Nhà sản xuất không có kinh nghiệm
Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Chung, Phó vụ trưởng, Vụ An toàn giao thông (Tổng cục ĐBVN) cho biết: Liên quan đến thiết bị cân tải hỏng hóc có 3 dạng trục trặc. Một là do lái xe phá hoại, hai là trục trặc do lỗi thiết bị, ba là do lỗi vận hành.
Văn bản Tổng cục ĐBVN gửi báo Tiền Phong cho thấy, Tổng cục đã mua 67 bộ thiết bị cấp cho 63 đơn vị thanh tra giao thông các tỉnh, thành quản lý, sử dụng. Trước khi cấp cho các đơn vị, Tổng cục ĐBVN đã tập huấn cho đại diện lực lượng thanh tra giao thông của 63 Sở GTVT. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam có bộ cân này nên trong quá trình lắp đặt, vận hành, trạm kiểm tra trọng tải xe chưa thực hiện đúng theo hướng dẫn nên dẫn đến một số lỗi như bài báo nêu.
Liên quan đến sự cố báo phản ánh, ông Đặng Văn Chung cho biết, có tới 9 lỗi do thiết bị như camera, đường truyền 3G… Ông Chung lý giải, vì là lần đầu tiên bàn cân trọng tải xe có mặt ở Việt Nam, nhà sản xuất cũng là lần đầu tiên nên không lường trước được một số sự cố. Bộ cân là thiết bị điện tử, nên khi trời mưa to, bàn cân ngập nước sẽ không hoạt động được.
Cũng theo ông Chung, khi thiết bị trục trặc, các trạm cân đều liên hệ với Cty Hanel (đơn vị cung cấp thiết bị) để được hướng dẫn khắc phục sự cố. Từ khi bàn giao bộ cân cho các địa phương, bộ phận kỹ thuật của Cty Hanel đã bố trí trực 24/24h để hướng dẫn, hỗ trợ xử lý những trục trặc trong quá trình vận hành của các trạm cân trọng tải xe.
“Có những cái trục trặc được xử lý kịp thời, hỏng ngày hôm trước, ngày hôm sau thay luôn. Tổng cục còn 4 bộ dự phòng và có thể thay luôn để đảm bảo hoạt động liên tục” – ông Chung nói.
Ngoài ra, Tổng cục ĐBVN khẳng định, trường hợp chiếc cân tải của Đội CSGT số 8 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) sử dụng 2 tháng đã hỏng không phải do Tổng cục cung cấp.
Lỗi do người vận hành, thời tiết
Liên quan đến lỗi do người vận hành, ông Đặng Văn Chung cho rằng, nếu làm đúng tiêu chuẩn trạm cân, các địa phương phải khắc phục mọi khó khăn để đưa những trạm cân vào hoạt động, mục tiêu chính nhằm kiểm soát trọng tải xe nhằm giảm bớt việc phá hoại cầu đường, và an toàn giao thông.
“Tuy nhiên điều kiện thời tiết ở Việt Nam không phải chỗ nào nó cũng tốt cả. Ví dụ đang làm mà gặp trận mưa to ập tới cũng ảnh hưởng, hoặc anh em tập huấn thực hiện không đúng” – ông Chung nói.
Cũng theo ông Phó vụ trưởng, người vận hành thiết bị cũng chưa có kinh nghiệm, một số cán bộ vận hành không quen nên để xảy ra sự cố. Tuy vậy, số trạm cân phải ngưng hoạt động lâu dài là không có, chỉ có nghỉ một vài ngày để sửa chữa thiết bị…
Và do lái xe cố tình phá hoại
Số liệu từ Tổng cục ĐBVN cho thấy, kể từ khi áp dụng hệ thống cân tải (1/4) đến nay, các trạm cân đã kiểm tra gần 65.000 lượt xe; tỷ lệ vi phạm đến nay chỉ còn khoảng 15%. Xe vượt tải cho phép nhiều nhất lên đến 200%. Có xe trọng tải cho phép 16 tấn nhưng chở lên tới trên 30 tấn, có xe 24 tấn chở lên tới 50 tấn, thường là xe ben.
Ông Chung lấy ví dụ trường hợp xe tải 20C- 022.64 kéo theo xe rơ móc 20R- 000.44, bị trượt bánh ngày 21/4 tại xã Long Khánh, huyện Bảo Yên, Yên Bái, trọng tải của cả xe và hàng hóa lên đến 90 tấn thì chẳng cân nào chịu được.
Ngoài ra, một số lái xe cố tình phá hoại hệ thống cân tải đã được cơ quan chức năng xử lý. Cụ thể, ngày 3/1/2014, tại Km 844+150, QL1A thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cơ quan chức năng kiểm tra tải trọng xe ô tô đầu kéo rơ moóc 63K- 2227, do tài xế Thanh Tùng (SN 1975, quê Tiền Giang) điều khiển. Bất ngờ, Tùng cho xe lao nhanh vào cân tải trọng khiến một thanh tra giao thông phải nhảy ra ngoài tránh cú tông trực diện. Toàn bộ đường dẫn và bàn cân phía bên phải bị hỏng, dây nối hai mắt hồng ngoại bị đứt...
Trước đó, một trường hợp tương tự cũng xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Tài xế một chiếc ô tô 7 chỗ lưu thông với tốc độ cao đã cố tình đâm thẳng vào vị trí đặt bàn cân trên đường 494, làm toàn bộ thiết bị cân tải bị hư hỏng nặng.