Tôi đã báo trước 'cái chết hệ thống' cách đây 4 năm

Tôi đã báo trước 'cái chết hệ thống' cách đây 4 năm
TPO - Tiến sĩ Nguyễn Chí Công, Tổ trưởng tổ chuyên môn thuộc Ban điều hành Đề án 112- người từng được cho là “kiến trúc sư trưởng” của Đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005, đã nói như vậy.

Trước cuộc trao đổi thẳng thắn với Tiền phong tại nhà riêng, ông Công nhấn mạnh, “tôi chỉ nói với tư cách cá nhân và đơn thuần về kỹ thuật thôi đấy nhé”.

Tôi đã báo trước 'cái chết hệ thống' cách đây 4 năm ảnh 1
Khai giảng phần 2 khóa học đặc biệt hỗ trợ đề án 112 tại công viên phần mềm Quang Trung năm 2003

“Nếu biết trước như thế này, tôi đã không nhận làm…”

Dư luận cho rằng, “cái chết hệ thống” của Đề án 112 đã được báo trước, điều này có đúng không, thưa ông ?

Bây giờ nhiều người mới nói “cái chết hệ thống” được báo trước, nhưng chính tôi từng báo trước điều này cách đây 4 năm, từ năm 2002 khi mới được mời lên làm ở Ban điều hành 112.

Khi đó tôi đã viết rất rõ rằng: Quá trình cải cách hành chính và tin học hóa là 2 vòng xoắn ốc, nếu không cải cách hành chính thì không có động cơ để tin học hóa, ngược lại nếu không tin học hóa thì không phát hiện ra chỗ nào cần cải cách.

Do vậy, ngay từ 2002, tôi đã nói thẳng với anh Vũ Đình Thuần (Trưởng ban điều hành Đề án 112 Chính phủ) rằng người làm Trưởng ban điều hành Đề án 112 ít nhất phải là một Phó Thủ tướng chứ không phải là anh. Bởi vì nếu không, nói chả ai nghe cả.

Vậy tại sao ông vẫn tiếp tục làm ở Ban điều hành?

Tôi đã báo trước 'cái chết hệ thống' cách đây 4 năm ảnh 2  Còn nữa, tôi là người viết ra định hướng và lựa chọn công nghệ cho Đề án 112 song lại không hề được đi giám sát thi công nên không thể biết các địa phương làm ra sao.

Lý luận về 112 do tôi viết ra, người ta dùng nhưng không hiểu. Xin được nhắc lại rằng, trong định hướng và lựa chọn công nghệ mà tôi viết không có dòng nào nhắc tới cái gọi là phần mềm dùng chung.Tôi đã báo trước 'cái chết hệ thống' cách đây 4 năm ảnh 3

Với tư cách là một cán bộ, đảng viên, khi được giao nhiệm vụ vẫn phải làm thôi, dù biết không khả thi. Tôi không thể lùi được vì tôi đã trót nhận. Chả nhẽ bấy giờ lại lên nói với anh Đoàn Mạnh Giao (Chủ nhiệm VPCP) là thôi... Hơn nữa tôi ngồi lại để còn “chữa cháy” chứ, nếu không ai chữa?

Những năm tháng đó, với trách nhiệm của một nhà khoa học tôi đã làm việc hết mình thường xuyên tới 8, 9 giờ tối mới rời văn phòng, viết ra hàng ngàn trang tài liệu về 112...

Tôi bị mổ tim tới 3 lần cũng vì làm việc quá tải cho 112, tôi mang cả tính mạng của mình ra làm việc. (Ông Công nghỉ làm việc tại BĐH 112 từ năm 2004 do bị bệnh tim - PV).

Hồi đó, có lần tôi đã từng nói thẳng : “Tôi mà biết trước như thế này, tôi không nhận làm Tổ trưởng Tổ chuyên môn của Ban điều hành 112”. (Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ có 2 tổ là Tổ chuyên môn và Tổ thư ký - PV).

“Họ toàn làm ngược”

Xin ông nói rõ hơn về những cái sai này ?

Nhận thức về E-government cũng đã bị sai, từ government trong tiếng Anh có tới 7 nghĩa. Việc dịch từ này thành Chính phủ điện tử dễ bị nhân dân hiểu sai rằng cái này chỉ dành riêng cho Chính phủ, cho Thủ tướng và mấy ông Bộ trưởng thôi.

Tôi cũng là người phản đối phần mềm dùng chung, tôi nói chỉ có dữ liệu dùng chung chứ làm gì có phần mềm dùng chung, cái chung có chăng chỉ là giao diện mà thôi. Khi tôi nói ra, người ta cô lập tôi ngay, anh Thuần rất không hài lòng với tôi về điều này.

Mục tiêu của Đề án 112 là quá lớn, chính tôi là người duy nhất đã nói ra điều này và đề nghị điều chỉnh mục tiêu tại một cuộc họp nội bộ từ năm 2003 với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cao cấp. Nhiều người cũng biết nhưng không ai nói.

Đề án 112, mấu chốt nhất đó là cái mạng thông tin. Chúng ta không chỉ dùng của Google, của Microsoft được mà cần phải có mạng riêng hoàn toàn độc lập của Chính phủ. Nhưng đường truyền cáp quang đến cấp huyện đến giờ này vẫn chưa có, mặc dù theo lời hứa là cuối năm 2003 sẽ có.

