Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phải đổi mới mạnh mẽ, đúng quỹ đạo

Tổng Bí thư tiếp xúc với cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
Tổng Bí thư tiếp xúc với cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
TP - Chiều 12/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu thuộc đơn vị bầu cử số 1 thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ trước Kỳ họp thứ mười, Quốc hội (QH) khóa XIII. Tổng Bí thư khẳng định, thời gian tới phải tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa cả kinh tế, chính trị, công tác cán bộ, nhưng phải đúng quỹ đạo…

Tránh lợi ích nhóm trong lựa chọn cán bộ

Theo cử tri Nguyễn Hồng Toán (Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ), năm 2015 là năm Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2016. Việc Bộ Chính trị công khai các Dự thảo Văn kiện để xin ý kiến của toàn dân là rất tốt, thể hiện quan điểm “lấy dân làm gốc”. “Hôm qua bế mạc Hội nghị lần thứ 12, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh lựa chọn nhân sự Đại hội 12 và đại biểu QH, HĐND. Nhân dân mong Đảng, Quốc hội chọn thật kỹ, chọn thật sâu, tránh phe nhóm, lợi ích nhóm. Làm sao lựa chọn được cán bộ vì dân, lo cho dân và nên mạnh dạn giao việc cho thế hệ trẻ”, ông Toán đề nghị.

Đề cập đến tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, cử tri Phạm Văn Tá (phường Yên Phụ) cho rằng, đã có những bước phát triển mạnh so với trước. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực thì sự phát triển của nước ta vẫn còn hạn chế. Theo ông Tá, trong thời gian tới cần phải coi trọng đặc biệt đến vấn đề đổi mới về tư duy kinh tế, cũng như công tác cán bộ.  “Chúng ta cần phải mạnh dạn đổi mới. Đã đến lúc cần xem xét lại việc nhập Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có phù hợp không? Thủy hải sản có một vị trí vô cùng lớn, nhưng việc nhập vào thành một bộ dẫn đến phát triển chưa như mong muốn. Nếu chúng ta có cách thức quản lý hiệu quả thì thủy sản có thể phát triển, đóng góp 35-40% vào GDP của cả nước”, ông Tá nói.

Về các vấn đề xã hội, cử tri Lê Hoa (phường Điện Biên) cho biết ở nhiều nơi người dân còn nghèo, trường học, bệnh viện thiếu thốn mà vẫn lập các đề án xây dựng tượng đài hàng trăm, thậm chí hơn nghìn tỷ đồng. Ông Hoa bày tỏ về những vụ việc gây bức xúc dư luận như chặt cây xanh, đường nước Sông Đà liên tục vỡ, đường sắt trên cao liên tiếp mất an toàn, nhà 8B Lê Trực xây dựng trái phép nhiều tầng, khiến nhân dân bức xúc. Cả ông Hoa và ông Toán đều đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan đến dự án nhà 8B Lê Trực.

Đổi mới toàn diện

Ghi nhận ý kiến đóng góp tâm huyết của các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong 5 năm qua, năm 2015 có lẽ là năm đất nước phát triển toàn diện nhất, cả về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn lớn, nhất là tới đây, cộng đồng kinh tế ASEAN dự kiến sẽ hình thành và hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các nước lớn đã được ký kết, trong đó có hiệp định TPP  “Đã tham gia vào các hiệp định này, có nghĩa chúng ta đã tham gia vào sân chơi chung. Chúng ta phải sửa đổi hàng loạt luật cho phù hợp. Chúng ta hội nhập nhưng không để hoà tan, vẫn giữ được độc lập tự chu, vẫn giữ được thể chế chính trị của nước ta. Đó là những bài toán rất cơ bản, rất khó. Đó là chưa kể tình hình biển Đông, tình hình thế giới tới đây sẽ như thế nào?”, Tổng Bí thư nói.

Về ý kiến cử tri nêu cần phải nâng cao chất lượng đại biểu QH, HĐND, Tổng Bí thư  cho rằng, vấn đề là làm sao lựa chọn cho được ĐB QH có chất lượng trong kỳ bầu cử QH khóa tới là rất quan trọng.  Bên cạnh đó, cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tư duy, kinh tế, cán bộ… “Đây là nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới và cuộc bầu cử QH khoá tới cần thực hiện. Bởi sang năm 2016 là tròn 30 năm đổi mới. Tới đây sẽ tổng kết việc này và bước vào một chặng đường phát triển mới. Phải tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa cả kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại…”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.  Theo Tổng Bí thư, đổi mới phải đúng quỹ đạo, chứ không phải nói đến đổi mới là đổi mới một cách không tính toán.

Về việc xem xét trách nhiệm ở dự án 8B Lê Trực, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư khi đã xây vượt tầng, sai quy hoạch. Hiện chủ đầu tư đã  nhận trách nhiệm, nhận lỗi với Thủ tướng và thành phố; cam kết tháo dỡ các hạng mục vi phạm. Thành phố đã giao giám đốc Sở Xây dựng, các đơn vị có liên quan xem xét trách nhiệm cụ thể.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.