Tổng Kiểm toán Nhà nước: Quan trọng nhất là bản lĩnh từ chối

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc đối thoại với đoàn viên thanh niên sáng 6/1.
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc đối thoại với đoàn viên thanh niên sáng 6/1.
TPO - “Với Kiểm toán nhà nước, bản lĩnh là hết sức quan trọng, và quan trọng nhất là bản lĩnh từ chối, vì các đối tượng thường mua bằng nhiều cách, bằng nhiều hình thức khác nhau”, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc chia sẻ cởi mở với đoàn viên thanh niên trong ngành tại buổi đối thoại sáng 6/1.

Muốn giỏi nghề phải có khát vọng

Chia sẻ kinh nghiệm để trở thành một kiểm toán viên giỏi, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, bản thân ông cũng là người “ngoại đạo” khi chỉ mới làm kiểm toán được 9 tháng. Tuy nhiên theo ông, để giỏi nghề trước tiên phải yêu nghề, luôn có khát vọng vươn lên. Chính tinh thần đó sẽ thôi thúc chúng ta phải học hỏi. Muốn giỏi nghề, trước tiên phải bắt đầu từ tinh thần.

“Tôi đã chuyển qua 5 cơ quan, làm 10 nghề khác nhau, học tài chính, ra làm kế toán, quy hoạch, tài chính, vật giá… Muốn giỏi thì phải học, học nữa, học mãi. Muốn giỏi nghề, phải học trên thực tiễn, học người đi trước, tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân để tìm ra những vấn đề trọng tâm, trọng điểm từ đó mới có thể giỏi lên được.

Khi tôi làm kế toán, chuyển sang làm quy hoạch, có biết chuyên môn đâu, nhưng cũng phải học thôi. Mỗi khi chuyển sang nghề mới chúng ta phải bắt đầu như vậy. Ra đây làm kiểm toán, trong đầu cũng chưa có tí gì về kiểm toán cả. Tôi phải lên thư viện, xem ta có gì để đọc và tìm hiểu. 

Chúng ta muốn giỏi một nghề phải tích cực học tập và có khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình, tích lũy dần kinh nghiệm mới có thể giỏi lên được, trong đó tự học là hết sức quan trọng”, ông Phớc truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Đúng pháp luật thì không sợ điều sai trái

Trân trọng thế hệ trẻ hôm nay, Tổng kiểm toán nhắc lại, ngày xưa, vào những ngày đầu thành lập nước, Bác Hồ đã kêu gọi trí thức học ở nước ngoài về nước, toàn thế hệ trẻ, chứ có mấy người già đâu. Như Trần Đại Nghĩa, lúc đó mới chỉ có 22 tuổi, đang làm cho một công ty của Nhật Bản, được trả lương 22 cây vàng mỗi tháng, nhưng sau đó ông ấy đã về nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Và còn đó rất nhiều gương mặt trẻ tiêu biểu ngày đó như Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng… đang làm ở nước ngoài, đã về nước đóng góp cho quê hương.

Chia sẻ về những băn khoăn, lo ngại trước những nguy cơ đe dọa, ép buộc, khủng bố…theo ông Phớc, tình trạng này không những chỉ có ở kiểm toán, mà nhiều ngành nghề khác cũng phải đối diện với những thách thức này, như lực lượng kiểm lâm, thanh tra, công an…

Tuy nhiên Tổng kiểm toán nhấn mạnh, đã làm điều đúng đắn, đúng pháp luật thì không sợ điều sai trái. 

“Chúng ta không sợ bị đe dọa, không sợ bị áp lực, phải nêu cao tính độc lập, khách quan. Với KTNN, bản lĩnh là hết sức quan trọng, và quan trọng nhất là bản lĩnh từ chối, vì các đối tượng mua bằng nhiều cách, bằng nhiều hình thức”, Tổng kiểm toán nhấn mạnh, đồng thời cho biết sẽ có trách nhiệm cũng như các giải pháp hiệu quả để bảo vệ kiểm toán viên.

Liên quan đến tổ chức nhân sự, Tổng kiểm toán cho biết, vừa qua đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 4 đề án và đã nhận được sự thống nhất rất cao, trong đó có đề án vị trí việc làm, tổ chức biên chế. Theo quy hoạch đến năm 2020 ngành kiểm toán sẽ có 40 đơn vị cấp vụ trực thuộc, hiện đã có 32 và đang đề nghị thành lập thêm 2 đơn vị.

Về con người, hiện ngành kiểm toán có 2,3 nghìn, và đến năm 2020 sẽ có khoảng 2,6 nghìn, như vậy là giảm 600 người theo đề án. Ngành kiểm toán phải ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt nhân lực. Cùng với đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất cao với việc phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản với nguồn vốn còn lại hơn 1.500 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, đến năm 2020 các trụ sở của các đơn vị cũng như trụ sở chính của KTNN sẽ được hoàn chỉnh.

MỚI - NÓNG