Một vấn đề rất quan trọng nữa là sự phối hợp giữa Ban điều hành 112 với Bộ Nội vụ không tốt. Thủ tướng Phan Văn Khải thời đó đã chỉ định một vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách về cải cách hành chính nằm trong Ban điều hành  112, nhưng sau đó vị này không còn phụ trách về cải cách hành chính nữa. Điều lạ là vị mới lên thay làm cải cách hành chính lại không thuộc Ban điều hành 112.

Thưa ông, thế còn chương trình đào tạo của Đề án 112, hiện nay dư luận cũng đang cho rằng có vấn đề?

Chính tôi là người đề xuất ra chương trình đào tạo cho 112, tôi viết rằng phải chia ra làm 4 nhóm, trong đó nhóm quan trọng bậc nhất chính là nhóm dành cho các nhà lãnh đạo từ Chủ tịch nước cho tới Thủ tướng... Nhưng rốt cục người ta lại không làm.

Đây phải là nhóm cần được đào tạo theo chương trình đầu tiên. Tôi mời các chuyên gia từ Mỹ, Anh, Pháp đến nói chứ đâu phải chỉ mình tôi nói. Không ai có thể biết tất cả được, không học sao dám nói về E-goverment được...

Ngay tôi khi lên Ban điều hành cũng phải nghiên cứu về E- goverment của tất cả các chính phủ để học hỏi và áp dụng.

Tóm lại là họ làm ngược hết, không ai nghe tôi cả. Tây đều gọi tôi là Architect (kiến trúc sư) của Đề án 112, nhưng chả ai hỏi tôi, các địa phương khi triển khai 112 cũng không hỏi nốt. Đơn giản là vì tôi có ký ra tiền đâu mà họ hỏi, nếu ký ra tiền có khi họ còn đến tận nhà để hỏi ấy chứ.

Có người cho rằng, Đề án 112 là “chùm khế ngọt” để...

Tất nhiên sẽ là “chùm khế ngọt” nếu như thanh toán được, và chỉ ngọt với những ai “thầu” được mà thôi. Anh nào có công ty chắc cũng kiếm được, tôi thì không có công ty.

Cần đánh giá khách quan

5 mục tiêu cụ thể của Đề án 112 đề ra trong giai đoạn 2001-2005 gồm: Xây dựng các hệ thống tin học hóa quản lý hành chính nhà nước; Tổ chức xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia; Tin học hóa các dịch vụ công; Đào tạo tin học; Thúc đẩy cải cách hành chính.

Tiến sĩ Công thừa nhận, trong 5 mục tiêu này, có nhiều mục tiêu không đạt được. Cái đạt được rõ nhất chỉ là mục tiêu thứ nhất mà thôi. Ông Công cũng phàn nàn, nhiều mục tiêu mà Đề án 112 đề ra quá chung chung, không thể đo được, mà đã không đo được thì khó mà đánh giá kết quả của nó.

Khi được hỏi, ai là người soạn thảo ra các mục tiêu của Đề án 112, vị “kiến trúc sư trưởng” cho biết, đến giờ ông vẫn chịu không biết là ai viết.

Còn chuyện lãng phí tiền để mua sắm thiết bị phần cứng thì sao, thưa ông ?

Chuyện này tôi không biết. Có điều nếu không mua máy lấy gì mà dùng, mà học. Nhưng có người lại bảo mua mãi mà chả thấy dữ liệu đâu để chạy. Đâm ra giống như chuyện “con gà – quả trứng”. Đúng ra cần phải qui định thật cụ thể, ví như mua máy rồi thì bao lâu sau dứt khoát phải tích hợp được dữ liệu.

“Tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại không hiệu quả”, là một người trong cuộc ông có suy nghĩ gì trước nhận định về sự thất bại Đề án 112 của dư luận ?

Không đúng! Theo tôi biết, người ta mới chỉ cấp chưa tới 1 nghìn tỷ thì lấy đâu ra hàng ngàn tỷ mà tiêu. Con số 3.730 tỷ đồng mà Ủy ban KH - CN&MT của Quốc hội đưa ra là tính trên cơ sở dự toán của tất cả các dự án của các tỉnh thành, không phải là con số thực tế.

Còn về hiệu quả cần phải đi xuống từng địa phương để có sự đánh giá hết sức cụ thể. Chắc chắn có nơi đã làm tốt, có nơi chưa tốt.

Hiện nay, số liệu các tỉnh thành suốt từ “Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái” đổ về đây tăm tắp. Tây cũng còn phải “xanh mắt” vì chưa làm được. Cho nên đánh giá cái gì cũng cần khách quan và có sự hiểu biết nhất định.

Tôi xin nói thêm, bản thân những người làm CNTT, những người trực tiếp làm 112 không có lỗi gì trong chuyện này. Nếu có chăng phải là vấn đề về điều hành tổ chức, về lãnh đạo...

Việt Hùng
Thực hiện

Nói lại cho rõ

Báo Tiền Phong số 132 ra ngày 12/5/2007 có đăng bài báo “Tôi đã báo trước “cái chết hệ thống” cách đây 4 năm” về nội dung cuộc trao đổi giữa PV và TS Nguyễn Chí Công - Tổ trưởng Tổ chuyên môn Ban điều hành Đề án 112.

Sau khi báo đăng, ông Nguyễn Chí Công có ý kiến như sau : Đây chỉ là nội dung một cuộc trao đổi chứ không phải là phát biểu chính thức, đề nghị tham khảo các bài phát biểu chính thức của tôi trong các hội thảo khoa học và các ấn phẩm chuyên ngành.

Vậy xin nói lại để bạn đọc được rõ.

MỚI - NÓNG