TIÊU ĐIỂM KINH TẾ:

'Tối hậu thư' cho dự án CLB golf ở Đà Lạt; FLC bị phong tỏa tài khoản

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tin mới vụ tòa nhà CLB golf 'khủng' xây không phép ở Đồi Cù - Đà Lạt;  'Cháy' vé gần 11.400 chuyến bay Tết; FLC bị phong tỏa hơn 80 tài khoản, cưỡng chế gần 90 tỷ đồng thuế; Công ty xăng dầu của nữ doanh nhân bị tước giấy phép... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua

Tin mới vụ tòa nhà CLB golf 'khủng' xây không phép ở Đồi Cù - Đà Lạt

Ngày 12/1, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ra văn bản yêu cầu Cty CP Hoàng Gia DL chấp hành tự giác tháo dỡ các hạng mục xây dựng không phép, sai phép tại công trình xây dựng của dự án tòa nhà Câu lạc bộ Golf thuộc sân Golf Đà Lạt.

Đến ngày 25/1 tới, nếu chủ đầu tư không tự giác tháo dỡ các hạng mục xây dựng không phép, sai phép nói trên, Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt chủ động phối hợp với UBND phường 1 tham mưu ban hành kế hoạch tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.

'Tối hậu thư' cho dự án CLB golf ở Đà Lạt; FLC bị phong tỏa tài khoản ảnh 1
Các công trình không phép, sai phép tại tòa nhà Câu lạc bộ Golf.

Trước đó, các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định bên trong Đồi Cù Đà Lạt có 2 khối công trình lớn: Một khối có diện tích 6.120 m2 là công trình đã được cấp phép, nhưng trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã cho xây vượt diện tích lẫn khối tích dẫn đến sai phép hơn 3.000m2.

Khối công trình thứ 2 là công trình không có giấy phép với diện tích xây dựng hơn 4.400 m2. Công trình này chắn tầm nhìn về núi Lang Biang, biểu tượng của TP Đà Lạt.

Ngày 4/1, UBND TP Đà Lạt đã ra 2 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền 240 triệu đồng đối với chủ đầu tư về các hành vi xây dựng không phép, sai phép tại tòa nhà Câu lạc bộ Golf.

"Cháy" vé gần 11.400 chuyến bay Tết

Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố cập nhật tình hình cung ứng vé máy bay Tết và tỷ lệ vé đã được bán giai đoạn cao điểm 1 tháng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, trên cơ sở báo cáo của các hãng. Giai đoạn cao điểm Tết được tính từ ngày 24/1 - 25/2/2024.

'Tối hậu thư' cho dự án CLB golf ở Đà Lạt; FLC bị phong tỏa tài khoản ảnh 2
Tỷ lệ vé đã được đặt trên các chặng bay nội địa giai đoạn trước Tết.

Theo đó, tính tới ngày 12/1, chiều bay từ TPHCM đi các địa phương giai đoạn trước Tết (từ 1-11/2/2024, tức từ 22 tháng Chạp tới mùng 2 Tết), nhiều đường bay có tỷ lệ bán vé rất cao, gần như hết vé, như: TPHCM - Chu Lai (đã bán hơn 99,7% số vé được các hãng cung ứng); TPHCM - Thanh Hóa (bán 99,6%); TPHCM - Quảng Ninh (99%); TPHCM - Vinh (98,8%); TPHCM - Hải Phòng (95%); TPHCM - Huế (92%); TPHCM - Pleiku (91%); TPHCM - Đà Nẵng (91%); TPHCM - Buôn Ma Thuột (90%); TPHCM - Tuy Hòa (88%); TPHCM - Quảng Bình (86%); TPHCM - Quy Nhơn (84%); TPHCM - Điện Biên (80%).

Với đường bay từ Hà Nội đi địa phương, cùng thời gian trên, một số đường bay cũng gần như hết vé, như: Hà Nội - Vinh đã bán 100% số ghế các hãng cung ứng ra thị trường; Hà Nội - Điện Biên (94%); Hà Nội - Pleiku (88%).

