Cơ chế kinh doanh minh bạch
Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, biện pháp đầu tiên để TPHCM phát triển là cần có cơ chế quản lý kinh doanh minh bạch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp được đầu tư, thuận lợi làm ăn, mua bán... Cơ chế đó phải gắn liền với hành lang pháp lý rộng rãi, bộ máy vận hành pháp luật trơn tru, nhân sự có năng lực, trình độ, đạo đức, luôn có tinh thần học hỏi, cầu tiến…
Hạ tầng của thành phố vẫn còn nhiều hạn chế như chật chội, chưa đủ điều kiện kinh doanh, cảng biển, đường sá, nơi tổ chức hội chợ, trung tâm mua sắm lớn cũng chưa được đầu tư đúng mức… Đây chính là những lý do hạn chế việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.
Đột phá nguồn nhân lực
Theo Tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ - chuyên gia kinh tế cấp cao, TPHCM là đô thị lớn thứ 2 của cả nước nên cần có cơ chế đặc thù để phát triển mạnh cả về cơ chế tài chính, quyền tự quyết có liên quan đến các dự án. Cùng với đó là phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đô thị cho thành phố. Vấn đề xây dựng hệ thống chính quyền không chỉ là về hệ thống tổ chức bộ máy đơn thuần mà vấn đề cốt lõi là xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, công chức có tính chuyên nghiệp, tận tâm, tận lực. Bước đột phá đó là có cơ chế riêng để thu hút nhân tài, mời các chuyên gia cao cấp để tư vấn, nghiên cứu; có chế độ đãi ngộ đặc biệt thì mới có thể thu hút và giữ chân nhân tài lâu dài.
Chính quyền chăm lo người dân
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế cấp cao, cho rằng, thành phố đáng sống là nơi đó, người dân phải có công ăn việc làm, có môi trường để họ phát huy khả năng của bản thân. Muốn giữ được vị thế “Hòn ngọc Viễn Đông”, nhiều vấn đề đặt ra hiện nay như hạ tầng cần thay đổi nhanh chóng hơn nữa. Hệ thống giao thông thành phố cũng cần thay đổi, chất lượng sống cần phải nâng cao; các doanh nghiệp được tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi; hạn chế thủ tục hành chính rườm rà; nhà nước chăm lo đến các vấn đề lợi ích của người dân, chăm lo an sinh xã hội…