TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị sơ tán gần 200.000 gia đình

TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị sơ tán gần 200.000 gia đình
TP- Vừa trải qua triều cường lịch sử trong vòng 49 năm qua, người dân TPHCM lại có nguy cơ đối mặt với một đợt ngập lụt mới thậm chí còn nguy hiểm hơn

Thông báo triều cường số 443 ngày 16/11 của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết mực nước cao nhất thực tế đo được tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) là 1,51 m (vào ngày 15/11) và 1,52 m (lúc 5 giờ ngày 16/11), vượt báo động cấp III (1,50 m).

Theo dự báo, mực nước triều sẽ rút dần nhưng đến ngày 17/11 vẫn còn trên mức báo động II (1,45m) và đến ngày 18/11 vẫn còn trên mức báo động cấp I (1,35m).

Trước tình thế này, sáng 16/11, ông Trần Công Lý - Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (BCH PCLB) TPHCM đã có Văn bản số 416 kiến nghị Cty TNHH Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng (Cty TLDT) tiếp tục sử dụng dung tích phòng lũ, lùi ngày xả tràn đến ngày 18/11 và nên duy trì lưu lượng xả ban đầu tối đa là 200 m3/giây để giảm ngập cho vùng hạ du gồm TPHCM, Bình Dương.

Tuy nhiên, giải pháp tiếp tục ngưng xả lũ để giảm ngập đã không thực hiện được. Tối 16/11, hồ Dầu Tiếng đã bắt đầu xả khẩn cấp xuống hạ du với lưu lượng 150 m3/giây kể từ 21 giờ do tình hình thời tiết diễn biến quá phức tạp và lưu vực hồ có mưa với lưu lượng trên 30mm.

Trao đổi với Tiền phong, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan – Phó Phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ lo lắng: Bão số 10 đang đe dọa miền Nam. Cường độ của bão mạnh lên nhanh chóng, tốc độ nhanh (15 -20 km/giờ), hướng di chuyển ổn định (hướng Tây).

Dự báo bão sẽ đổ bộ vào đến đất liền từ đêm 17, rạng sáng 18/11, trong khoảng từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Trà Vinh và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Nam, trong đó có TPHCM.

Khẩn cấp ứng phó

“Không chỉ gây ngập úng nghiêm trọng cho nhiều nơi, trong đó có TPHCM do xuất hiện tổ hợp bất lợi, bão số 10 đang đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Địa hình miền Nam bằng phẳng, nhà cửa không chắc chắn và người dân chưa có kinh nghiệm ứng phó với bão nên cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân cần hết sức đề phòng” - Bà Lan cảnh báo.

Tối cùng ngày, BCH PCLB đã có Công điện khẩn số 15 yêu cầu các cơ quan hữu quan bố trí trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến, hướng đi của bão số 10, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó, nghiêm cấm các phương tiện hoạt động trên sông, kênh, rạch từ 18 giờ ngày 17/11 đến khi bão đi qua. Các quận – huyện phải chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu vực xung yếu, đặc biệt huyện Cần Giờ.

Tối 16/11, qua điện thoại, ông Đoàn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho Tiền phong biết địa phương đã lên phương án, chuẩn bị sẵn sàng nơi tiếp nhận và sẽ khẩn cấp sơ tán dân khi bão số 10 chuẩn bị đổ bộ vào. Theo thống kê của UBND huyện, Cần Giờ sẽ có khoảng 12 nghìn dân phải sơ tán.

Theo phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ vào thành phố của BCH PCLB, tổng số dân tại 24 quận, huyện, TPHCM cần di dời, sơ tán khẩn cấp là 187.183 hộ với 752.313 nhân khẩu.

MỚI - NÓNG