TPHCM cần ít nhất 10 nhân viên y tế/20.000 dân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng 13/2, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề “Y tế cơ sở - Sức khỏe cộng đồng”. Đại diện Sở Y tế TPHCM và các sở, ngành liên quan cho biết, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, ứng phó dịch bệnh trong tương lai, cần cơ cấu lại trạm y tế, bảo đảm ít nhất 10 nhân viên y tế/20.000 dân.
TPHCM cần ít nhất 10 nhân viên y tế/20.000 dân ảnh 1

Nhân sự của trạm y tế quá mỏng, nhưng đang phải gánh nhiều việc. Ảnh: Phạm Nguyễn

Đây là số thứ 2 của chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với sự tham dự của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức và đại diện nhiều sở, ngành của thành phố.

Thông tin đến cộng đồng về thực trạng hoạt động của các trạm y tế trong tình hình mới, BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết, y tế cơ sở đã dần khôi phục các chức năng thường quy như trước, với khối lượng công việc rất lớn. Ngoài việc tiếp tục các hoạt động phòng chống dịch COVID-19, mỗi cơ sở y tế phải đảm đương 19 chương trình mục tiêu quốc gia, từ sức khoẻ sinh sản, trẻ em đến chương trình y tế đặc thù như lao, HIV...

Theo bác sĩ Dũng, với quy định hiện nay, mỗi trạm y tế chỉ có 5 - 10 nhân viên, không thể đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe của người dân. Số lượng nhân viên y tế hiện hữu chỉ phù hợp với địa bàn phường xã có 6.000 - 20.000 dân, trong khi tại TPHCM, hầu hết các địa phương có số dân trên 50.000.

Khối lượng công việc quá nhiều trong khi nhân sự biên chế còn hạn hẹp đang là trở ngại lớn khiến y tế cơ sở phải tăng ca trực gác, một người đảm đương nhiều chức năng, nhiệm vụ. Đại diện ngành y tế TPHCM đề xuất thành phố cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực về làm việc tại y tế cơ sở. “Đây là vấn đề thể hiện sự quá tải và là điểm yếu của y tế cơ sở mà chúng ta cần quan tâm, đầu tư. Từ đó tăng cường, bổ sung cơ chế chính sách đặc thù để y tế cơ sở đảm đương được công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân” - BS Anh Dũng nói.

Duy trì mô hình trung tâm y tế lưu động

Trước tình hình trên, ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, thông tin, thành phố đã nghiên cứu và đề xuất các bộ, ngành liên quan theo hướng mỗi trạm y tế có ít nhất 10 nhân viên y tế/20.000 dân, thêm 2.000 - 3.000 dân thì bổ sung 1 nhân viên y tế để phù hợp với mật độ, cơ cấu dân số của từng địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục duy trì mô hình trung tâm y tế lưu động, đề xuất chế độ, chính sách để thu hút nguồn nhân lực tham gia công tác tại y tế cơ sở.

Ông Dũng cho biết, ngành y tế thành phố đang triển khai các mô hình như: phòng khám vệ tinh, phòng khám gia đình, luân phiên bác sĩ, chẩn đoán từ xa tại các trạm y tế để thu hút người dân đến khám chữa bệnh. Tại trạm y tế hiện nay các loại hình được Nhà nước chi trả bao gồm: khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu (được thanh toán hưởng 100%) và các loại hình thuộc y tế dự phòng (thanh toán theo quy định của Bộ Y tế, BHYT).

Bảo hiểm Xã hội TPHCM đang triển khai khám bảo hiểm y tế ở 178 trạm y tế, chiếm hơn 60% tổng số trạm y tế trên địa bàn. Số thẻ đăng ký hiện nay là hơn 9.000/8,2 triệu thẻ đã phát hành (chiếm 0,1%). Theo thống kê của năm 2021, số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm tại trạm y tế chỉ có 114.000 lượt, chiếm tỷ lệ 0,9%, đây là con số rất thấp.

MỚI - NÓNG