TP HCM không để thiếu oxy điều trị bệnh nhân COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngành y tế sẽ đưa 4 bồn oxy lớn về các khu vực tập trung nhiều bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, giúp các bệnh viện không rơi vào tình trạng đứt gãy nguồn cung oxy y tế.

Thiếu oxy sinh mạng bệnh nhân sẽ nguy nan

Ngành y tế TPHCM đã phân cấp tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo 4 tầng từ không có biểu hiện triệu chứng đến nặng và nguy kịch.

Theo phân tích của PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất hiện đang hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Dã chiến số 8: “Oxy là nguồn cấp thiết, không thể thiếu trong bất kỳ thời điểm nào của hoạt động điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Bệnh nặng thì chắc chắn phải cần đến máy thở và các thiết bị y tế chuyên môn sâu nhưng nhóm bệnh nhẹ cũng không được chủ quan”.

TP HCM không để thiếu oxy điều trị bệnh nhân COVID-19 ảnh 1

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang ngày căng thẳng khi số ca bệnh tiếp tục tăng cao.

PGS Kim Quế cho biết, có những trường hợp bệnh diễn tiến rất nhanh, khi tiếp nhận bệnh thì có thể đang khỏe mạnh bình thường nhưng chỉ vài giờ sau đã đột ngột trở nặng. Chúng tôi phải tiến hành cấp cứu, hỗ trợ hô hấp và chuyển lên tuyến trên, chậm một chút bệnh nhân có thể diễn tiến nặng, suy hô hấp cấp, nguy cơ tử vong rất cao. Ngoài việc cấp cứu, xử lý nhanh nhất có thể cho người bệnh thì oxy là giải pháp đặc biệt quan trọng để giúp bệnh nhân COVID-19 vượt qua suy hô hấp cấp.

Để tăng cường năng lực điều trị chống dịch trong tình hình số ca bệnh tăng cao, bệnh nặng ngày càng nhiều, Bộ Y tế đang triển khai phương án vận chuyển tiếp ứng 2.000 máy thở đến kho dự trữ của TPHCM. Tuy nhiên, nếu có máy thở và các thiết bị hỗ trợ hô hấp cho người bệnh nhưng không chủ động đáp ứng được nguồn cung cấp oxy thì ngành y tế thành phố sẽ rơi vào cảnh “trở tay không kịp” dẫn tới tình trạng bệnh nhân COVID-19 tử vong hàng loạt một số nước đã gặp phải.

TP HCM không để thiếu oxy điều trị bệnh nhân COVID-19 ảnh 2

Oxy y tế là chìa khóa quan trọng để cứu chữa cho người bệnh khi rơi vào tình trạng suy hô hấp.

Trước tình hình trên, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, BS Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện ngành y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức kiểm tra, rà soát khả năng cung ứng oxy phục vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và các bệnh lý khác. Đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta không thiếu oxy phục vụ điều trị kể cả trong tình huống dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn. Ngoài việc phân bổ trang thiết bị y tế trong đó có máy thở, máy ECMO đến các bệnh viện tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng thì phương án chủ động oxy cho các bệnh viện đang được triển khai. Thành phố sẽ chuyển 4 bồn oxy mỗi bồn 12 tấn đến các điểm trong khu vực bệnh viện dã chiến và các bệnh viện đang điều trị COVID-19”.

Chủ động nguồn cung cho các cơ sở điều trị

Sáng 20/7, TS.BS Phan Minh Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6 cho biết: “Bồn oxy cao áp đã được chuyển về bệnh viện, chúng tôi đang khẩn trương lắp đặt để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất. Trong tình huống bệnh nhân đột ngột trở nặng, oxy chính là chìa khóa để bảo toàn tính mạng tại chỗ của F0”.

TP HCM không để thiếu oxy điều trị bệnh nhân COVID-19 ảnh 3

Bồn oxy lớn với dung tích 1.000 lít đã được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 6.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, Khu tái định cư phường Anh Khánh thuộc Thành phố Thủ Đức đang trở thành “căn cứ địa” điều trị bệnh nhân COVID-19 với 4 bệnh viện dã chiến có khả năng đáp ứng gần 20.000 giường bệnh. Cả khu tái định cư được trưng dụng lập bệnh viện dã chiến cạnh nhau. Bồn oxy hiện hữu sẽ trở thành chỗ dựa cho cả bác sĩ và bệnh nhân trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 nhằm giảm số ca diễn tiến nặng, giảm tỷ lệ chuyển viện gây áp lực cho các bệnh viện điều trị ở tầng cao hơn.

Sát cánh cùng ngành y tế TPHCM, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết đã cùng các thành viên Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y cũng đã đi rà soát khả năng cung ứng, dự trữ nguồn oxy cho khu vực các tỉnh phía Nam chống dịch. Đoàn đã kiểm tra công tác sản xuất cung ứng nguồn oxy y tế tại Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam Singapore I, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) vào chiều qua 19/7.

TP HCM không để thiếu oxy điều trị bệnh nhân COVID-19 ảnh 4

Bộ phận thường trực Bộ Y tế kiểm tra hoạt động sả xuất và cung ứng oxy y tế tại Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer Việt Nam cho biết, ngay từ khi tình hình dịch bệnh chưa trở nên phức tạp, công ty đã xác định đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, cần phải bảo vệ tối đa chuỗi sản xuất. Công ty đang triển khai phương án vừa cách ly, vừa sản xuất. "Mỗi ngày công ty sản xuất khoảng 500 bình oxy, trong kho của công ty đang dự trữ khoảng 20 khối oxy lỏng, 100-200 chai oxy (2 loại dung tích 6m³ 11m³). Hệ thống phân phối oxy của công ty hiện cung cấp cho các cơ sở y tế ở Bình Dương, TPHCM, và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Cần Thơ…"- ông Phương nói.

Cung cấp 1000 bình oxy mỗi ngày

Trong tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, ông Phương cho biết Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao công suất lên gấp 2 lần so với hiện nay lên 1.000 bình oxy mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn và các tỉnh thành. "Để chủ động cung ứng khí oxy phục vụ công tác điều trị, cứu chữa bệnh nhân COVID-19, công ty đã nhập khẩu 2 bồn oxy lớn dung tích 20m³ và 15m³. Dự kiến, hai bồn oxy sẽ lắp đặt tại các Trung tâm hồi sức COVID-19 hoặc Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19"- ông Phương thông tin.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.