Bà Nguyễn Phương Hằng được triệu tập đến phiên tòa phúc thẩm dù không kháng cáo
TAND cấp cao tại TPHCM vừa ban hành quyết định đưa vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương) và các đồng phạm ra xét xử phúc thẩm vào chiều ngày 11/3 tới đây.
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng tại phiên tòa sơ thẩm tháng 9/2023. |
Trước đó, xử sơ thẩm vào ngày 21/9/2023, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Cùng tội danh trên, bị cáo Đặng Anh Quân bị tuyên phạt 30 tháng tù; các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân cùng bị phạt 18 tháng tù.
Sau khi có bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo, chấp nhận hình phạt án sơ thẩm đã tuyên. Các bị cáo Quân, Tân, Nhi, Hà có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng mức án mà TAND TPHCM đã tuyên đối với các bị cáo là quá nặng.
Cháy nhà làm 4 người chết tại TPHCM
Ngày 18/2, Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, Công an quận 10 vẫn đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TPHCM điều tra nguyên nhân vụ cháy nhà làm 4 người tử vong lúc 3h48 ngày 17/2, tại căn nhà trong hẻm 623 Cách Mạng Tháng Tám, phường 15, quận 10.
Thời điểm xảy ra cháy, 3 người sinh sống ở tầng trệt trong căn nhà đã tự thoát ra ngoài an toàn, 4 người sinh sống ở tầng trên tử vong. Các nạn nhân tử vong gồm: ông L.H.D (56 tuổi), bà L.T.H.T (47 tuổi, em ông D), bà N.T.H.X (46 tuổi, em dâu ông D) và ông T.Q.C (38 tuổi, bạn em của bà T).
Hai căn nhà liền kề hư hỏng sau vụ cháy. Ảnh: H.T. |
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu chính quyền địa phương phải tạo điều kiện tối đa cho người nhà các nạn nhân trong vụ cháy sớm ổn định cuộc sống.
Nguyên nhân bé gái hơn 1 tuổi tử vong sau khi gửi trẻ
Công an quận 12 (TPHCM) đang điều tra vụ bé gái hơn 1 tuổi tử vong xảy ra trên địa bàn. Vụ việc xảy ra tại căn nhà nằm trong hẻm trên đường Nguyễn Thị Đặng, (phường Tân Thới Hiệp, quận 12).
Căn nhà xảy ra vụ việc được chắn bởi dụng cụ phơi áo quần. Ảnh: Hoàng Thuận. |
Theo người dân địa phương, vợ chồng bà P. (36 tuổi) thuê căn nhà trên và sinh sống cùng với 2 người con. Hàng ngày, bà P. nhận trông giữ, chăm sóc cho khoảng 5 bé là con của các công nhân ở gần đó.
Chiều 21/2, bà P. phát hiện bé gái T.N (14 tháng tuổi) có biểu hiện nôn ói nên cùng với người dân xung quanh nhanh chóng đưa bé vào bệnh viện cấp cứu nhưng cháu không qua khỏi. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định bé gái tử vong do bệnh lý.
Nắng nóng gay gắt ở Nam bộ kéo dài đến khi nào?
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, mùa nắng nóng năm 2024 có mức độ gay gắt không thua kém năm 2023 với nhiệt độ cao nhất ở khu vực trung tâm TPHCM có thể lên tới 38 - 39 độ C.
Cụ thể, vào tháng 3, nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm. Có nhiều đợt nắng nóng diện rộng, mức nhiệt 37 độ C sẽ xuất hiện trong một vài ngày. Số ngày có nắng nóng phổ biến từ 10 - 15 ngày ở khu vực trung tâm thành phố.
Đến tháng 4, nhiệt độ trung bình tiếp tục duy trì cao hơn trung bình nhiều năm. Nhiều đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất 35 - 38 độ C và trên 38 độ C. Thời điểm này, có 15 - 20 ngày nắng nóng diện rộng ở khu vực trung tâm thành phố. Đến tháng 5, vẫn còn một vài đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất 35 - 37 độ C.
