Bên trên tầng lầu vào đề thi Ngữ văn
Dư luận ồn ào về đề thi của kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn ngày 1/3/2023 của tỉnh Hậu Giang. Cụ thể, đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn của tỉnh Hậu Giang trích hai câu hát trong ca khúc Bên trên tầng lầu (Tăng Duy Tân): Em ơi đừng khóc bóng tối trước mắt sẽ bắt em đi/ Em ơi đừng lo em ơi đừng cho tương lai vụt tắt.
Bài hát Bên trên tầng lầu của Tăng Duy Tân xuất hiện trong đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn của tỉnh Hậu Giang. |
Bài hát này luôn đứng trong vị trí top xu hướng và xuất hiện ở nhiều nền tảng mạng xã hội trong năm 2022. Đề thi yêu cầu học sinh “Trình bày suy nghĩ của em về bài học cuộc sống mà em tâm đắc nhất được gợi ra từ những lời hát trên”.
Những năm gần đây, việc đưa nhạc trẻ vào trong đề thi môn Ngữ văn thay vì những trích đoạn từ những tác phẩm văn học nổi tiếng không còn quá xa lạ. Nhưng đề thi trích lời bài hát Bên trên tầng lầu đang nhận nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng.
Nhiều người bình luận rằng đề thi lựa chọn lời bài hát Bên trên tầng lầu là không phù hợp: “Có rất nhiều bài hay sao lại lấy bài này nhỉ, mình thấy lời với nhạc nó bắt tai thôi chứ ý nghĩ nó không sâu lắm để đến mức phân tích”, hoặc “Vớ vẩn thật sự, có thiếu tác phẩm văn học để phân tích đâu mà đi phân tích ba cái nhạc thị trường này?”.
Cô Thanh Hoài Thanh, cựu giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ mong muốn có thêm nhiều địa phương đưa nhạc trẻ vào đề thi. Cô mong muốn nhiều tỉnh sẽ đưa được lời bài hát vào đề thi, không chỉ đưa ca dao, tục ngữ…
“Âm nhạc và nhạc trẻ sẽ khiến cho những bạn học sinh trong xã hội bây giờ dễ dàng bắt nhịp, cảm nhận và đưa ra cảm xúc phù hợp với thời đại. Nhưng với hai câu hát được đưa vào đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn ở tỉnh Hậu Giang, tôi thấy chưa phù hợp. Để nói được những ví dụ về đời sống và xã hội, giáo viên cũng cần phải đưa ra những câu văn đầy đủ, ý nghĩa sâu sắc tạo cho học sinh tư tưởng, nhận thức", giáo viên Hoài Thanh nhận định.
Cân nhắc đưa nhạc trẻ vào đề thi
Trước đó, lời bài hát Lạc trôi của Sơn Tùng MTP, Đom đóm của Jack được đưa vào đề thi môn Ngữ văn cũng khiến cộng đồng mạng dậy sóng, cho rằng ý nghĩa của những ca khúc trên không đủ giá trị để học sinh cảm nhận và phân tích.
Bài hát Đom đóm và Lạc trôi từng xuất hiện trên đề thi. |
Cô Đặng Phương Thảo, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Hồng Bàng (Hải Phòng) chia sẻ với Tiền Phong: “Việc đưa lời bài hát vào đề thi, nhất là những bài hát nhạc trẻ được yêu thích là một trong những cách đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận đời sống thực tế. Tuy nhiên, việc lựa chọn lời bài hát để đưa vào đề thi cần phải đảm bảo những yêu cầu cơ bản: tính khoa học, tính giáo dục, tính thời sự, tính thẩm mỹ, tính thử thách".
Giáo viên Đặng Phương Thảo cho rằng lời bài hát trong đề thi học sinh giỏi tỉnh Hậu Giang chưa đáp ứng được các yêu cầu trên, cả về nội dung và hình thức.
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên nêu quan điểm cần tìm hiểu rõ đề thi hướng tới việc phân tích tác phẩm văn học nghệ thuật, hay bình luận về hiện tượng thời sự, xã hội. Nếu mục tiêu là phân tích tác phẩm, cần rất thận trọng khi lựa chọn. Bởi một tác phẩm có giá trị phải được thẩm định kỹ lưỡng trước khi giới thiệu với học sinh.
Chi Pu - nhân vật giải trí nhiều tranh cãi từng xuất hiện trong đề bài môn Ngữ văn của học sinh. |
"Việc sử dụng những tác phẩm không có giá trị văn học trong bài học, bài thi môn văn sẽ không mang lại ý nghĩa giáo dục. Tuy nhiên nếu mục tiêu của bài thi là nêu quan điểm về các hiện tượng, vấn đề thời sự trong đời sống văn hóa, nghệ thuật, việc học sinh được bình luận, bày tỏ ý kiến trước các vấn đề đương đại cũng là một cách tích cực giúp các em làm sắc sảo thêm kỹ năng tư duy phản biện", chuyên gia cho biết.
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cũng khuyến cáo đề thi, bài học cần phải có mục tiêu giáo dục rõ ràng. Việc liên hệ bài học tới những vấn đề thời sự là một trong những cách thức để tạo sự cuốn hút với học sinh, cho các em không gian sáng tạo, nhưng nếu lạm dụng những vấn đề còn tranh cãi thay vì những giá trị đã được công nhận, giáo viên sẽ khiến học sinh lạc lối, và mục tiêu giáo dục hoàn toàn không đạt được.