Bộ Xây dựng nêu đích danh dự án chung cư tăng giá chóng mặt

Tại cuộc họp báo quý IV/2023 của Bộ Xây dựng chiều 12/1, ông Hải cho hay, tại thị trường Hà Nội, quận Thanh Xuân tăng khoảng 3,5%; quận Hà Đông tăng khoảng 3,7%; quận Hoàng Mai tăng khoảng 3,8%; quận Nam Từ Liêm tăng khoảng 4,1%...

Trong đó, giá bán căn hộ chung cư bình dân có mức giá từ 25 triệu đồng/m2- 35 triệu đồng/m2; căn hộ chung cư trung cấp giá khoảng 35 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2; căn hộ chung cư cao cấp giá trên 50 triệu đồng/m2, phổ biến ở mức giá từ 60-70 triệu đồng/m2.

Một số dự án có mức độ tăng giá bình quân cao, như: Golden Land (Thanh Xuân) tăng khoảng 3,5% (lên mức 38,7 triệu đồng/m2), HH2 Linh Đàm (Hoàng Mai) tăng khoảng 3,8% (lên mức 25,7 triệu đồng/m2), The Sparks (Hà Đông) tăng khoảng 3,7% (lên mức 28,3 triệu đồng/m2), Goldsilk Complex (Hà Đông) tăng khoảng 4,1% (lên mức 33,5 triệu đồng/m2), Hoàng Thành Pearl (Nam Từ Liêm) tăng khoảng 4,1% (lên mức 52,3 triệu đồng/m2).

Tại TPHCM, dự án The Estella (Quận 2) tăng khoảng 4,1%, The Opera Residence (Quận 2) tăng khoảng 3,9%, Mỹ Khánh 3 (Quận 7) tăng khoảng 3,6%, The Art (Quận 9) tăng khoảng 3,8%.

FLC bị phong tỏa hơn 80 tài khoản, cưỡng chế gần 90 tỷ đồng thuế

Cục thuế TP Hà Nội ra quyết định cưỡng chế gần 90 tỷ đồng tiền thuế của CTCP Tập đoàn FLC từ 83 tài khoản ngân hàng, do có số tiền quá hạn nộp.

Trong đó, có khoảng 61 tỷ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp, 14 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân, phần còn lại chủ yếu là tiền chậm nộp. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 29/12/2023 đến ngày 29/1/2024.

Trong quá trình thi hành cưỡng chế, Cục thuế TP Hà Nội đã gửi lệnh thu ngân sách Nhà nước cho 19 ngân hàng nhằm trích lập số tiền trên từ 83 tài khoản của FLC mở tại các ngân hàng này. Trong trường hợp số tiền trong tài khoản của FLC nhỏ hơn số tiền cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản, cũng như trích tiếp số tiền phát sinh.

Công ty xăng dầu của nữ doanh nhân bị tước giấy phép

Ngày 12/1, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 63/QĐ-BCT về việc thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà ở Thái Bình của nữ doanh nhân Trần Tuyết Mai.

'Tối hậu thư' cho dự án CLB golf ở Đà Lạt; FLC bị phong tỏa tài khoản ảnh 3
Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà là một trong 4 doanh nghiệp có vi phạm về kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cũng như sử dụng quỹ bình ổn giá không đúng mục đích.

Theo thông tin của PV Tiền Phong, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà gây chú ý trong thời gian gần đây khi liên tục bị điểm tên vì nợ thuế lớn. Ngoài ra, sau khi được cấp giấy phép, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà không đảm bảo hệ thống phân phối theo quy định. Cụ thể, năm 2018 Hải Hà Petro có 36/40 đại lý bán lẻ xăng dầu; năm 2019 có 34/40 đại lý bán lẻ; năm 2020 có 39/40 đại lý bán lẻ và năm 2021 có 38/40 đại lý bán lẻ xăng dầu.

Theo kết luận thanh tra, Hải Hà Petro đã trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách 110.242 m3. Từ đó dẫn đến trích lập Quỹ Bình ổn giá sai, vượt khối lượng.