Bà Trương Mỹ Lan cùng nhiều bị cáo được di lý vào TPHCM, chuẩn bị ra tòa
Cơ quan chức năng đã di lý bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và một số bị cáo đang bị tạm giam tại một số nhà tạm giữ, tạm giam của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng vào TPHCM để chuẩn bị cho phiên xét xử sơ thẩm sắp tới của TAND TPHCM.
Bà Trương Mỹ Lan (bìa trái) và các bị cáo trong vụ án. |
Hiện tại, 81/86 bị cáo đang có mặt tại TPHCM. 5 bị cáo còn lại đang trốn truy nã và sẽ bị xét xử vắng mặt. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thu giữ nhiều sổ cổ đông, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần và nhiều vật chứng khác, trong đó có 1.577 sổ đỏ. Số tang vật này Viện Kiểm sát quyết định chuyển cho Cục Thi hành án dân sự TPHCM tạm giữ.
Sở TT&TT TPHCM nói về vụ Nam Em livestream gây ồn ào
Chiều 22/2, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã đề cập đến vụ Nam Em livestream với những phát ngôn gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi cho biết: "Chúng tôi đã lên kế hoạch và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng kiên quyết xử lý những trường hợp lợi dụng mạng xã hội để thu hút người theo dõi, dư luận bằng những hành vi lệch chuẩn. Mọi người phải ứng xử đúng mực trên không gian mạng”.
Trả lời câu hỏi của PV: "Sở Thông tin và Truyền thông đã nhận diện được những hành vi vi phạm nào của Nam Em khi livestream?", ông Nguyễn Ngọc Hồi nói: "Muốn xác định hành vi vi phạm phải có một quy trình và sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng liên quan. Khi nào có thông tin mới, chúng tôi sẽ cung cấp cho các cơ quan truyền thông".
Kiểm lâm truy tìm con khỉ cắn 4 người dân ở TPHCM
Ngày 23/2, Chi cục Kiểm lâm TPHCM đang phối hợp với cơ quan chức năng phường Thạnh Lộc (quận 12) bắt con khỉ quậy phá, tấn công 4 người dân trên địa bàn.
Theo người dân, trước Tết Nguyên đán, một con khỉ đực nặng khoảng 12 kg xuất hiện tại khu vực đường TL29, phường Thạnh Lộc, quận 12. Con vật thường leo lên mái nhà, cây xanh tìm thức ăn.
Ngày mùng 3 Tết (12/2), con khỉ chạy vào nhà ông Hoàng Nghĩa Cảnh (45 tuổi, ngụ quận 12) lục tìm thức ăn. Khi vợ ông Cảnh xua đuổi, con khỉ lao tới cào vào tay bà. 5 ngày sau, con khỉ cũng cắn vào chân bà Nguyễn Thị Thoan (58 tuổi) gây chảy máu khi đang được bà cho ăn trái cây.
"Sau khi bị khỉ cắn, chân tôi sưng lên, phải đi bệnh viện chích thuốc ngừa 1 triệu đồng", bà Thoan nói. Hai người khác ở địa phương cũng bị khỉ cắn phải đến bệnh viện chích ngừa.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, lực lượng kiểm lâm đã đến khu vực này tìm con khỉ. Tuy nhiên, hai ngày trôi qua, lực lượng kiểm lâm vẫn chưa tìm thấy con vật.
TPHCM kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích
UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Theo kế hoạch, TPHCM sẽ kiểm tra các di tích lịch sử - văn hóa đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Thời kỳ kiểm tra là trong năm 2023. Các đơn vị sẽ kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích.
Bốc hơn 1.800 ngôi mộ tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa
Việc bốc mộ tập trung đối với hơn 1.800 ngôi mộ thuộc dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa giai đoạn 1 đã được UBND quận Bình Tân bắt đầu thực hiện.
Trong thời gian chờ xây dựng Nhà lưu giữ tro cốt phục vụ cho dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa, tro cốt các ngôi mộ bốc tập trung được lưu giữ tại Văn phòng quản lý Nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Nơi đây được quản lý, chăm sóc trang nghiêm, có phần mềm quản lý phục vụ công tác lưu trữ và theo dõi chặt chẽ.
Sau khi dự án xây dựng Nhà lưu giữ tro cốt hoàn thành, đưa vào sử dụng, toàn bộ tro cốt sẽ được di chuyển tới, lưu giữ tại đó.