, Christian Science Monitor dẫn lời ông Peter Asaro - giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Trường New School (Mỹ).

Tranh cãi về cái chết của Johnson tập trung vào vấn đề quân sự hóa cảnh sát và lý do tại sao loại robot đó trở thành xu hướng của lực lượng thực thi pháp luật. Câu hỏi đó là vấn đề trung tâm của phong trào đấu tranh mang tên Black Lives Matter (nghĩa là “cuộc sống của những người da màu cũng có ý nghĩa”). Phong trào này trở nên mạnh mẽ hơn trong các cuộc đấu tranh phản đối cảnh sát bắn chết thanh niên da màu Michael Brown ở thành phố Ferguson.

Tranh cãi vì cảnh sát Mỹ dùng robot đánh bom nghi phạm ảnh 1

Loại robot mang bom tương tự loại cảnh sát Dallas dùng để tiêu diệt nghi phạm. Ảnh: Guardian.

Các thiết bị quân sự, bao gồm robot đánh bom, đang trở nên phổ biến trong lực lượng cảnh sát nội địa nhờ Chương trình 1033 của chính phủ Mỹ cho phép một số thiết bị quân sự được sử dụng cho các lực lượng thực thi pháp luật trong nước. 

Dẫn dữ liệu của cơ quan hậu cần quân sự thuộc Lầu Năm Góc, Trung tâm Nghiên cứu máy bay không người lái tại ĐH Bard (Mỹ) nói rằng, 201 cơ quan thực thi pháp luật đã được trang bị ít nhất 1 robot ném bom. Sử dụng công nghệ robot đã trở thành cách phổ biến để lực lượng thực thi pháp luật giành thế chủ động trong các vụ bắt giữ con tin, đánh bom và tình huống có chướng ngại vật.

GS Joseph Pollini, giảng viên ĐH Tư pháp hình sự John Jay (Mỹ), cựu chuyên gia đàm phán với tội phạm, cho biết, robot giúp giảm nguy cơ mà cảnh sát phải đối mặt, nhất là ở những nơi có bom. “Nếu dùng được robot thì họ sẽ dùng robot trước rồi mới cử chuyên gia kỹ thuật vào”, GS Pollini cho biết. Nhưng chuyên gia này tỏ ra ngạc nhiên khi nghe tin robot được sử dụng để đánh bom. “Trong suốt thời gian làm việc của mình, tôi chưa từng nghe chuyện dùng thiết bị đánh bom để kết liễu ai đó”, ông nói.

Thiết bị được sử dụng ở trung tâm Dallas là robot thả bom được cảnh sát gắn chất nổ C4 để mang đến vị trí của đối tượng. “Đây là vụ việc rất khác biệt, nên chúng ta không cần phải nhìn nhận nó như một hình mẫu”, GS Asaro ở Trường New School nói. “Có mối quan ngại rất lớn về việc vũ khí hóa các loại robot, khi những công nghệ này ngày càng phức tạp và tự chủ hơn, dễ gắn các loại vũ khí hơn”, GS Asaro nói. 

Học giả này cho rằng, cảnh sát rất có thể sẽ tiếp tục tận dụng công nghệ không người lái cho nhiều mục đích, cho dù gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng, việc sử dụng robot đánh bom sẽ khiến lực lượng thực thi pháp luật ỷ vào, thậm chí lạm dụng công nghệ, dẫn tới lạm sát. Thay vì tiếp tục thương lượng, cảnh sát lại nhanh chóng kết liễu cuộc sống của nghi phạm. Chưa kể việc đánh bom dễ dẫn tới nhiều tác dụng phụ, như cháy nổ khó kiểm soát.

Biểu tình lan rộng

Các cuộc biểu tình đang lan ra nhiều thành phố ở Mỹ để phản đối việc cảnh sát bắn chết người da màu, sau khi xảy ra hai vụ việc ở bang Minnesota và bang Louisiana. 

Tại thành phố Baton Rouge, bang Louisiana, các thành viên của đảng Báo đen mới đối đầu cảnh sát. Hàng chục người đã bị bắt nhưng các cuộc biểu tình vẫn được duy trì.

Tại thành phố St Paul, bang Minnesota, người biểu tình ném pháo nổ, gạch đá, chai lọ vào cảnh sát khi họ bị chặn ở đường cao tốc liên bang, gây ra tình trạng tắc nghẽn. Cảnh sát cho biết, một số sĩ quan đã bị thương do pháo nổ và nhiều người biểu tình đã bị bắt. 

Còn người biểu tình tố cáo cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su vào họ. Tại Baton Rouge, vài trăm người biểu tình tụ tập ngoài trụ sở cảnh sát để hô khẩu hiệu: “Không công lý! Không hòa bình” và cũng tụ tập tại cửa hàng tiện lợi nơi thanh niên da màu Alton Sterling bị bắn mới đây, CNN đưa tin.

MỚI - NÓNG