Ông Phạm Hoa nói:
Ba lần ngồi ở Hội đồng cấp Nhà nước tôi không thấy có chuyện chạy chọt gì cả. Tôi và các anh Trọng Khôi, Phạm Quang Long đều hết sức tôn trọng ý kiến của các hội đồng chuyên ngành.
Khi Tào Mạt bị ung thư, theo chỉ đạo của Cục, tôi đã gửi đơn cấp tốc lên Bộ Quốc phòng và Bộ Văn hóa để làm hồ sơ cho anh ấy và cuối cùng Tào Mạt được đặc cách NSND không qua NSƯT. Đến bây giờ vẫn là nghệ sĩ ngời ngời. Lúc được phong tặng anh ấy đã chết nhưng đơn vị công tác của Tào Mạt cũng có phải lo lót cho chúng tôi cái gì đâu.
Còn Anh Dũng, Giám đốc Nhà hát kịch VN hồi tôi ngồi Hội đồng cấp Nhà nước, khi bầu phiếu cũng không cao đâu, vừa đủ đạt NSND nhưng có đơn khiếu nại nên tạm dừng lại chứ không phải người ta quên anh ấy. Thúy Cải tài năng thừa NSND nhưng cũng có đơn khiếu nại, nên trượt. Văn Hiệp thì có làm hồ sơ đâu mà xét, về sau này cũng được đặc cách sau khi anh mất đấy thôi.
Nghệ sĩ hài nổi tiếng X.H được Bộ trưởng Bộ Văn hóa trong phát biểu khai từ ông ra làm ví dụ, ý nói đủ tài xứng đáng danh hiệu NSND. Đó là một ý kiến rất đáng trân trọng. Nhưng các thành viên hội đồng cũng rất thẳng thắn. Soi đi xét lại thấy nghệ sĩ này diễn còn nhiều chỗ tục. Đợt đó X.H không đủ phiếu NSND.
Người ta có thể không chạy anh, không vận động anh, nhưng còn chuyện của những vị khác làm sao anh biết hết? Hơn nữa lần cuối ngồi hội đồng của anh cũng gần chục năm rồi.
Đúng là chuyện của người khác thì tôi không biết. Tôi khẳng định mấy lần ngồi ghế hội đồng quốc gia, chúng tôi trao đổi, lắng nghe các chuyên ngành. Còn chạy phiếu thì tôi không thấy.
Anh còn bức xúc chuyện gì nữa?
Nghệ sĩ bây giờ nhiều người giỏi lắm. Thế Anh nói chỉ thế hệ ông ấy là tài thì không phải. Với công nghệ ngày nay, cứ thử mang Nổi gió (cả kịch cả phim) chiếu cạnh Thấp thoáng mặt người, Nhịp điệu vi rút, Cái chết không dễ dàng gì sẽ thấy sự khác biệt rất xa. Họ đạt tới độ sâu sắc, tinh tế trong những vai diễn phức tạp.
Mặc dù tỏ ý nghi ngờ có chuyện chạy chọt danh hiệu nhưng khi phóng viên điểm mấy cái tên trúng NSND đợt này, Phạm Hoa nói anh “chưa nghe bao giờ”. Và thừa nhận: “NSND phải có sức lan tỏa nhất định, phải được nhiều người biết tới”. Nhưng anh cũng cho rằng: “Mọi người đừng quá coi trọng danh hiệu NSND, NSƯT. Nó cũng chỉ là thành tích, danh hiệu của một ngành nghệ thuật mà thôi”.
Tiến Đạt trong Thấp thoáng mặt người (Nhà hát kịch Hà Nội) tài hoa đến đáng khâm phục. Không có lẽ lại so sánh tài năng với Thế Anh thì thật khó nói. Hình như Thế Anh gặp may và đẹp giai. Ngày ấy vở diễn anh tham gia, phủ sóng cả nước. Nổi gió có cốt truyện hay, may mà anh diễn hồn nhiên, nên mới thành công. Dẫu sao cốt truyện kịch ngày đó, tâm lý nhân vật đơn giản, một chiều. Còn bây giờ với những vở diễn đương đại, đa tầng đa thanh, các nghệ sĩ họ giỏi và tinh tế lắm. Ở Nhà hát kịch Hà Nội có thể kể Minh Hòa, Tiến Đạt, Trung Hiếu, Thu Hà...
Sân khấu hiện nay cực kỳ cập nhật đời sống. Bạn thử đi xem Cái chết không dễ dàng gì của Nhà hát kịch Quân Đội sẽ thấy. Kịch bản của Xuân Đức, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, kể chuyện Bác Hồ giao cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xử lý một vụ án oan mà cuối cùng không xử lý được-thế mới biết đấu tranh với tiêu cực là rất khó.
