Mờ mắt vì tiền

TP - Buôn lậu xăng dầu nghiêm trọng hơn buôn lậu thuốc lá và lợi nhuận chắc chỉ sau buôn lậu ma túy là đánh giá của nhiều doanh nghiệp trong ngành từ nhiều năm qua tại các hội thảo lớn về kinh doanh xăng dầu.

Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Kiên Giang và vùng biển giáp ranh các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan... là những “vùng biển nóng” liên tục được điểm danh  trong các chuyên án triệt phá các đường dây buôn lậu xăng dầu trên biển quy mô lớn của các lực lượng chức năng trên toàn quốc.

Theo các lực lượng chức năng, tình trạng buôn lậu gia tăng khi có những biến động của giá xăng dầu trong nước tăng mạnh. Các loại xăng dầu lậu trên biển được bán giá chỉ bằng 2/3 giá bán trên đất liền là sức hút khiến buôn lậu xăng dầu khó có thể từ bỏ. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt vụ buôn lậu, làm giả xăng dầu quy mô lớn bị phát hiện với hàng triệu lít xăng dầu lậu bị bắt giữ.  Hồi đầu tháng 3/2019, Cảnh sát biển Việt Nam đã bắt giữ xử lý 2 vụ vận chuyển sang mạn trái phép xăng dầu với số lượng rất lớn lên đến hơn 3 triệu lít xăng, gần 50 nghìn lít dầu DO.

Trên đất liền, vụ án làm xăng giả của đại gia Trịnh Sướng vừa bị lực lượng chức năng phát hiện cho thấy làm giả và buôn bán xăng kém chất lượng là mảnh đất màu mỡ khó có thể chối từ. Thực tế cho thấy, không chỉ các công ty cổ phần, các doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng đã từng dính vào các hành vi buôn lậu này. Thậm chí Bộ Tài chính cũng đã từng phải đứng ra thông tin về vụ buôn lậu hơn 422.000 lít xăng RON 92 xảy ra tại Công ty TNHH MTV xăng dầu Hàng không (Vinapco) và nhận định "vụ việc vi phạm trên có dấu hiệu hoạt động tội phạm có tổ chức" gây ảnh hưởng đến việc bình ổn thị trường xăng dầu.

Lợi nhuận khủng làm mờ mắt công chức cũng từng được ghi nhận trong vụ buôn lậu xăng dầu khủng trị giá hơn 2.000 tỷ đồng của Công ty Dương Đông Hòa Phú (Bình Thuận) hồi đầu năm 2018  cho thấy, hoạt động vô cùng chuyên nghiệp, bài bản của các đối tượng trong đường dây. Viện KSNDTC đã truy tố 2 cựu cán bộ Hải quan thuộc Chi cục Hải quan Bình Thuận về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì tiếp tay cho các đối tượng trong đường dây buôn lậu xăng dầu.

“Buôn lậu xăng dầu là lĩnh vực đặc biệt, rất tế nhị mà nói thẳng nếu không có đỡ đầu, không có đường dây móc nối, chung chi thì không thể làm được”, cựu Chủ tịch một doanh nghiệp xăng dầu thuộc top 3 Việt Nam chia sẻ với Tiền Phong khi nói về những vấn đề liên quan đến việc hàng loạt đường dây buôn lậu, làm giả xăng dầu bị lực lượng chức năng triệt phá trong thời gian gần đây. Sẽ không có buôn lậu, không có xăng dầu giả trên thị trường nếu các lực lượng như cảnh sát biển, biên phòng, công an, quản lý thị trường, các sở công thương, sở KH-CN địa phương siết chặt việc kiểm soát và phối hợp nhuần nhuyễn với nhau.

Việc điều hành xăng dầu theo đúng cơ chế thị trường của Bộ Công Thương, sát giá thế giới cũng là biện pháp giảm thiểu sự chênh lệch về giá xăng dầu trong nước với thế giới cũng là giải pháp tốt. Còn nếu không những đường dây buôn lậu, làm giả xăng dầu vẫn tồn tại do lợi nhuận quá lớn từ những kẽ hở chưa lấp đầy trong điều hành giá trong nước chưa bám sát thế giới của cơ quan quản lý.

MỚI - NÓNG