Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Nguyễn Xuân Cường:

Tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để dịch bùng phát

Tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để dịch bùng phát
TP - Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, mới đây Hà Tây đã phát động “cuộc chiến” chống đại dịch cúm gia cầm với sự tham gia của trên 300 chủ tịch các xã, thị trấn.
Tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để dịch bùng phát ảnh 1
Ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây

Hà Tây cũng là tỉnh đầu tiên của miền Bắc triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Bên lề hội nghị quan trọng này, PV Tiền phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây.

Ông Cường cho biết, nguy cơ dịch cúm gia cầm  tái bùng phát tại Hà Tây là rất cao. Hà Tây là tỉnh có số lượng gia cầm lớn (trên 10 triệu con), trong đó có 90% là chăn nuôi nhỏ lẻ. Hà Tây cũng là đầu mối trung chuyển gia cầm từ các tỉnh về Hà Nội.

Thưa ông,  ngoài một số giải pháp mà cơ quan chức năng đã và đang thực hiện, Hà Tây dự kiến sẽ triển khai thêm những giải pháp có tính đột phá nào trong phòng ngừa cúm gia cầm?

Lần này Hà Tây đưa ra chiến lược tuyên truyền phù hợp, không thái quá, không cực đoan đến mức người dân không dám ăn thịt gia cầm. Bên cạnh việc tuyên truyền về các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch, chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền những mô hình phòng ngừa bệnh dịch hiệu quả…

Ngay khi dịch tái bùng phát tại một số tỉnh phía Nam,  Hà Tây đã kiểm soát chặt chẽ nguồn giống gia cầm, thủy cầm tại 137 cơ sở với sản lượng 100 triệu con giống.

Cụ thể như, quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, vệ sinh khu vực lò ấp, khi cấp giống ra thị trường phải được ngừa bệnh dịch… Đối với số gia cầm đang nuôi thả sẽ được tiêm phòng đầy đủ.

Với vị trí cửa ngõ Thủ đô, Hà Tây là điểm  trung chuyển gia cầm nên mầm bệnh rất có thể thâm nhập vào Hà Tây từ bên ngoài?

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động của 4 trạm chốt chặn, Hà Tây sẽ mở thêm một số trạm kiểm dịch mới trên các quốc lộ quan trọng như: QL 6, QL 32, QL 1, đường Láng - Hòa Lạc. Các điểm  này hoạt động 24/24h nên khả năng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là khá tốt.

Là tỉnh có tỷ trọng chăn nuôi cao trong sản xuất nông nghiệp, về lâu dài, Hà Tây sẽ có những cách làm gì để vừa phát triển chăn nuôi vừa nói “không” với cúm gia cầm ?

Hà Tây đang tiến hành quy hoạch lại ngành chăn nuôi theo hướng chăn nuôi công nghiệp, sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó sẽ hạn chế và tiến tới xóa bỏ tập tục chăn thả gia cầm, thủy cầm nhỏ lẻ.

Hà Tây cũng đã và đang xúc tiến đầu tư trên 20 điểm giết mổ gia cầm tập trung. Trên cơ sở đó, Hà Tây sẽ từng bước hạn chế thói quen mua gia cầm tự giết mổ.

Thưa ông, tại cuộc họp, đại diện Cục Thú ý (Bộ NN&PTNT) đã ví von: “Việc chống dịch ở T.Ư thì sôi sục, tỉnh thì nóng, huyện thì ấm,  xã thì lạnh và xuống cơ sở thì…đóng băng”, vậy tỉnh Hà Tây sẽ làm gì để “giữ nhiệt” khi chống dịch cúm tại cơ sở?

Việc tập hợp hội nghị có sự tham gia của trên 300 lãnh đạo xã, lãnh đạo 14 huyện, thị đã tỏ rõ quyết tâm của tỉnh Hà Tây. Hà Tây hiện đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, kinh phí, cơ chế chính sách, cán bộ thú y để các xã triển khai phòng chống dịch hiệu quả nhất.

Trong trường hợp xã nào để xảy ra dịch mà không báo cáo hay có những giải pháp phòng chống kịp thời thì chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch huyện; tương tự, chủ tịch huyện chịu trách nhiệm trước chủ tịch tỉnh. Theo đó, chủ tịch tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để dịch cúm tái bùng phát.

Xin cảm ơn ông!  

MỚI - NÓNG