Những lời nói ấy phát đi từ miệng một nam thanh niên được gọi là ca sỹ C.V.C - người vừa bị cô học trò ở Hải Phòng tố cáo hiếp dâm cô ta. Trong vấn đề pháp luật, hiện chưa thể kết luận điều gì. Nhưng, có tới 98 phần trăm nhà báo gặp ca sỹ C mà không biết C hát những bài nào, đã tham dự chương trình nào, đã ra mắt album nào. Những độc giả nghiêm túc có phản hồi về tòa soạn cũng thắc mắc: Việt Nam ta có ca sỹ này à? Nhưng, chắc chắn sau vụ bị tố hiếp dâm, C trở thành một từ khóa, và có lẽ anh ta sẽ nổi tiếng theo cái nghĩa nào đó.
“Tôi nổi tiếng lắm”, cũng là câu mà một số chủ nhân blog hay dùng để nói về mình. Đôi lúc đang ngồi vỉa hè bỗng giật nẩy mình vì anh bạn dắt theo một cô bạn khác: Chị ấy nổi tiếng lắm, một opinion leader (người định hướng quan điểm) trên mạng đấy. Tự nhiên thấy tẽn tò vì hình như cô ấy tỏ ra thông cảm và thương cảm cho mình vì đã không biết đến cô ấy và vô hình trung không thừa nhận cô ấy nổi tiếng. Khổ thế. Người Việt đã được nhiều nhà nghiên cứu từ trước đến nay cả trong lẫn ngoài nước coi là sống không thật. Mà đã giả dối ngoài đời, thì làm sao chân thật với nhau trong không gian ảo.
Một số ca sỹ chuyển sang từ nghề người mẫu và khiêu vũ thể thao cũng hành xử kiểu “tôi nổi tiếng lắm”. Bố tôi từng hát trong xí nghiệp, mẹ tôi từng vừa đan áo vừa hát ru tôi suốt ngày, còn em trai tôi chơi với ca sỹ từ lâu rồi, nên đương nhiên tôi phải hát hay chứ. Ai chê tôi, cứ nhìn lại bản thân đi. Một tân ca sỹ đã lập luận như thế khi báo chí hỏi: Chị có giọng không mà chuyển sang nghề ca hát?
“Tôi nổi tiếng lắm” đích thị là phát ngôn và hành xử của những người thích ám thị. Phải ám thị, họ mới sống được với trạng thái không - là - gì của mình.
Có hôm, ngồi cà phê trên phố, thấy một người đẹp - người mẫu rất nổi tiếng (và cả tai tiếng) đi qua. Nhưng không ai trên con phố và trong quán ngước nhìn lên, không ai chạy theo xin chữ ký, không ai giơ máy ảnh, cũng không có lời bình luận nào. Ngồi cà phê như thế thấy bình an.