TPHCM kiến nghị tiếp tục chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TPHCM kiến nghị tiếp tục cho phép áp dụng chính sách chi thu nhập tăng thêm, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nên áp dụng mức tăng thêm 1,2 lần, tránh mức chênh lệch quá cao.
TPHCM kiến nghị tiếp tục chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan

Ngày 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho thành phố...

Liên quan đến kinh phí chi thu nhập tăng thêm, theo báo cáo của thành phố: năm 2018 chi là 2.816 tỷ đồng (khối thành phố: 1.148 tỷ đồng và khối quận - huyện: 1.668 tỷ đồng); năm 2019 là 7.637 tỷ đồng (khối thành phố là 3.029 tỷ đồng và khối quận - huyện là 4.608 tỷ đồng); năm 2020 là 4.265 tỷ đồng (khối thành phố là 1.903 tỷ đồng và khối quận - huyện là 2.362 tỷ đồng); năm 2021 là 6.811 tỷ đồng (khối thành phố là 3.032 tỷ đồng và khối quận - huyện là 3.779 tỷ đồng).

Trong thời gian tới, TPHCM kiến nghị tiếp tục cho phép áp dụng chính sách chi thu nhập tăng thêm, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, thu hẹp khoảng cách về tiền lương giữa khu vực công với khu vực tư nhân. Thành phố sẽ bổ sung một số giải pháp đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng quý, hàng năm, đảm bảo việc thực hiện khách quan, công khai, minh bạch.

Về chính sách thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt, tuy mới đạt được kết quả bước đầu, nhưng thành phố cho rằng, chính sách trên có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm. Do vậy, thành phố kiến nghị tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Thẩm tra, Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho biết, TPHCM đã cơ bản thực tốt một số cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức và con người: Tăng cường phân cấp, cơ chế ủy quyền; chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tạo lập cơ chế thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt.

Theo báo cáo, thành phố chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc, theo đó năm 2018 tăng 0,6 lần, năm 2019 tăng 1,2 lần và năm 2020 tăng 1,8 lần.

Thường trực Ủy ban cho rằng, mặc dù mức tăng chưa cao song đã góp phần cải thiện đời sống của cán bộ; chất lượng công tác quản lý nhà nước và dịch vụ công được nâng cao, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được cải thiện.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo Nghị quyết, thu nhập tăng thêm tại thành phố không quá 1,8 lần, trong khi một số tỉnh, thành khác như Hải Phòng, Cần Thơ, thu nhập tăng thêm quy định 0,8 lần. Vậy tiếp tục thực hiện mức theo mức nào? Theo ông, đây là nghị quyết thí điểm, nên TPHCM áp dụng mức 1,2 lần, tránh mức chênh quá lớn.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đã chuẩn bị một Nghị quyết mới trình Quốc hội. Lý giải về những hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, ông Hoan cho biết, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Có những việc đã được nêu rõ trong Nghị quyết nhưng việc triển khai trong thực tế không đơn giản, có những nội dung còn vướng với các quy định của Luật Đầu tư; chậm có phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Hiện tại, thành phố đã chuẩn bị một Nghị quyết mới trình Quốc hội với những nội dung mở rộng và toàn diện hơn. Ông Hoan mong muốn nhận được sự ủng hộ và góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo điều kiện để TPHCM phát triển và có nhiều nguồn thu hơn, để đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

MỚI - NÓNG