Tôi dạy nhạc cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Tôi dạy nhạc cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp
TP - Chỉn chu, cần mẫn và rất ham học, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một vị tướng tài ba và nhân ái - cũng phải cắp sách đi học từ "vỡ lòng" về nhạc như thế.
Tôi dạy nhạc cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang dạo dương cầm ảnh tư liệu của Sơn Tùng

Một hôm, anh Lê Liêm - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, nguyên Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ - bảo tôi:

Có lần, anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) sang thăm Trung Quốc. Các bạn chào mừng anh Văn và đoàn ta bằng một bản hợp xướng (nội dung ca ngợi cách mạng Trung Quốc) do chính các tướng tá bạn hát bằng tiếng Trung Quốc.

Anh Văn tâm sự với anh Lê Liêm: Quân đội ta cần phát triển âm nhạc hơn nữa trong toàn quân. Người lính các quân chủng và binh chủng cần thêm nhiều bài hát có tầm cỡ như của các nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Lương Ngọc Trác…

Anh Văn còn tỏ ý rất muốn học nhạc (cả lý thuyết lẫn thực hành) và nhờ anh Lê Liêm giới thiệu một nhạc sĩ kiêm nhà giáo. Anh Lê Liêm đã tiến cử vài ba vị nhưng không thành. Suy đi tính lại, anh Liêm tiến cử tôi (Tô Vũ). Tôi nhận lời ngay.

Thế là từ năm 1960 đến 1963, tôi dạy nhạc lý cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (khoảng 1958 - 1961, tôi cũng dạy nhạc lý cho Thứ trưởng Lê Liêm).

Ban ngày, Đại tướng bận công tác cho nên chỉ có thể học vào buổi tối từ khoảng 7 giờ đến 8 rưỡi tối. Hàng tuần, từ 2 - 3 buổi, vào lúc sẩm tối, anh Văn cho xe Pa-bê-đa (Thắng Lợi) đến nhà tôi (làng Ngọc Hà, gần Vườn Bách Thú) đón tôi đến dạy tại nhà riêng.

Hồi ấy, Vườn Bách Thú chưa dời về Thủ Lệ. Tan buổi học, khoảng 8 rưỡi tối, ô tô đưa tôi về. Anh Văn học thật sự nghiêm chỉnh, ghi chép bài vở cẩn thận, đến phòng học đúng giờ.

Thời gian đó, anh Văn vô cùng bận rộn các công tác lớn của cách mạng giải phóng dân tộc và của Đảng trong một bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp. Nhắc lại như thế để thấy việc học nhạc lý và dương cầm của anh Văn hồi ấy là một cố gắng phi thường.

Trong buổi học đầu tiên, Đại tướng nói với tôi: Mong anh đặc biệt chú trọng việc giúp tôi giải thích những điều tôi chưa rõ về âm nhạc. Tôi trả lời: Xin sẵn sàng.

Có lần, giảng về khúc thức, tôi nói: Trong loại hình ca hát, có nhiều thể (rông-đô, hai đoạn…) nhưng quan trọng nhất là thể ba đoạn: A-B-A. Anh Văn hỏi: Sao không phải là A-B-C mà lại là A-B-A?

Tôi giải thích cặn kẽ: Trong thể ba đoạn, có nguyên tắc hồi đầu (trở lại phần đầu, reprise, tức là trở về phần A, A là ý chính, là chủ đề của bài hát). Sau khi viết xong phần A, trình bày, trần thuật (exposition) xong phần A (chủ đề) thì nhạc sĩ chuyển sang viết phần B tức phần phát triển chủ đề (développement).

Vì âm nhạc là nghệ thuật thời gian, cho nên nhạc sĩ phải nhắc lại ý chính, nhắc lại chủ đề ở phần kết, phải tái hiện ý chính, tái hiện chủ đề ở phần kết tức là phải trở về A, trở về phần đầu, phải hồi đầu.

Do đó, thể ba đoạn phải diễn đạt bằng công thức A-B-A (chủ đề, phát triển chủ đề, trở lại chủ đề), không thể diễn đạt bằng công thức A-B-C được. Nghe tôi giải thích, anh Văn vui hẳn lên và nói: Tôi đã rõ. Cảm ơn thày.

