Tổng Bí thư: 'Văn nghệ sĩ không để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình'

TPO - Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các văn nghệ sĩ trẻ nhận thức tầm quan trọng của văn học nghệ thuật, không để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình. 

Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn

Sáng 25/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948-25/7/2023) tại Nhà hát Lớn.

Tham dự lễ còn có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; các Ủy viên T.Ư Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; cùng các lãnh đạo ban, bộ, ngành và đông đảo văn nghệ sĩ thuộc các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà, của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trong 75 năm qua. Tổng Bí thư nhấn mạnh văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người...

Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đồng hành với dân tộc, đi qua các chặng đường lịch sử như kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến nay Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam có 40 nghìn văn nghệ sĩ sinh hoạt trong 10 hội trung ương và 63 hội ở 63 tỉnh, thành cả nước thuộc 5 thế hệ gồm các chuyên ngành: văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, kiến trúc, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số.

Tổng Bí thư: 'Văn nghệ sĩ không để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình' ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà. Ảnh: Văn Hiếu.

“Đó là một đội ngũ hùng hậu, gắn bó máu thịt với Tổ quốc, với Nhân dân, đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thiết tha với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá dân tộc, khao khát vươn lên để cống hiến có hiệu quả”, Tổng Bí thư bày tỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu, đóng góp to lớn đã nêu trên, cũng không tránh khỏi những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đặc biệt vẫn còn một số người phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Một số phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, trang điện tử, sử dụng các mạng xã hội có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí rất cực đoan. Cá biệt có hiện tượng "bôi đen" giá trị thiêng liêng của lịch sử, của chế độ, đề cao quá mức cái "Tôi" để kêu gọi tự do sáng tác...

Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền văn hoá, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi";

Đồng thời phải xây dựng con người Việt Nam mới, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững đất nước; và như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: "Muốn xây dựng được chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa"; phát huy giá trị văn hoá, văn học nghệ thuật và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng…

Tổng Bí thư: 'Văn nghệ sĩ không để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình' ảnh 2

Thay mặt Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, PGS.TS Đỗ Hồng Quân trân trọng trao Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và tặng hoa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Văn Hiếu.

Kỳ vọng nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn

Tổng Bí thư nêu rõ, lâu nay, Đảng ta luôn luôn khẳng định: "Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam" trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tổng Bí thư khẳng định, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn luôn mong muốn, kỳ vọng và đòi hỏi đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn nữa về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Đồng thời, xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề mới, khác nhiều so với trước đây trong chiến tranh và thời kỳ quan liêu, bao cấp. Điều đó đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay.

“Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, trên thương trường và mặt trận an ninh, quốc phòng, đối ngoại; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống...”, Tổng Bí thư lưu ý.

Tổng Bí thư: 'Văn nghệ sĩ không để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình' ảnh 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Văn Hiếu.

Đừng để cho sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình

Trao đổi, tâm sự thêm với các văn nghệ sĩ trẻ, Tổng Bí thư cho biết, thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào và viết như thế nào?

“Nhiều người thường bảo, văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao, các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cũng lưu ý đến việc thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, đi xa hơn, vững vàng hơn.

“... Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hoà nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường”, Tổng Bí thư bày tỏ.

Cũng theo Tổng Bí thư, thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn đều là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn lao, có tầm nhìn xa rộng và có tư duy sâu sắc.

“Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai!”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam - nhận định bước vào giai đoạn mới, văn nghệ sĩ cần nhận thức sâu sắc hơn nữa trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân: "Văn nghệ sĩ hôm nay phải dám đi vào những đề tài nóng của cuộc sống, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng để có những tác phẩm có ích cho đời".

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khẳng định thời gian tới sẽ chú trọng hơn việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo lớp nghệ sĩ mới để kế tục sự nghiệp của các thế hệ cha anh vươn tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ với ba nguyên tắc cơ bản là tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng.

Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, giới văn học nghệ thuật Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 1987, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai năm 2008, Huân chương Sao vàng năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Tính đến tháng 5/2023, có 136 văn nghệ sĩ được trao tặng và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 665 văn nghệ sĩ được trao tặng, truy tặng Giải thưởng Nhà nước, hàng trăm văn nghệ sĩ được trao tặng các danh hiệu Anh hùng Lao động, các huân chương cao quý, 452 văn nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, 2.921 nghệ sĩ ưu tú…

Tin liên quan