Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, sau khi TPP có hiệu lực, thuế của các mặt hàng nông lâm thủy đã giảm hơn 90%, có mặt hàng về 0%; và một thời gian ngắn nữa về 0% toàn bộ.
Có những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như thủy sản, đồ gỗ. Chẳng hạn, đồ gỗ Việt Nam xuất sang Mỹ chiếm tới gần 40%, vào Nhật 19%; thủy sản vào Mỹ tới 19%, vào Nhật 16%... “Khi thuế xuống 0%, chúng ta sẽ có lợi thế lớn, nhất là những nước có những mặt hàng tương đồng như thủy sản của Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc”- ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, Việt Nam cũng có cơ hội thu hút đầu tư từ những nước thành viên của TPP, nhất là nông nghiệp đang “đói” vốn. Thực tế, đến cuối 2014, các dự án FDI lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 3,43% số DN FDI đầu tư vào Việt Nam; vốn cam kết chỉ hơn 3,3 tỷ USD, chiếm 1,4% số vốn cam kết FDI vào nước ta. Ngoài ra, TPP sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là đưa công nghệ mới, đổi mới quản lý.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, với một nền nông nghiệp còn sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình sẽ là bất lợi lớn với nước ta khi tham gia vào TPP. Đến cuối năm 2014, nước ta chỉ khoảng 3.500 DN trong nông nghiệp, chiếm 1,01% số DN cả nước, chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ (số DN có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65%), nên rất khó cạnh tranh.
Do vậy, TPP đặt DN trước áp lực mới, nếu không linh hoạt, không chuyển đổi sẽ phá sản. Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu duy trì sản xuất, chất lượng sản phẩm, công nghệ, quản lý như hiện nay, như ngành chăn nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, để “trụ” được, ngành chăn nuôi phải đi theo chuỗi, trong đó DN là trọng tâm, liên kết với hợp tác xã, hộ chăn nuôi, đảm bảo có sản phẩm chăn nuôi có thể cạnh tranh.
Hiện tổng đàn lợn của Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về đầu con và sản lượng; vịt đứng thứ 2 thế giới về đầu con và sản lượng. Việt Nam cần hạn chế đầu vào, chính là thức ăn chăn nuôi, vì hiện hầu hết các nguyên liệu đều phải nhập khẩu.
“Chúng ta cần chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây nguyên liệu phục vụ chăn nuôi; chủ động sản xuất một số loại thức ăn bổ sung. Hiện ở Mỹ, giá thành chăn nuôi lợn khoảng 28-32 nghìn đồng/kg, nhưng ta tới 40 nghìn đồng/kg. Làm sao, giá cám của Việt Nam phải ở mức trung bình của 12 nước, thì chúng ta mới cạnh tranh được”, ông Dương chỉ rõ.