Cần nói thêm: Đại tướng không chỉ chăm chú nghe giảng và ghi chép cẩn thận mà còn học bài chu đáo. Mỗi khi tôi kiểm tra bài cũ, anh Văn thường trả lời đúng và ngắn gọn.

Có lần, Đại tướng hỏi tôi rất kỹ về những điểm giống nhau và khác nhau giữa âm nhạc năm cung (ngũ cung) truyền thống Việt Nam với âm nhạc năm cung (ngũ cung) truyền thống Trung Quốc.

Đây là một câu hỏi sắc sảo. Vất vả lắm, tôi mới giải đáp được về căn bản thắc mắc trên của anh Văn.

Suốt mấy năm học, anh Văn đặc biệt tôn trọng vai trò người thày của tôi, sự hiểu biết của tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy anh coi thường các kiến thức mà tôi truyền đạt.

Nhìn tổng quát, Đại tướng Võ Nguyên Giáp học nhạc một cách thông minh, chăm chỉ và đạt kết quả xuất sắc. Chị Hồng Hạnh - Vợ nhà văn Đào Vũ, người dạy dương cầm cho anh Văn sau khi tôi dạy xong nhạc lý - sau này cũng nói với tôi: Anh Văn học dương cầm tốt và tiếp thu bài giảng nhanh. Chị còn bảo: Bất cứ lúc nào Đại tướng cần tôi dạy, tôi sẽ đến lập tức.

Về ý thức kỷ luật trong việc học nhạc của anh Văn, tôi muốn kể lại chuyện dưới đây.

Một buổi tối, khi buổi học đang diễn ra, có người vào nói nhỏ với Đại tướng vài câu ngắn gọn. Tuy không nghe rõ, nhưng tôi nghĩ đó là việc khẩn về quân sự.

Quân nhân vừa đi ra, Đại tướng bảo: Vừa rồi, anh thư ký vào báo cáo: Anh Trần Văn Trà (sau này là Thượng tướng Trần Văn Trà) đến và đang chờ ở phòng khách nhưng tôi trả lời: Theo lịch hẹn, còn 15 phút nữa mới đến giờ làm việc, vậy thầy cứ dạy tôi 10 phút nữa, đúng 20 giờ 30, như thường lệ.

20 giờ 30, hết giờ học, Đại tướng đưa tôi ra cửa. Thấy anh Trần Văn Trà đứng gần đó, Đại tướng nói: Đúng giờ, mời anh vào.

Sau giải phóng miền Nam khoảng một năm, tôi vào TPHCM công tác theo đề nghị của GS, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nhờ vậy, tôi và anh Tư Chi Trần Văn Trà dễ có điều kiện gặp nhau.

Nhắc chuyện cũ, anh Tư Chi cười vui: Tối hôm ấy, đồng hồ tôi nhanh 15 phút, do đó tôi có mặt ở nhà anh Văn sớm, cho nên phải đợi. Anh Văn làm việc đúng giờ giấc.

Trong thời gian học nhạc, anh Văn 2 lần đến thăm nơi tôi ở (căn nhà này, gần nhà nhạc sĩ La Thăng hiện nay, năm 1984 vợ chồng tôi đã bán).

Lần đầu, anh tặng tôi một cây cam. Đại tướng nhờ một kỹ sư trồng tại vườn nhà tôi, gần cửa sổ. Cây cam này, về sau, sai quả. Lần thứ hai, anh Văn mặc thường phục, đi bộ từ đầu làng Ngọc Hà vào.

Con tôi và lũ trẻ hàng xóm (ở tuổi thiếu niên) chơi ở đường làng. Nhận ra khách của bố, con tôi nói: Đại tướng đến. Nhưng bạn bè của cháu chưa thấy Đại tướng bao giờ, chỉ thấy một người đàn ông đội mũ vải mềm cũ nên bảo nhau: Không phải! Anh Văn, khi vào nhà, kể lại cho tôi như vậy!

Cũng lần thăm thứ hai này, thấy tôi yếu, Đại tướng giới thiệu tôi với bác sĩ Khiêm (bác sĩ riêng của ông) và dặn khám kỹ sức khỏe cho tôi một dịp nào đó. Ít lâu sau, trước khi đi sơ tán, tôi đến Viện Quân y gần Cột cờ, anh Khiêm khám cho tôi cẩn thận về mọi mặt...

Thăng Long - Hà Nội, mồng 7/11/2005

MỚI - NÓNG