Công ty này thường xuyên nợ thuế bảo vệ môi trường nhưng đến ngày 16/2/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình mới có văn bản về việc nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Qua đó xác nhận tại thời điểm 31/12/2022, công ty còn nợ ngân sách tiền thuế bảo vệ môi trường 1.114 tỷ đồng.

Bị Tập đoàn Đông Á khởi kiện, thành phố Thanh Hóa nói gì?

Tập đoàn bất động sản Đông Á được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao làm chủ đầu tư Dự án khu đô thị mới ven sông Hạc, thành phố Thanh Hóa (năm 2006) và cho phép đầu tư vào năm 2010.

'Tối hậu thư' cho dự án CLB golf ở Đà Lạt; FLC bị phong tỏa tài khoản ảnh 4
Phối cảnh Dự án Khu đô thị ven sông Hạc.

Theo báo cáo của UBND thành phố Thanh Hoá (ngày 29/9/2023) dự án còn phần diện tích 1.878,4 m2 đất chưa giải phóng mặt bằng. Ngày 14/11/2023, Tập đoàn bất động sản Đông Á đã có công văn về việc đề nghị bàn giao quỹ đất ở thuộc mặt bằng quy hoạch 371 cho Tập đoàn bất động sản Đông Á theo các thông báo số 69 và 133 (năm 2019) của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên, UBND thành phố Thanh Hoá vẫn chưa có văn bản trả lời.

Do đó, Tập đoàn bất động sản Đông Á thông báo cho UBND TP. Thanh Hóa về việc đang tiến hành khởi kiện về sự việc nêu trên đến Toà án nhân dân có thẩm quyền.

Sáng 11/1, trao đổi với Tiền Phong về vấn đề nói trên, ông Lê Mai Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa - cho biết: Dự án Khu đô thị ven sông Hạc chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng do có nhiều vướng mắc. Những vướng mắc đã được thành phố báo cáo, xin ý kiến của ngành chức năng, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Hiện công tác giải phóng diện tích còn lại của dự án đang được thành phố khẩn trương tiến hành.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, đề nghị của Tập đoàn bất động sản Đông Á hiện không có cơ sở thực hiện. TP Thanh Hóa đã nhận được văn bản thông báo khởi kiện hành chính đối với UBND TP Thanh Hóa. TP Thanh Hóa đồng tình với việc tập đoàn này khởi kiện vụ việc ra toà để toà phán quyết.

Chưa ‘cháy’ hàng đã loạn giá pháo hoa Tết

nguồn cung pháo hoa ở các nhà phân phối chính hãng vẫn còn nhiều nhưng hiện nhiều thương lái, dân buôn bắt đầu "hét" giá cao, tạo cơn sốt ảo cho thị trường này.

Theo thông tin chính thức của Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21, một số loại pháo hoa không tiếng nổ có giá bán chỉ từ 25.000 đồng/ống với loại phun nước bạc ngoài trời. Ngoài ra, sản phẩm giàn phun hoa 36 ống đắt giá nhất cũng ở mức đạt 438.000 đồng.

'Tối hậu thư' cho dự án CLB golf ở Đà Lạt; FLC bị phong tỏa tài khoản ảnh 5
Các sản phẩm pháo hoa chính hãng đều ghi rõ thông tin chi tiết trên bao bì. Ảnh: Trần An.

Chị Ngân Hà - một dân buôn pháo hoa Tết - cho biết các sản phẩm pháo hoa chị đang phân phối dao động trong khoảng 390.000 - 450.000 đồng cho loại giàn phun hoa năm 2023 và giàn phun viên đặc biệt, số lượng hàng còn rất hạn chế.

Trong khi đó, một thương lái khác đang chào giá bán các sản phẩm phun hoa 480.000 đồng/giàn, phun viên đặc biệt 470.000 đồng/giàn, phun viên 36 ống giá 520.000 đồng/giàn. Tương tự chị Ngân Hà, người này cũng hô hào người mua nhanh tay sở hữu trước khi giá pháo sẽ tăng mạnh khi tết đến gần. Thậm chí, có tài khoản trên mạng xã hội "thổi" giá pháo hoa đạt mức hơn 1 triệu đồng/giàn.

MỚI - NÓNG