Nhịp điệu vi rút về mô típ có vẻ lặp lại Thấp thoáng mặt người nhưng cũng rất đáng xem. Trở về cát bụi kịch bản của Triệu Huấn, cũng Nhà hát kịch Hà Nội làm, cũng thế.
Mấy vở anh điểm tôi chưa xem nhưng vở mới nhất của Nhà hát kịch Hà Nội dự cuộc thi Sân khấu Kịch nói Chuyên nghiệp toàn quốc là “Bỉ vỏ”, khéo đợt này đoạt giải vàng vở diễn hoặc diễn viên cũng nên nhưng có rất nhiều điều phải bàn, các diễn viên anh vừa điểm danh cũng diễn chưa tới. Tất nhiên cũng tại những khâu khác nữa, ví dụ kịch bản. Và tôi công nhận về Tiến Đạt nhưng chưa công nhận với anh rằng Minh Hòa là số 1 trong dàn diễn viên kịch hiện nay nói chung. Nhất là qua vở gần đây - “Cách mạng”, kịch bản của Nguyễn Khải mới dựng lại, diễn dịp 30/4.
Hôm duyệt Bỉ vỏ, nhiều thành viên (Hội đồng Nghệ thuật TP Hà Nội) đều khen còn tôi không nói gì, sau đó có nói riêng với Thu Hà và Hoàng Dũng (Giám đốc Nhà hát) một số chi tiết. Tôi nghĩ khi diễn thuần thục các vai sẽ tỏa sáng.
Tám Bính là nhân vật rất hay. Bản chất lương thiện nhưng trong cái lương thiện lại có mầm mống lưu manh. Phải diễn như thế nào cho ra. Hình như tính cách đó có trong một số loại người Việt. Ranh giới giữa lương thiện và lưu manh là rất mong manh, Thu Hà diễn chưa bật được cái đó. Năm Sài Gòn phải ở hai cực- rất giang hồ, rất thô nhưng lại cực kỳ thương người. Thì hôm duyệt dẫu khá nhưng Trung Hiếu diễn cũng chưa đạt đến độ như kịch bản.
Anh cho rằng các khâu xét duyệt danh hiệu hiện nay đã rất ổn rồi?
Cách tổ chức hội đồng quốc gia theo tôi cũng nên chỉnh sửa một số điều. Ví dụ, các nghệ sĩ hay dị ứng với việc phải làm đơn trong hồ sơ phong tặng. Điều này chỉ là một nguyên tắc có tính chất hành chính. Trong tiền lệ, đã có những nhà văn, nghệ sĩ rất nổi tiếng từ chối giải và danh hiệu. Các nghệ sĩ cho rằng nhà nước thấy xứng đáng thì khen thưởng, họ không phải xin. Theo tôi việc này xử lý đơn giản. Các hội chuyên ngành xem xét cống hiến và làm thư mời đến các nghệ sĩ, tôn trọng người ta là tốt chứ sao.
Còn vấn đề hội đồng thì phải tính lại. Nên đề cao các hội đồng chuyên môn. Họ phải như viện hàn lâm của chuyên ngành mình, các thành viên phải là những người giỏi nhất về chuyên môn. Còn nếu có hội đồng cấp nhà nước thì chỉ nên chuẩn y những vấn đề khác về chuyên môn. Tránh những chuyên ngành khác nhau lại bỏ phiếu cho các nghệ sĩ mà mình không rõ.
Anh ủng hộ tiêu chí xét tặng danh hiệu. Vấn đề là trước nay nhiều vở đi hội diễn, có thể kiếm huy chương về cho nghệ sĩ nhưng chỉ diễn vài buổi rồi xếp kho thì sao? Thế thì huy chương có giá trị không? Như thế, ngay cả mục đích tuyên truyền, phục vụ chính trị nếu muốn, cũng chưa đạt? Trong khi ở mảng sân khấu xã hội hóa, diễn viên diễn rất nhiều suất, người xem rất đông nhưng vì họ không tham gia hội diễn nên chẳng có huy chương và chẳng được xét tặng?
Tôi từng ra qui định cho các đoàn quân đội mình phụ trách là mỗi vở đi hội diễn phải diễn đủ 10 buổi miễn phí phục vụ quân đội. Bạn nói đúng, có lẽ phải có qui định: Giải vàng phải diễn bao nhiêu buổi trở lên thì mới đủ tiêu chuẩn xét tặng.
Nhà văn Phạm Hoa, giải Nhì cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân Đội năm 1980, giải Ba truyện ngắn báo Văn Nghệ 1990. Từng là Cục phó Cục Tuyên huấn (chức vụ phiên ra là Phó Tư lệnh Quân đoàn), nói nôm na Phạm Hoa từng nắm toàn bộ “phần hồn” của hoạt động văn hóa văn nghệ quân đội. Hiện anh đã nghỉ hưu nhưng vẫn có chân trong Hội đồng Nghệ thuật TP Hà Nội.