Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 đang diễn ra hai tuần ở Thanh Hóa, ông có quan tâm? Vở kịch gần nhất ông xem hoặc ấn tượng?
Tôi bị cái tật, kể cả sân khấu lẫn phim Việt Nam đều không xem, dù tôi là diễn viên. Ở TPHCM, sân khấu 5B Võ Văn Tần và một số khác thi thoảng họ mời thì tôi đi. Các đoàn miền Bắc có vào đây đâu mà xem, cho nên tôi cũng mù tịt lắm, sợ đánh giá lại thiếu khách quan.
Ngày trước hội diễn sân khấu thế nào, chứ nhiều người trong giới nói, đi hội diễn bây giờ cốt để kiếm huy chương, kiếm huy chương cốt để đủ tiêu chí xét tặng danh hiệu, ngoài ra không có mục đích khác?
Hội hè với chúng tôi ngày trước là dịp người làm nghề gặp gỡ hàn huyên. Có đi hội diễn để lấy huy chương cũng không cay cú như bây giờ. Người nào được thì xứng đáng thôi.
Bây giờ có những trường hợp làm bố lếu bố láo nên phức tạp, cay cú lắm. Sau hội diễn, người ta được mình không được là la toáng lên, cái đó là có cả ở Nhà hát Kịch Việt Nam của tôi đấy.
Công chúng kêu ca rằng nhiều người mang danh NSND mà không mấy ai biết mặt biết vai. Qua mỗi đợt xét tặng lại “nhan nhản” NSND nhưng có vẻ không thể so sánh với thế hệ đầu đàn như Thế Anh, Trà Giang, Đoàn Dũng…?
Tất nhiên, có bao nhiêu tinh tú người ta chọn hết rồi! Chẳng qua bây giờ đến hẹn lại lên buộc phải chọn thôi, làm sao thành tích bằng đợt của chúng tôi được.
Cũng như điện ảnh, cứ đến hẹn lại lên, Cánh diều vàng, Cánh diều bạc mặc dù chất lượng không cao, thì vẫn cứ phải có. Giải Cánh diều vừa rồi tổ chức ở TPHCM đấy, cũng lôm côm lắm. Ấy thế mà sang năm vẫn tiếp tục. Phim ít nhưng cứ liên hoan với giải thưởng suốt, chất lượng phim ngày càng chán.
Thế chẳng phải việc xét tặng chỉ chạy theo hình thức thôi sao?
Rõ ràng quá đi chứ. Sang lần xét mới, người ta cứ bới bới mãi cũng tìm được một người. Những người nổi bật như ngày xưa thì hết rồi, phong rồi.
Nhưng cũng có những chuyện như vừa rồi thấy Anh Dũng chết mới phong NSND. Anh Dũng xứng đáng, lúc chết mới phong để đỡ cãi nhau. Phương Thanh cũng thế, còn Văn Hiệp chết rồi mới được NSƯT. Nói chung lĩnh vực này rắc rối, nhiều chuyện lắm.
Theo quy định, muốn được NSƯT ít nhất phải có hai giải vàng quốc gia (huy chương). NSND phải có ít nhất hai giải vàng quốc gia tính từ đợt nộp hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT trước đó, trong đó ít nhất một giải vàng trong 5 năm tính đến ngày nộp hồ sơ. Có trường hợp dù không có huy chương nhưng vẫn nổi tiếng. Như Văn Hiệp làm gì có huy chương nào, rồi Hoài Linh cũng thế. Hội đồng lại chỉ căn cứ vào tiêu chí thôi.
Trong các tiêu chí xét danh hiệu, có tiêu chí “được bạn nghề đánh giá cao, khán giả yêu mến”. Hai điều này có khó để đánh giá không thưa ông?
Tiêu chí cũng chỉ chung chung thôi. Làm sao để người trong nghề thích? Trong ngành sân khấu điện ảnh mấy người tôn vinh nhau? Tình thâm trong nghề cũng là của hiếm. Hồi ấy vì mình quá nổi tiếng, không dìm được thì đành phải bật lên thôi. Muốn nói gì thì nói, trong túi tôi có hơn sáu chục bộ phim toàn đóng vai chính cả, anh có không ưa tôi vẫn thế. Có chê tôi, hàng năm vẫn cứ phải mang Nổi gió, Đường về quê mẹ, Mối tình đầu ra chiếu. Nghề điện ảnh, sân khấu kèn cựa nhau kinh lắm, bằng mặt không bằng lòng. Nếu mình không bật được lên thì khó.
Gần đây giới nghệ sỹ rộ lên thông tin có sự vận động, chạy phiếu để được phong tặng danh hiệu. Ông có biết không? Ông có khẳng định thời trước không có chuyện này?
Tôi nghe lâu rồi, không cụ thể nhưng cứ ngầm ngầm. Nó xưa như cổ tích rồi. Mà chuyện đó không chỉ có trong ngành sân khấu nữa. Vừa rồi trong lĩnh vực giao thông phát hiện vụ việc Nhật úy lạo mình đấy thôi. Bệnh tình chung này ảnh hưởng tới việc chạy chọt hội đồng các nghệ sỹ. Hiện nay nói cụ thể thì mình không biết, chỉ nghe dư luận xôn xao, chính là từ nghệ sỹ chứ đâu.
Thời xưa làm gì có chuyện chạy chọt. Như tôi, người ta báo mới biết mình được NSND chứ có để ý gì đâu.