Tổng thống Mỹ nói rằng, việc giải phóng dầu trong kho dự trữ là nhằm giảm áp lực giá và bình ổn thị trường dầu thô mà ông nói rằng đang đe doạ đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc gọi việc Bắc Kinh tham gia kế hoạch của Washington là một sự nhượng bộ với ông Biden, và kêu gọi Mỹ “cần nghĩ lại một cách nghiêm túc về việc chung sống với Trung Quốc một cách hoà bình”. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Bắc Kinh tham gia một kế hoạch như vậy.
Bloomberg có bài nói rằng một phần trong 50 triệu thùng dầu được Mỹ giải phóng từ kho dự trữ chiến lược dự kiến sẽ được bán cho Trung Quốc và Ấn Độ. Nhà Trắng cho biết 18 trong số 50 triệu thùng đã được Bộ Năng lượng Mỹ chấp thuận cho bán, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ tích cực mua loại dầu thô chua của Mỹ được khai thác ở Vịnh Mexico. Dầu thô chua chứa lượng sulfur cao, tốn nhiều chi phí hơn trong quá trình xử lý, vì thế không được nhiều người muốn mua. Tuy nhiên, loại dầu này của Mỹ vẫn hấp dẫn với nước ngoài vì giá tương đối rẻ, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ và các quốc gia khác đã gây tác dụng ngược. Ngày 23/11, giá dầu Brent - mức chuẩn giá dầu thô toàn cầu - tăng 3,3% lên 82,31USD/thùng. Tại châu Á, giá dầu Brent hôm qua vẫn ở mức 82,3 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 0,2% lên 78,7 USD. Giới phân tích cho rằng giá dầu vẫn tăng sau tin Mỹ thông báo mở kho dự trữ là vì các thương nhân tính toán rằng tổng lượng dầu mà Mỹ và các nước lấy ra từ kho sẽ không nhiều như dự kiến, và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (còn gọi là OPEC+) trả đũa bằng cách giữ lại nhiều dầu hơn.
Giới phân tích cho rằng nước cờ của Mỹ khó có thể gây tác động tích cực lên giá thị trường như ông Biden hy vọng, và đây là cách dùng sai kho dự trữ chiến lược. Cùng với Mỹ, Anh sẽ giải phóng 1,5 triệu thùng, Ấn Độ giải phóng 5 triệu thùng. Các nước khác chưa xác nhận sẽ giải phóng bao nhiêu. Không quốc gia nào trong số này thuộc nhóm OPEC+.
Câu hỏi triệu đô
OPEC+ thường muốn giữ giá dầu từ 70USD/thùng trở lên để tối đa hoá lợi nhuận. Khai thác nhiều hơn sẽ khiến giá giảm xuống. Những nước khai thác dầu lớn như Nga và Iran không muốn làm những việc có lợi cho ông Biden, trong khi ngay cả các đồng minh của Washington như Ả-rập Xê-út và Iraq cũng muốn tối đa hoá lợi nhuận sau một thời gian giá tụt giảm, có thời điểm xuống đến 20USD/thùng.
Các nước OPEC+ có kế hoạch khai thác thêm 400.000 thùng/ngày, nhưng số lượng đó chỉ tăng nguồn cung toàn cầu thêm chưa đến 1%, quá ít so với mức mà ông Biden muốn. Tuy nhiên, OPEC+ cũng có thể sẽ giảm khai thác để giữ giá hoặc đẩy lên cao hơn nữa. “Điều này làm gia tăng khả năng đối đầu giữa một bên là OPEC+ với một bên là các khách hàng lớn, dẫn đầu là Mỹ”, Eurasia Group, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách, viết trong phân tích đưa ra ngày 22/11. “Các biện pháp đáp trả từ hai phía có thể gây ra nhiều biến động và bất định”, Eurasia Group nhận định.
“Câu hỏi triệu đô hiện nay là OPEC+ sẽ phản ứng như thế nào với bước đi này. Nếu coi đây là hành động khiêu khích, cả nhóm có thể cắt giảm nguồn cung để bảo đảm lợi nhuận”, Bjornar Tonhaugen, trưởng nhóm về thị trường dầu mỏ tại hãng Rystad Energy nói với Financial Times. OPEC chưa trả lời đề nghị bình luận về vấn đề này.
Tổng thống Biden đang đối mặt với áp lực chính trị ngày càng tăng về việc phải kìm hãm giá xăng dầu, sau khi giá mặt hàng thiết yếu này tăng tới 60% trong vòng 12 tháng qua, đẩy lạm phát lên cao và góp phần kéo tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm khi nhà lãnh đạo Mỹ và đảng Dân chủ sắp bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ đầy khó khăn vào năm sau. Tuần trước, ông Biden chỉ đạo Ủy ban thương mại liên bang - cơ quan giám sát về cạnh tranh - có biện pháp xử lý tình trạng gian dối của các công ty xăng dầu để đẩy giá lên cao.
Thông cáo của Nhà Trắng đưa ra ngày 23/11 khẳng định ông Biden “sẵn sàng hành động thêm, nếu cần thiết, và sẵn sàng sử dụng tất cả quyền hạn của mình để phối hợp với thế giới nhằm bảo đảm nguồn cung hợp lý khi chúng ta phục hồi sau đại dịch”.
Đây là đợt giải phóng nhiều nhất dầu từ kho dự trữ của Mỹ từ khi kho này được thành lập năm 1970 để phòng nguy cơ xảy ra những cuộc khủng hoảng dầu. Mỹ từng mở kho này vào năm 2011, khi cuộc nội chiến ở Libya đẩy giá dầu lên cao.