TP HCM đẩy mạnh vấn đề xử lý rác thải

Kéo bạc xử lý rác trên Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước
Kéo bạc xử lý rác trên Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước
Xung quanh vấn đề xử lý rác thải của TPHCM, đại diện Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) cho biết, doanh nghiệp này đóng góp vai trò không nhỏ khi luôn quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực xử lý rác, góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, cuộc sống cho người dân thành phố.

Mục tiêu giảm chôn lấp

Tại hội nghị "Kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác - phát điện đến năm 2025" mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã chỉ đạo các sở ngành, đơn vị xử lý rác triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp xử lý rác thải. Lãnh đạo thành phố kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư công nghệ, ứng dụng các giải pháp xử lý rác tiên tiến, hiệu quả, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường.

Theo báo cáo mới nhất của Sở TN-MT TP HCM, hiện, khối lượng rác thải trên toàn thành phố mỗi ngày luôn ở mức cao. Cụ thể, chất thải rắn sinh hoạt của TP khoảng 8.700 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp khoảng 1.500 - 2.000 tấn/ngày. Dự báo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở TP HCM  tăng 5%/năm, đến năm 2020 là 10.081 tấn/ngày và năm 2025 là 12.864 tấn/ngày;  chất thải rắn công nghiệp tăng 6%/năm, 1.922 tấn/ngày vào năm 2020 và 2.497 tấn/ngày vào năm 2025; chất thải nguy hại tăng 8%/năm, cán mức 549 tấn/ngày vào năm 2020 và 807 tấn/ngày vào năm 2025; chất thải rắn y tế tăng 10%/năm, 2020 là 30 tấn/ngày và 2025 là 50,5 tấn/ngày.

TP HCM đẩy mạnh vấn đề xử lý rác thải ảnh 1
 

Hiện nay, phương pháp xử lý chất thải rắn hiện nay của TP HCM đa phần vẫn là chôn lấp. Vì thế, chủ trương của TP là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư công nghệ, nghiên cứu,  ứng dụng các giải pháp xử lý rác mới, tiến tới tái chế rác phục vụ đời sống. Mục tiêu đến 2020, tỉ lệ  chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp là 50%, đến năm 2025 giảm xuống còn 20%.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND TP HCM đã yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp. Bên cạnh việc duy tu, bảo dưỡng bãi chôn lấp chất thải sau khi ngưng tiếp nhận; khuyến khích xã hội hóa việc tái chế và sản xuất điện năng từ các bãi chất thải đã được chôn lấp trong các năm qua; ưu tiên các giải pháp tái sử dụng bãi chôn lấp đã đóng bãi phục vụ lợi ích cộng đồng. Các nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp đổi mới công nghệ. 

Kế hoạch của Đa Phước

Đại diện Công ty VWS, chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho biết mục tiêu của TP HCM cũng là trách nhiệm của VWS trong việc nâng cao năng lực xử lý rác.

TP HCM đẩy mạnh vấn đề xử lý rác thải ảnh 2

Ông Kevin Moore- giám đốc điều hành VWS trò chuyện với công nhân ở khu xử lý rác Đa Phước

Vì thế, ngày 24/7 vừa qua, VWS phối hợp với Trung tâm Phân tích môi trường TP, Hội hóa học Việt Nam, Hội hóa học TP HCM đã tổ chức họp cùng với chuyên gia chuyên gia Bùi Văn Cứ (Phòng thí nghiệm trọng điểm lọc - hóa dầu, Bộ Công Thương) tiến hành thử nghiệm sử dụng chế phẩm khử mùi kết hợp chế phẩm khử mùi không khí từ trái bơ và chế phẩm sản xuất từ Hoa Kỳ. Các chuyên gia đã lấy các mẫu không khí xung quanh bãi rác Đa Phước và mẫu không khí tại điểm tiếp nhận rác để kiểm tra hàm lượng khí thải gây mùi hôi thối NH3 và H2S.

Kết quả đo đạc và phân tích xác định, môi trường không khí xung quanh tại thời điểm đo đạc có kết quả tốt. Kết quả H2S đo được chỉ có 0,094mg/m3. Theo ông Bùi Văn Cứ, kết qủa nói trên có thể kết luận việc xử lý rác tại VWS đạt hiệu quả cao, mùi khó phát tán đi xa. “ Đặc biệt, giá trị đo giữa không sử dụng và có sử dụng chế phẩm khử mùi chênh lệch cao, điều này chứng minh hiệu quả xử lý tốt”- ông Cứ khẳng định.

VWS cho rằng, kết quả trên cũng đã xua tan nghi vấn mà dư luận cho rằng Khu liên hợp Đa Phước là “thủ phạm” phát tán mùi hôi thời gian qua.

Về việc phát tán mùi hôi gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải khoanh vùng để kiểm tra xử lý, vì mùi hôi thối có thể ở bất cứ đâu xung quanh chúng ta. “Mùi phân, mùi bùn, mùi phân hủy hữu cơ lâu ngày… tất cả đều sinh nhiều H2S và mercaptans rất hôi thối, dễ phát tán đi xa trong không khí, nhất là vào mùi mưa và lúc nhiệt độ không khí xuống thấp”, một chuyên gia nói.

Sở TN-MT TP cho biết cũng đang khoanh vùng, xác định nơi có khả năng phát sinh mùi hôi thối lân cận. Tất cả những cơ sở, doanh nghiệp trong diện  khoanh vùng nằm gần Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước đều có thể bị kiểm tra.

MỚI - NÓNG